Bà Trần Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Cam Ranh cho biết, những năm gần đây, công tác dân số toàn thành phố có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động được tổ chức xuyên suốt, có hệ thống từ cấp xã lên tới thành phố.
Tuyên truyền lồng ghép hiệu quả
Bà Trần Thị Tâm - Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) TP. Cam Ranh cho biết, những năm gần đây, công tác dân số toàn thành phố có những chuyển biến tích cực. Các hoạt động được tổ chức xuyên suốt, có hệ thống từ cấp xã lên tới thành phố. Chính quyền địa phương các cấp có sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, đúng hướng theo mục tiêu duy trì mức sinh thay thế bền vững, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, người dân từng bước chấp nhận xã hội hóa các phương tiện tránh thai. Bên cạnh đó, còn có sự chung tay phối hợp tuyên truyền của các ban, ngành, đoàn thể địa phương. Nhờ vậy, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm dần theo từng năm. Năm 2016, tỷ suất sinh giảm 0,37‰, đạt 370% kế hoạch; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,31%, đạt 155% kế hoạch được giao. Ngoài ra, tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 79,4%.
Điển hình như xã Cam Thành Nam, dân số toàn xã 1.386 hộ, với 5.175 khẩu, trong đó phần lớn người dân sống dựa vào làm nông nghiệp, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, nhận thức về DS-KHHGĐ còn hạn chế. Để từng bước thay đổi nhận thức của người dân, UBND xã đã chỉ đạo các đoàn thể từ xã đến thôn phối hợp với Ban Dân số và Trạm Y tế xã cùng thực hiện nhiều chương trình truyền thông lồng ghép, đến từng nhà vận động các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ KHHGĐ, không sinh con thứ 3 trở lên, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Nhờ đó, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn xã đã có sự chuyển biến rõ rệt, thực hiện tốt các chỉ tiêu dân số cấp trên giao, đời sống người dân ngày một cải thiện. Bà Trần Thị Kim Anh, một người dân trong xã cho biết: “Tôi được cán bộ dân số thường xuyên vận động nên cũng thông ra nhiều. Quan niệm trọng con trai cũ rồi, không nên cứ buộc vào mình mãi làm gì. Tôi nghĩ sinh 2 con gái mà nuôi dạy đàng hoàng cũng tốt như con trai, nên quyết định KHHGĐ theo lời khuyên của cán bộ dân số, không cố sinh thêm nữa, để dành thời gian chăm sóc sức khỏe gia đình”.
Ông Nguyễn Trung Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Dân số xã Cam Thành Nam cho hay: “Chúng tôi triển khai công tác dân số luôn có sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, giao ban phải có báo cáo cụ thể từng hoạt động rõ ràng. Hội Phụ nữ, Hội Nông dân phải luôn cùng với Ban Dân số xã hoàn thành tốt các chỉ tiêu dân số cấp trên giao, nhất là các hoạt động truyền thông sàng lọc trước sinh, sơ sinh, chiến dịch tăng cường truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản đến vùng khó khăn”.
Xã Cam Thịnh Tây cũng thực hiện tốt công tác dân số. Tuy toàn xã có 90% đồng bào dân tộc Raglai sinh sống, nhưng công tác DS-KHHGĐ xã gần đây cũng có nhiều thay đổi tích cực. Từ năm 2011 đến 2014, xã có 47 trường hợp tảo hôn, nhưng 2 năm gần đây nhờ phối hợp thực hiện tốt trong công tác tuyên truyền nên không có trường hợp tảo hôn nào; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên hiện nay giảm còn 10,66%…
Sẽ đổi mới công tác tuyên truyền
Theo lãnh đạo Trung tâm DS-KHHGĐ TP. Cam Ranh, bên cạnh đẩy mạnh công tác phối hợp tuyên truyền, thành phố còn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ và tuyên truyền viên có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ. Hầu hết cộng tác viên (CTV) đều được tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kỹ năng cần thiết về dân số. Nhiều chị em còn được học lớp y tế thôn bản, kỹ năng truyền thông, vận động do tỉnh tổ chức. Nhờ vậy, các chị em CTV phụ trách việc tuyên truyền lồng ghép mang lại hiệu quả cao. Đông đảo người dân tham gia các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, tự nguyện áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Mặc dù vậy, hiện nay, công tác dân số của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh phí đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu hiện nay. Kinh phí hỗ trợ đội ngũ CTV còn thấp, làm cho một bộ phận CTV không mặn mà với công việc. Mặt khác, do đời sống kinh tế của một bộ phận người dân vùng nông thôn, miền núi còn hạn chế nên chưa tiếp cận được các dịch vụ y tế. Không ít gia đình vẫn còn tư tưởng sinh con trai để có nguồn lực lao động, có người nối dõi dẫn đến quy mô dân số chưa ổn định, gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Sắp tới, Ban chỉ đạo Dân số thành phố sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp tuyên truyền chính sách về DS-KHHGĐ đến với người dân. Đặc biệt, huy động sự hỗ trợ nguồn lực, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với công tác dân số. Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ trong tuyên truyền với các ban, ngành, đoàn thể, có những giải pháp để thực hiện tốt hơn nữa công tác dân số trong hoàn cảnh kinh phí hoạt động hạn chế.
M.T