Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh vừa tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Qua kiểm tra, đoàn đánh giá, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng được huyện thực hiện tương đối tốt theo kế hoạch được giao, đạt nhiều kết quả quan trọng ...
Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh vừa tiến hành kiểm tra công tác bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy (PCCC) rừng trên địa bàn huyện Vạn Ninh. Qua kiểm tra, đoàn đánh giá, công tác quản lý, bảo vệ rừng và PCCC rừng được huyện thực hiện tương đối tốt theo kế hoạch được giao, đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tình trạng các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ rừng trái phép, lấn chiếm đất rừng… Các cơ quan chức năng cần có giải pháp quyết liệt, cụ thể để giải quyết tình trạng này.
Lấn chiếm hơn 1.000ha rừng
Ông Nguyễn Văn Tới - Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vạn Ninh cho biết, trên địa bàn huyện có 5 xã có rừng gồm: Xuân Sơn, Vạn Hưng, Vạn Phú, Vạn Bình, Vạn Long. Thời gian qua, công tác bảo vệ rừng trên địa bàn huyện có những chuyển biến. Tuy nhiên, chuyển biến vẫn chưa căn bản, thiếu vững chắc, tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng vẫn diễn ra, đặc biệt là hành vi chặt trộm cây trồng tại những khu vực rừng trồng đã đến tuổi khai thác, tình trạng phá rừng, khai thác rừng và chống lại lực lượng bảo vệ rừng còn xảy ra.
Theo báo cáo, hiện nay, diện tích vườn rừng, rẫy trồng cây lâu năm, trồng cây nông nghiệp của người dân khai hoang, lấn chiếm rừng khoảng hơn 1.000ha. Trong năm 2016, đơn vị đã phát hiện và chuyển cơ quan chức năng xử lý 11 vụ lấn chiếm đất rừng làm rẫy trái phép. Các đối tượng đã ký cam kết không vi phạm, phát, lấn chiếm đất rừng làm rẫy. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện phối hợp với lực lượng kiểm lâm đã tổ chức ngăn chặn tình trạng phá rừng tại Dốc Mỏ - Suối Hương. Lực lượng kiểm lâm đã tạm giữ hàng chục mét khối gỗ các loại và hàng chục xe máy vận chuyển gỗ trái phép. Ngoài ra, lực lượng bảo vệ rừng còn phát hiện và chuyển cơ quan chức năng xử lý 4,06m3 gỗ các loại, phát hiện và hủy tại rừng 54 khúc gỗ, 34 hầm than, tiêu hủy 6.000kg than hầm.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, phương tiện lâm tặc sử dụng để khai thác gỗ trái pháp luật chủ yếu là cưa máy nên rất cơ động, tốc độ khai thác gỗ và tàn phá rừng nhanh, phương tiện vận chuyển chủ yếu bằng xe máy. Đối tượng khai thác gỗ trái pháp luật tập trung chủ yếu là người dân địa phương thuộc các xã: Vạn Bình, Vạn Phú, Vạn Hưng… Các hành vi vận chuyển, chế biến lâm sản trái pháp luật tập trung chủ yếu tại các địa phương có các đầu nậu gỗ tổ chức chặt chẽ theo đường dây. Các đối tượng này dùng nhiều thủ đoạn tinh vi trong khâu vận chuyển như: thường xuyên thay đổi thời gian, lợi dụng nước sông, suối lớn trong mùa mưa để vận chuyển gỗ trái pháp luật.
Ưu tiên giao đất cho đối tượng thiếu đất sản xuất, không có nghề nghiệp
Trao đổi với chúng tôi, ông Tới cho biết: “Các đối tượng trực tiếp phá rừng chủ yếu là người địa phương thiếu đất sản xuất, không có nghề nghiệp, sống phụ thuộc vào rừng nên việc vận động cũng gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay còn hơn 100 đối tượng phá rừng tập trung chủ yếu ở 5 xã có rừng trên địa bàn huyện”.
Địa phương đã lên phương án vận động, chuyển đổi nghề nghiệp cho các đối tượng phá rừng. Cụ thể, Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Vạn Ninh đang lên đề án giao đất rừng cho người dân trồng, quản lý, trong đó sẽ ưu tiên cho các đối tượng thiếu đất sản xuất, không có nghề nghiệp. “Thực tế, chúng tôi đã đưa ra đề án giao 3.600ha đất rừng cho người dân trồng, quản lý với kinh phí ngân sách hỗ trợ khoảng 46 tỷ đồng. Con số nhu cầu trên địa bàn toàn huyện là hơn 6.000ha. Tuy nhiên, vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên tỉnh chỉ duyệt được 5 tỷ đồng với hơn 1.000ha. Chủ trương của huyện là thực hiện giao đất cho người dân trồng rừng và quản lý ở các địa bàn trọng điểm, diễn biến phức tạp về chặt phá rừng trái phép. Mỗi hộ sẽ được giao 2ha và mỗi héc-ta được hỗ trợ 5 triệu đồng”, ông Tới cho biết.
Ngoài ra, địa phương sẽ tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng tận gốc, trong đó chú trọng tuyên truyền trực tiếp đến từng hộ sống trong rừng và ven rừng. Đồng thời các tổ, trạm thực hiện mở sổ theo dõi người ra vào rừng, danh sách những đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép, lấn chiếm, phá rừng trái phép trên địa bàn. Qua đó kiểm soát và đưa ra những biện pháp cụ thể giải quyết từng vụ việc.
Chủ động phòng cháy, chữa cháy
Theo cơ quan chức năng huyện Vạn Ninh, diện tích rừng trồng chủ yếu là keo trong khi đó mùa khô hanh kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 làm cho lớp thực bì khô dày nên khi có nguồn lửa dễ gây cháy. Diện tích rừng đã trồng được trên địa bàn huyện là hơn 1.350ha, trong đó diện tích rừng có nguy cơ cháy cao là 800ha. Ông Lê Văn Tân - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Vạn Ninh cho biết, để thực hiện tốt công tác PCCC rừng, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC góp phần nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng lửa ở trong rừng, ven rừng. Bên cạnh đó, các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chữa cháy và tổ chức trực cháy trong mùa khô nhằm sớm phát hiện điểm phát lửa, huy động lực lượng phối hợp dập tắt khi mới phát lửa; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về PCCC rừng để phòng ngừa, răn đe, tuyên truyền, giáo dục.
Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện đã tổ chức ký cam kết với 70 hộ sống trong rừng và ven rừng không để cháy rừng xảy ra trong sinh hoạt khi dùng lửa, tích cực chữa cháy khi có cháy xảy ra. Các trạm bảo vệ rừng đã làm việc với các trưởng thôn, xóm thuộc 5 xã có rừng thành lập các tổ dự bị chữa cháy rừng và thống nhất một số biện pháp tập hợp lực lượng khi có cháy xảy ra, với hơn 80 người tham gia. Đồng thời, đơn vị đã làm được 36km đường ranh cản lửa phòng cháy rừng. Ông Tạ Trí Bảo Thạch - Trạm trưởng Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Hóc Chim cho biết, rừng trên địa bàn huyện có độ dốc cao, vì vậy, việc PCCC gặp khá nhiều khó khăn. Đơn vị phải đi đến từng hộ hướng dẫn các gia đình cách thức dọn đường ranh, xử lý thực bì phòng, chống cháy rừng.
Ông Tân cho rằng, hiện nay, công tác PCCC rừng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, khi xảy ra cháy thường thực hiện chữa cháy bằng thủ công là chính, độ dốc cao khiến cho việc lấy nước dập lửa rất vất vả; trong khi lực lượng mỏng, kinh phí hỗ trợ thấp (50.000 đồng/người/ngày). Tuy nhiên, bằng nhiều biện pháp tích cực, cụ thể, trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 huyện chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào.
THÀNH NAM