08:06, 25/06/2017

Dự án đập ngăn mặn sông Cái: Cần nghiên cứu sâu hơn tác động về môi trường

Đó là ý kiến của ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong buổi kiểm tra thực địa và làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái (Nha Trang), diễn ra sáng 25-6.

 

Đó là ý kiến của ông Hoàng Văn Thắng - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) trong buổi kiểm tra thực địa và làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa, liên quan đến đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái (Nha Trang), diễn ra sáng 25-6.


Tại buổi làm việc với đoàn công tác, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa và lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan đã báo cáo, xin ý kiến Bộ NN-PTNT về chủ trương đầu tư dự án này. Theo đó, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020.

 

Đồng chí Đào Công Thiên và các sở, ngành làm việc với đoàn công tác  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Ông Đào Công Thiên (bìa trái) và các sở, ngành làm việc với đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Theo ông Châu Ngô Anh Nhân - Giám đốc Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh, dự án có tổng mức đầu tư 760 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách trung ương thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, chia làm 2 giai đoạn: 2016 - 2020 và 2020 - 2025 là 608 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương 152 tỷ đồng. Dự án được thực hiện tại phường Ngọc Hiệp, TP. Nha Trang (cách cầu đường sắt khoảng 150m về phía thượng nguồn sông Cái). Đây là công trình kết hợp giữa đập ngăn mặn và cầu giao thông, nằm trên tuyến đường vành đai 2, tạo điều kiện giao thông thuận lợi, giảm bớt gánh nặng giao thông từ cửa ngõ phía bắc vào TP. Nha Trang trên đường 2-4. Quan trọng hơn, do lưu lượng dòng chảy của sông Cái (Nha Trang) giữa mùa khô và mùa mưa chênh lệch rất lớn, thường cạn kiệt về mùa khô, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân và đất sản xuất nông nghiệp. Trong đợt nắng hạn giữa năm 2016, tình hình xâm ngập mặn đã tiến sâu hàng chục kilomet, khu vực nhiễm mặn đo được tại đập tạm ở khu vực cầu Vĩnh Phương có thời điểm gần ngang với độ mặn của nước biển. Vào mùa mưa lũ, do hệ thống đập tạm không thể điều tiết thoát lũ, nên nước lũ tràn về với lưu lượng cao, gây ngập lụt cho nhiều khu vực ở TP. Nha Trang, huyện Diên Khánh và gây xói lở 2 bên bờ sông phía hạ lưu đập tạm này.


Trước tình hình đó, Dự án xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cái đã được UBND tỉnh đặt ra từ nhiều năm nay. Ngoài mục tiêu ngăn mặn, dự án còn có khả năng chủ động nguồn nước cho vùng thượng lưu của đập vào các thời điểm nắng hạn trong năm.

 

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra địa điểm dự kiến đầu tư đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra địa điểm dự kiến đầu tư đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang


Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng khẳng định, dự án đập ngăn mặn và cầu giao thông trên sông Cái Nha Trang là hết sức quan trọng, cần phải đầu tư. Thứ trưởng hoàn toàn đồng ý với chủ trương thực hiện dự án này, nhưng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa cần nghiên cứu sâu hơn về các tác động của dự án đập ngăn mặn sông Cái đối với vấn đề môi trường. Khi ngăn nước, dòng chảy sẽ gây xói lở mạnh về phía hạ lưu. Qua quan sát thực tế có nhiều vùng đất 2 bên bờ sông Cái Nha Trang có cao độ không lớn so với mực nước hiện nay, vì thế, phía thượng lưu đập ngăn sẽ đối diện với nguy cơ bị ngập. Ở nhiều dự án đập ngăn mặn trong cả nước, vấn đề môi trường phía trên đập bị ảnh hưởng rất lớn.


Về vấn đề này, ông Đào Công Thiên cho biết: “Phía trên đập ngăn mặn có các dòng rẽ đưa nước đến các khu vực khác, đặc biệt là khi dự án kè sông Tắc đang được triển khai. Trước đây, một phần sông Tắc kết nối với sông Cái đã bị bồi lấp, mất dòng chảy, tỉnh đang thực hiện khơi lại dòng sông này và xây kè kiên cố toàn tuyến. Theo đó, sẽ tạo thành một kênh nhánh từ sông Cái đổ theo sông Tắc, ra sông Quán Trường và kết nối ra biển. Khi phía thượng nguồn dự án đập ngăn mặn có một nhánh sông khác đổ ra biển sẽ giúp điều tiết mực nước ở mức hợp lý, không gây ngập lụt 2 bên bờ sông Cái, đồng thời giảm thiểu những tác động về môi trường trong quá trình tích trữ nước. Về tính hợp lý, công trình này đã được cơ quan chuyên môn nghiên cứu trong nhiều năm. Vị trí đề xuất thực hiện dự án là phù hợp, vừa đáp ứng được công năng ngăn mặn, tích trữ nước ngọt, vừa phù hợp với các công trình phát triển hạ tầng giao thông trọng yếu của TP. Nha Trang”.

 

Theo đề xuất, dự án sẽ làm đập chính ngăn mặn có chiều dài 173m, chia thành nhiều khoang cửa, mỗi khoang cửa dài 30m, được lắp đặt thiết bị vận hành điều tiết lưu lượng nước chảy qua. Phía trên đập ngăn mặn sẽ là cầu giao thông có chiều rộng 26m, tổng chiều dài 344m. Đây cũng là cây cầu nằm trên đường vành đai 2, một tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh. Khi được phê duyệt, dự án sẽ thi công trong khoảng 4 năm.

Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng cho rằng, trên cơ sở trách nhiệm của Chính phủ giao, Bộ NN-PTNT sẽ nghiên cứu, thông qua các nội dung về kiến trúc và tổng mức đầu tư dự án này trong thời gian tới. Tuy nhiên, bên cạnh phương án đang được xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa và các sở, ngành liên quan cũng cần cân nhắc tính toán thêm các phương án khác. Chẳng hạn như đầu tư xây dựng đập ngăn mặn tách khỏi dự án cầu giao thông bắc qua sông Cái. Bộ NN-PTNT sẽ cử các cán bộ chuyên môn, cùng với tỉnh Khánh Hòa đưa ra nhiều phương án để lựa chọn hơn. Trong trường hợp thực hiện dự án ở vị trí hiện tại, đơn vị tư vấn cũng cần đưa ra nhiều giải pháp đi kèm, nhất là các giải pháp về môi trường; phải tính toán cho được các phương án bảo vệ những khu vực chịu ảnh hưởng từ đập ngăn mặn sông Cái.


Tại buổi làm việc, ông Đào Công Thiên đã đề nghị Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh và đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của Bộ NN-PTNT, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án phát triển tỉnh, sau khi thông qua ý kiến của các bộ, ngành liên quan, dự án sẽ được trình lên HĐND tỉnh thông qua chủ trương đầu tư trong năm 2017, làm cơ sở để triển khai dự án trong năm 2018.


C.Đ