Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục đặc biệt - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang (đường Nguyễn Xiển, xã Vĩnh Ngọc) đã hỗ trợ can thiệp sớm cho nhiều trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của trẻ, hỗ trợ trẻ sớm tham gia học tập, hòa nhập hiệu quả.
Thời gian qua, Trung tâm Giáo dục đặc biệt - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang (đường Nguyễn Xiển, xã Vĩnh Ngọc) đã hỗ trợ can thiệp sớm cho nhiều trẻ em có nhu cầu giáo dục đặc biệt. Qua đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của trẻ, hỗ trợ trẻ sớm tham gia học tập, hòa nhập hiệu quả.
Cánh cửa hy vọng
Chị Trần Thị Thùy (28 tuổi, công nhân ở TP. Nha Trang) chia sẻ, cách đây 2 năm, con chị được 24 tháng tuổi mà chưa biết nói, không đáp ứng sự giao tiếp với mọi người. Gia đình chị đã đưa cháu đi khám ở các bệnh viện, kết quả cháu bị hội chứng Asperger (một dạng rối loạn phổ tự kỷ). Kết quả này khiến gia đình chị suy sụp tinh thần. Những tháng ngày nghỉ việc đưa con đi học giáo dục đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh khiến gia đình chị kiệt quệ về tài chính. Tìm hiểu được biết tại TP. Nha Trang có Trung tâm Giáo dục đặc biệt, chị Thùy cho con theo học. “Tôi cảm thấy thật may mắn vì cháu được thầy cô ở trung tâm dạy dỗ với các phương pháp phù hợp, đầy tình thương. Trước đây, bố mẹ nói chuyện với cháu vài phút là gặp phản ứng cáu kỉnh, im lặng, thì hiện nay cháu đã biết thắc mắc, hỏi han những điều lạ, biết giao tiếp với cha mẹ. Điều này mang đến hy vọng cho gia đình. Đến nay, gia đình vẫn kiên trì cho con học tại trung tâm, cháu 4 tuổi có thể hòa nhập và đi học tại trường mẫu giáo như trẻ bình thường”.
Bé L.N.M (28 tháng tuổi, trú huyện Cam Lâm) cũng có xuất phát chậm hơn các trẻ cùng lứa. Bé dửng dưng với cha mẹ, muốn chăm sóc bé thì bị bé ăn vạ, đập phá. Qua thăm khám, cháu được chẩn đoán rối loạn phát triển lan tỏa - rối loạn phổ tự kỷ. Đã 6 tháng nay, mỗi tuần 3 buổi, cha mẹ M. cho con từ Cam Lâm đến trung tâm học. Sự thay đổi của bé rõ rệt đến mức các bậc phụ huynh khác cho con theo học tại đây cũng nhận ra. Một phụ huynh chia sẻ, khi cháu M. mới vào chỉ biết ư ư, a a, hung hăng đánh bạn, nhưng sau mấy buổi học đã biết nói xin chào, tạm biệt mọi người.
Giảng viên Trần Hoàng Phong (Trung tâm Giáo dục đặc biệt) cho biết: “Quan trọng là gia đình và người chăm sóc trẻ biết theo dõi những bất thường ở trẻ (nếu có), cho trẻ kiểm tra y tế và can thiệp sớm để đảm bảo trẻ được phát triển và sẵn sàng tiếp cận, hòa nhập cộng đồng”.
Cần can thiệp sớm
Trung tâm Giáo dục đặc biệt - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang được thành lập từ năm 2009 với nhiệm vụ tổ chức các hoạt động can thiệp sớm cho trẻ khuyết tật. Bên cạnh đó, trang bị cho trẻ những kiến thức, kỹ năng trong khoảng thời gian ngắn nhất (tùy thuộc từng trẻ), để trẻ có thể đủ điều kiện học hòa nhập. Trên cơ sở đó tư vấn cho phụ huynh lựa chọn mô hình, trường lớp hòa nhập phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ. Từ khi thành lập đến nay, trung tâm đã nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế trong việc bồi dưỡng giáo viên và hỗ trợ cơ sở vật chất. Nơi đây còn là trung tâm nguồn để giáo viên thực hành giảng dạy cho sinh viên quan sát và học tập các giờ can thiệp cho trẻ, tư vấn cho phụ huynh trẻ khuyết tật.
Số lượng trẻ đến trung tâm tham gia tư vấn và can thiệp hàng năm khoảng 30 - 50 trẻ, chủ yếu ở các dạng tật: rối loạn phổ tự kỷ, khó khăn về ngôn ngữ, khiếm thính, rối loạn cảm xúc, hành vi, hội chứng tăng động giảm chú ý... Tính đến nay đã có hơn 400 trẻ đặc biệt được tư vấn, can thiệp tại trung tâm. Nhiều trẻ sau một thời gian can thiệp đã tham gia học tập ở các loại hình trường mầm non chuyên biệt và hòa nhập.
Cô Nguyễn Thị Thảo - Phó Trưởng khoa Giáo dục mầm non, Giám đốc Trung tâm Giáo dục đặc biệt cho biết, khó khăn nhất hiện nay là làm cách nào để trẻ có nhu cầu đặc biệt được tiếp cận, hỗ trợ và đáp ứng nhu cầu đặc thù ngay từ sớm (trước 3 tuổi). Bởi lẽ, khi nhận được những kỹ năng hỗ trợ chuyên sâu, các em mới có thể tiếp cận giáo dục và hòa nhập một cách hiệu quả. Tuy nhiên, do đội ngũ giảng viên của trung tâm còn ít, không tổ chức được lớp bán trú, trong khi số trẻ đến trung tâm lại cao nên chưa đáp ứng được nhu cầu can thiệp và trị liệu cho nhiều trẻ. Bên cạnh đó, việc phối hợp với các cơ sở y tế để chẩn đoán, đánh giá trẻ khiếm thính và trẻ rối loạn phổ tự kỷ để xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho trẻ còn gặp khó khăn.
Theo cô Trịnh Thị Hồng Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, thời gian tới, ngoài việc tăng cường nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ giáo viên, trung tâm sẽ tích cực phối hợp tổ chức các chuyên đề để nâng cao chất lượng tư vấn và trị liệu cho trẻ tại trung tâm và giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật. Đồng thời, phối hợp với trường mầm non thực hành trực thuộc trường và các trường mầm non trong tỉnh, tạo điều kiện cho trẻ khuyết tật sau khi được can thiệp có thể tham gia học hòa nhập...
Đỗ Phan