Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát về tình hình đầu tư, quản lý và khai thác các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, ban đã có nhiều kiến nghị đối với UBND tỉnh để nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt…
Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã tiến hành giám sát về tình hình đầu tư, quản lý và khai thác các công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh. Qua giám sát, ban đã có nhiều kiến nghị đối với UBND tỉnh để nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt…
Theo ông Nguyễn Ngô - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, chính sách hỗ trợ vốn, hỗ trợ lãi suất cho chương trình nước sạch trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt kết quả khả quan, giải quyết được phần lớn nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, góp phần hoàn thành bộ tiêu chí nông thôn mới tại các xã. Đặc biệt, đã giúp giảm bớt áp lực cân đối ngân sách cho chương trình nước sạch, khuyến khích các doanh nghiệp vay vốn đầu tư và cung cấp dịch vụ nước cho người dân; nâng cao tỷ lệ sử dụng nước sạch trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến. Bên cạnh đó, chính sách này còn giúp doanh nghiệp nâng cao công suất, thay đổi công nghệ bảo đảm nguồn và chất lượng nước; doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ cho người dân lắp đặt đồng hồ và đấu nối vào hệ thống nước; bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và lợi ích của người dân.
Tuy nhiên, qua giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhận thấy các mô hình quản lý, khai thác các công trình nước sạch vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Đối với công trình do cấp xã quản lý, hầu hết UBND cấp xã không đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình, chất lượng nước không ổn định. Trong khi đó, cách quản lý lại thiếu chuyên nghiệp, cán bộ quản lý không có trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, giá nước chỉ tính theo mức đủ bù đắp các chi phí để vận hành như: trả tiền điện, hóa chất… nên thiếu kinh phí duy tu sửa chữa khi công trình hư hỏng.
Đối với các công trình do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn quản lý thì kết quả tốt hơn, bảo đảm cấp nước sạch thường xuyên, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, tỷ lệ nước thất thoát thấp. Tuy nhiên, mô hình này còn một số bất cập như: không vay được vốn để phát triển mạng lưới cấp nước (vì trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập) trong khi vốn ngân sách còn hạn chế; không đưa chi phí lắp đặt đồng hồ nước vào giá nước và tính chi phí lắp đặt riêng nên chưa được sự đồng thuận của người dân.
Từ tháng 3-2014 về trước, toàn tỉnh có 95 công trình cấp nước tập trung nông thôn. Trong đó, có 69 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn còn hoạt động và 26 công trình ngừng hoạt động. UBND tỉnh đã giao 69 công trình đang hoạt động cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, doanh nghiệp và UBND cấp xã quản lý, sử dụng và khai thác. Đối với 26 công trình đã ngừng hoạt động, UBND tỉnh giao cho UBND cấp xã quản lý và xử lý thu hồi tài sản. Giai đoạn 2014 - 2016, tỉnh chỉ đầu tư 20 công trình cấp nước tập trung và thực hiện đầu tư thông qua ngân sách hỗ trợ hoặc hỗ trợ lãi suất vay. Tổng mức đầu tư các công trình là 372 tỷ đồng. Trong số đó có 15 công trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư và 5 công trình được hỗ trợ lãi suất vay. |
Đối với công trình được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, bàn giao cho các doanh nghiệp quản lý hoặc công trình do doanh nghiệp đầu tư được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư đã mang lại hiệu quả cao. Các công trình này cấp nước kịp thời cho các vùng nông thôn thiếu nước nhất là vào mùa khô hạn… Tuy nhiên, mô hình này còn một số khó khăn như: doanh nghiệp không còn tài sản để thế chấp do đã thế chấp vay thực hiện các dự án; tài sản hình thành từ dự án nước sạch có tính thanh khoản thấp. Khi thực hiện các dự án đầu tư cải tạo nâng cấp các hệ thống nước sinh hoạt, việc phân định tài sản cũ và mới rất khó nên doanh nghiệp không thể dùng khối tài sản này để thế chấp cho Quỹ Đầu tư phát triển. Trong khi đó, việc hỗ trợ vốn đầu tư hoặc bàn giao các công trình do ngân sách đầu tư cho doanh nghiệp đều phải hoàn vốn cho ngân sách nhà nước. Đa số công trình cấp nước ở nông thôn, mật độ dân cư thưa thớt, chi phí đầu tư lớn, hộ gia đình sử dụng nước ít gây khó khăn cho doanh nghiệp…
Để nâng cao hiệu quả đầu tư, quản lý các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn tỉnh, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung các dự án nước sạch nông thôn trên địa bàn tỉnh; xác định quy mô đầu tư dự án và hình thức quản lý phù hợp. UBND tỉnh cần nghiên cứu xây dựng quy hoạch cấp nước sạch riêng cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh; có hướng dẫn việc thẩm định, quyết định cho vay từ Quỹ Đầu tư phát triển để đầu tư các công trình nước sạch trong điều kiện doanh nghiệp không còn tài sản thế chấp. Trong kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm nên ưu tiên giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư (đối với phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp) để thuận lợi từ khâu lập hồ sơ, tổ chức thi công đến khi đưa công trình vào quản lý, khai thác và hoàn vốn cho ngân sách...
H.L