03:04, 26/04/2017

Với tôi, Báo Khánh Hòa đã trở thành máu thịt

Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi về công tác tại Báo Khánh Hòa (khi ấy còn mang tên Khánh Hòa Giải phóng). Cuối năm 1975, cùng với việc sáp nhập 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, 2 tờ báo Phú Yên Giải phóng và Khánh Hòa Giải phóng cũng được hợp nhất thành Báo Phú Khánh.

Sau ngày giải phóng miền Nam, tôi về công tác tại Báo Khánh Hòa (khi ấy còn mang tên Khánh Hòa Giải phóng). Cuối năm 1975, cùng với việc sáp nhập 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa thành tỉnh Phú Khánh, 2 tờ báo Phú Yên Giải phóng và Khánh Hòa Giải phóng cũng được hợp nhất thành Báo Phú Khánh.
 
Nỗ lực xây dựng nhà in riêng
 
Lúc đó, đội ngũ những người làm báo còn khá mỏng, mọi thứ vẫn còn rất khó khăn nên báo chỉ phát hành 10 ngày/kỳ, mỗi số 4 trang, sau đó ra 7 ngày/kỳ, in bằng máy in ty-pô nên rất chậm. Mỗi lúc thay đổi tin, bài để đáp ứng yêu cầu thời sự là gặp nhiều khó khăn. Khi ấy tôi là Phó Tổng Biên tập Thường trực Báo Phú Khánh (đồng chí Trần Chi - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Tổng Biên tập) đề xuất với Tỉnh ủy cho báo xây dựng nhà in riêng để chủ động từ A đến Z. Cuộc họp diễn ra ở nhà đồng chí Lê Trọng Khoan - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy. Sau khi nghe tôi trình bày vấn đề và cân nhắc, cuộc họp đã đồng ý cho báo xây dựng nhà in riêng. Mừng vì nay mai báo sẽ có nhà in, nhưng tôi cũng rất lo vì cần phải có nhà để bố trí nhà in, tiền đâu để mua máy in, hình hài tương lai nhà in như thế nào… Tôi đến gặp anh Hồ Ngọc Nhường - Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh trình bày mọi việc, anh quyết định cho sử dụng căn nhà 2 tầng ở đường Thống Nhất, TP. Nha Trang. 
 

 

1
 
Nhà báo Nguyễn Ngọc kể lại những kỷ niệm  khó quên với Báo Khánh Hòa.
 
Đầu năm 1977, tôi cử anh em vào TP. Hồ Chí Minh làm việc với Cục Xuất bản của Bộ Văn hóa, rồi được giới thiệu sang gặp anh Nguyễn Kim Xuân - Phó Ban trực Ban Cải tạo ngành in và Chủ tịch Liên hiệp ngành in của TP. Hồ Chí Minh. Anh Xuân giới thiệu có ông Lê Huỳnh (quê Tuy An, Phú Yên) có máy in offset nằm trong diện cải tạo, nhưng anh ấy muốn hiến tặng cho quê hương. Sau khi làm thủ tục, hơn 1 tháng sau chúng tôi đem máy về Nha Trang, nhờ thợ từ TP. Hồ Chí Minh ra lắp ráp máy. Đồng thời, chúng tôi phải cấp tốc đào tạo công nhân để thành lập nhà in. Trong chuyến đi TP. Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Hồng - Phó Tổng Biên tập không may bị tai nạn qua đời, đó là một nỗi đau không thể nào quên.
 
Đầu tháng 9-1978, Báo Phú Khánh chính thức in tại nhà in riêng. Đây là thành quả xứng đáng sau hơn một năm trời cả cơ quan chạy ngược chạy xuôi mới có được, là niềm tự hào của Báo Phú Khánh - một trong số ít những tờ báo địa phương có nhà in riêng. Sau khi có nhà in, ngoài việc in báo, chúng tôi còn tổ chức in hóa đơn, chứng từ… để làm thêm kinh tế. Năm 1989 chia tách tỉnh Phú Khánh, nhà in được chuyển cho Báo Phú Yên.
 
Quyết tâm ra Báo Khánh Hòa Chủ nhật
 
Năm 1989, Báo Khánh Hòa tái thành lập. Từ Hội Nhà báo tỉnh, tôi được điều về làm Tổng Biên tập Báo Khánh Hòa lần thứ 2. Vẫn những gương mặt đã từng quen biết, chỉ khác đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên còn lại không nhiều. Sau khi ổn định tình hình, tôi đề xuất làm Báo Khánh Hòa Chủ nhật. Trong cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy mở rộng do đồng chí Bùi Hồng Thái - Quyền Bí thư Tỉnh ủy chủ trì, tôi mang theo maquette của Báo Khánh Hòa thường và Báo Khánh Hòa Chủ nhật để xin ý kiến Thường vụ. Số Báo Khánh Hòa thường được thông qua nhanh, nhưng Báo Khánh Hòa Chủ nhật phải tranh luận khá lâu trong cuộc họp hôm đó. Khi nghe tôi trình bày ý tưởng, các đồng chí trong Thường vụ băn khoăn bởi cho đến lúc đó chưa có một tờ báo Đảng nào ra 2 tờ báo với khuôn khổ và nội dung khác nhau; báo đang thiếu phóng viên, tại sao không làm 2 kỳ báo/tuần mà lại mất công sức ra 1 số thường, rồi thêm số Chủ nhật có nhiều khác biệt… Lúc đó tôi vì quá “máu lửa” nên đã hứa trước với Thường vụ Tỉnh ủy, nếu được cho phép làm, trong tương lai Báo Khánh Hòa Chủ nhật sẽ tự cân đối, tự trang trải, một điều ít người dám nghĩ đến. Rất may, cuối cùng tập thể Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất “giao toàn quyền Ban Biên tập quyết định”.
 
 

 

Nhà báo Nguyễn Ngọc (bìa trái) tại Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất

Nhà báo Nguyễn Ngọc (bìa trái) tại Hội thảo báo Đảng khu vực miền Trung - Tây Nguyên lần thứ nhất

 
Được sự đồng ý về mặt chủ trương của Tỉnh ủy, tôi khăn gói ra Hà Nội để xin phép Bộ Văn hóa - Thông tin cấp giấy phép xuất bản. Khi tôi trình bày giấy tờ xin xuất bản Báo Khánh Hòa và Khánh Hòa Chủ nhật, anh Lưu Văn Hân - Cục trưởng Cục Báo chí xem khá kỹ. “Tỉnh anh nghĩ thế nào mà xin phép ra một lúc 2 tờ báo”, anh Hân hỏi. Tôi trả lời: “Tuy kích cỡ khác nhau những vẫn là một tờ báo, một ban biên tập, một cơ quan chủ quản đấy chứ”. Anh Hân không đồng ý với cách lập luận của tôi và khuyên nên thống nhất 2 số báo chung một khuôn khổ. Vì cho đến lúc ấy, trong các báo đảng bộ của 53 tỉnh, thành, Cục Báo chí chưa cấp giấy phép xuất bản cho bất kỳ một tờ báo nào theo kiểu của Khánh Hòa. Tôi đã phải lấy cớ thân tình đến nhà riêng để thăm và cố giải thích, có thể nói là “nài nỉ” để được xuất bản một tuần 2 số báo với khuôn mẫu khác nhau, một giấy phép gộp chung hay mỗi tờ một giấy phép riêng cũng được. Sau khi có giấy phép, tôi về bắt tay tổ chức thành lập Hội đồng biên tập, đặt bài cho những cây bút tên tuổi để ra tờ báo. Tờ báo có 16 trang khổ 28 x 20cm với nhiều chuyên mục: kinh tế - xã hội, văn hóa - thể thao, an ninh - trật tự, truyện ngắn... được độc giả ủng hộ. Có thời điểm, Báo Khánh Hòa Chủ nhật phát hành lên đến 8.000 - 10.000 tờ/kỳ; mạng lưới phát hành mở rộng ở TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Gia Lai, Phú Yên, Bình Định... Sự thắng lợi của ấn phẩm Khánh Hòa Chủ nhật đã đưa Báo Khánh Hòa phát triển lên một giai đoạn mới, với cách làm báo ngày càng hiện đại.
 
Tôi gắn bó với Báo Khánh Hòa hơn 20 năm; từ chiến khu về làm Báo Khánh Hòa, về hưu cũng ở đây, nên với tôi tờ báo đã trở thành máu thịt. Hàng năm, tôi vẫn thường được lãnh đạo tờ báo mời họp mặt, tình cảm ấy không bao giờ quên. Trong những năm qua, Báo Khánh Hòa có sự trưởng thành về nhiều mặt, nhanh nhạy và nhiều bài viết chất lượng. Bây giờ, tôi vẫn giữ thói quen đọc Báo Khánh Hòa hàng ngày để nắm bắt tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của địa phương. Tôi mong trong thời gian tới, Báo Khánh Hòa sẽ phát triển hơn nữa, trở thành người bạn tinh thần của người dân địa phương.
 
X.T (Ghi)