12:04, 26/04/2017

Báo "Thắng" - niềm tự hào của người làm Báo Khánh Hòa

Cách đây không lâu, có một nhà báo trẻ, trong lúc trò chuyện đã nói với tôi: "Những năm đầu kháng chiến chống Pháp mà tỉnh mình đã xuất bản được tờ báo "Thắng" đúng là quá đặc biệt, chú hả!". "Đúng thế!" - Tôi trả lời và từ đó thỉnh thoảng khi nhớ về những ngày đầu kháng chiến tôi lại nghĩ đến hai chữ đặc biệt mà anh bạn trẻ đã nói.

Cách đây không lâu, có một nhà báo trẻ, trong lúc trò chuyện đã nói với tôi: “Những năm đầu kháng chiến chống Pháp mà tỉnh mình đã xuất bản được tờ báo “Thắng” đúng là quá đặc biệt, chú hả!”. “Đúng thế!” - Tôi trả lời và từ đó thỉnh thoảng khi nhớ về những ngày đầu kháng chiến tôi lại nghĩ đến hai chữ đặc biệt mà anh bạn trẻ đã nói.
 
Đúng là rất đặc biệt. Tôi còn nhớ, ngày 26-4-1946, tại thôn Đại Điền Đông, huyện Diên Khánh, trong lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân trong tỉnh gặp vô vàn khó khăn, nhưng Tỉnh ủy Khánh Hòa trong cuộc họp mở rộng đã ra Nghị quyết về việc xuất bản tờ báo của Đảng bộ, lấy tên là báo Thắng. Cũng từ đây, đến đầu năm 1947, tại chiến khu Hòn Dữ, sau thời kỳ chuẩn bị, số báo đầu tiên đã ra đời do anh Nguyễn Minh Vỹ - Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh phụ trách. Lo phần nội dung tờ báo ngoài anh Vỹ và anh Lý Văn Sáu (tên thật là Nguyễn Bá Đàn), về sau có thêm anh Võ Văn Sung và tôi. Làm báo trên rừng rất khổ, thiếu thốn mọi thứ, phải in bằng kỹ thuật in đá (in li-tô) với mực charbonel, trong khi đó thì địch càn quét, đánh phá mọi nơi. Thế nhưng, mỗi tháng báo Thắng vẫn ra được 2 đến 3 số, mỗi số khoảng 600 - 700 bản. Tuy ít, nhưng tờ báo khi ra đời đã có sức ảnh hưởng rất lớn đối với quần chúng. Nhiều bài viết có nội dung sắc bén đã vạch trần bộ mặt thật của kẻ địch, khơi dậy lòng yêu nước, kêu gọi đồng bào ta hướng về kháng chiến, ủng hộ chính quyền cách mạng, góp phần đánh đuổi kẻ thù xâm lược. 
 

 

 
Để tờ báo ra đời và tồn tại trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn của những năm đầu kháng chiến chống Pháp, ngoài sự nhiệt tình, cố gắng của đội ngũ trực tiếp làm báo, còn có sự đóng góp, giúp đỡ rất lớn của đồng bào trong tỉnh. Đá dùng để khắc bản in hầu hết phải lấy từ Diên Khánh, sau đó anh em ta phải huy động người gùi lên núi. Còn giấy và mực in cũng như ống ru lô để in phải nhờ các cơ sở bí mật ở nội thành Nha Trang mua, gửi lên. Bây giờ đất nước hòa bình, thống nhất, đi lại dễ dàng, còn ngày ấy, để bao vây đường tiếp tế của ta, địch kiểm tra, kiểm soát rất gắt gao. Giấy phải mua mỗi lần một ít chứ không thể mua nhiều cùng một lúc, sau đó tìm cách chia ra thành những phần nhỏ để chuyển đi. Có trường hợp chị em phải bó giấy vào đùi rồi lấy dây thun cột lại để khi qua các trạm gác không bị địch phát hiện. Xăng dầu để chạy máy nổ, sử dụng cho việc thu nhận tin tức nhằm phục vụ cho việc làm báo cũng khó, phải mua gom rồi đựng vào trong ống tre, ống nứa, sau đó đi các con đường vắng chuyển về chiến khu.
 
Tại chiến khu, vào những năm 1947 - 1948, địch luôn tìm cách đánh phá. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, anh em làm báo Thắng đã bằng mọi cách để tờ báo tồn tại và ra mắt, phục vụ công tác tuyên truyền. Tôi còn nhớ, vào tháng 8-1948, khi đang làm số báo đặc biệt kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, căn cứ của ta bị lộ và địch cho quân đến tấn công, làm cho toàn bộ số báo vừa in chưa ráo mực bị rách nát và ru lô để in bị hỏng... Vậy mà sau khi địch rút, chúng tôi được lệnh dời cơ quan ngay trong đêm, sau đó khi về nơi ở mới, chưa kịp dựng nhà, anh em liền mài bản đá để in lại cho kịp thời gian phát hành.
 
Công tác phát hành báo về các vùng đồng bằng và Nha Trang cũng gian nan vô cùng, phải tìm mọi cách để qua mắt địch. Bác sĩ Kiều Xuân Cư thời ấy là một cơ sở cách mạng của ta, một người đóng vai trò rất quan trọng trong công tác phát hành báo trong nội thành cũng như giúp cơ sở của ta trong chuyện mua giấy, mua mực in. Anh Cư nay đã qua đời, song những dòng hồi ký anh để lại sẽ cho ta biết phần nào về việc này: “… Cuối tháng 12-1946, vào một buổi sáng, chị Mai Thị A (chị của anh Mai Xuân Cống) đến nhờ mua một số giấy manh trắng học sinh, mực in và mực charbonel. Tôi hỏi nhà in ở Nha Trang, họ từ chối, nhân chuyến đi công tác vào Nam Bộ, đến Sài Gòn, liên lạc đưa tôi vào bưng biền Vườn Thơm ở Đồng Tháp Mười. Tôi ở cạnh nhà in báo “Cảm Tử” của Liên hiệp Công đoàn Sài Gòn - Chợ Lớn, được đồng chí phụ trách nhà in chỉ cho tiệm bán mực in và vật tư in. Hôm về Chợ Lớn tôi tìm mua được các loại mực vượt yêu cầu vì “mỗi lần mua một lần khó”. Lúc này mực in là loại hàng quốc cấm, thường bị địch bắt khi mang đi không đủ giấy tờ. Tôi biểu cửa hàng viết hóa đơn cho nhà in ở Nha Trang, tôi gửi cửa hàng vận tải Lý Sanh Ký, thuê chở về Nha Trang được an toàn. Nguy hiểm nhất là đoạn đường từ Nha Trang lên căn cứ, đồn bót kiểm soát rất gắt gao. Nhưng với lòng gan dạ và lanh lợi, chị A đã chuyển trót lọt giấy và mực in về đến căn cứ. Trung tuần tháng 2-1947, chị A đem đến nhà tôi một đòn bánh tét. Chúng tôi mở ra thấy những tờ báo cuộn tròn còn nồng mùi mực in. Tôi thu, cất và mở một tờ báo ra, vội xem thấy tên báo “Thắng” chữ to, đậm nét mực, về hình thức trông khá đẹp. Ở trang đầu là lời ra mắt của Ban Biên tập, tiếp đến là bài xã luận của ông Chủ tịch tỉnh. Ở giữa trang đầu là bài thơ chúc Tết của Bác Hồ. Chữ in hơi trội làm nổi bật những dòng thơ sau đây:
 
Cờ đỏ sao vàng tung bay trước gió
 
Tiếng kèn kháng chiến vang dậy non sông
 
Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến
 
Chí ta đã quyết, lòng ta đã đồng
 
Tiến lên chiến sĩ, tiến lên đồng bào
 
Sức ta đã mạnh người ta đã đông
 
Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi
 
Thống nhất độc lập nhất định thành công
 
                                                    Ngày 1 tháng 1 Đinh Hợi 1947
 
                                                    HỒ CHÍ MINH
 
Trang báo sau, mục chuyện thời sự có bài “Vải thưa che mắt thánh” vạch trần thái độ trơ trẽn của thực dân Pháp, đang chuẩn bị bôi son, trét phấn của Bảo Đại nhằm đưa ông ta về trước. Các trang sau có mục “tin kháng chiến trong nước”, “tin kháng chiến trong tỉnh”…
 
Như đã chuẩn bị, tôi gặp anh Chí Thành, Giám đốc hãng xăng Sheel và thầy Trợ Quyết bàn việc lập danh sách phát hành báo “Thắng” theo đường bưu điện đưa đến địa chỉ người nhận. Anh Chí Thành nhận 20 tờ phát hành cho giới công thương, thầy Trợ Quyết nhận 15 tờ để phát trong báo giới, còn một số tờ tôi gởi cho giới y tế và các tham tá giữ một số trọng trách trong chính quyền. Chị Tư Túc nhận gởi 5 tờ cho giới nhân sĩ. Có người lo xa hơn, cất báo “Thắng” để làm vật bảo chứng khi kháng chiến thắng lợi. Sở mật thám cho bọn tay chân lùng sục, kiểm soát dọc đường vào Nha Trang nhưng báo “Thắng” vẫn vào thành trót lọt. Không may cho chú Dụ, một thầy tu ở chùa Phật học bị chúng lục, xét có tờ báo “Thắng” trong người nên đã được đưa về Sở Mật thám để tra hỏi nhằm tìm ra nguồn gốc. Nhưng cũng may, tờ báo còn nằm trong chiếc phong bì ở Bưu điện nên chú Dụ vẫn khăng khăng một mực: Báo này ở Bưu điện gởi đến. Chúng tra hỏi mấy ngày mà không tìm được gì hơn nên phải trả tự do. Chú Dụ nay là Hòa thượng Thích Trí Tín, trụ trì chù Phật học (trích Hồi ký của đồng chí Kiều Xuân Cư).
 
Từ khi ra đời đến năm 1951, báo Thắng đã di dời 6 địa điểm khác nhau thuộc địa bàn Khánh Vĩnh và Ninh Hòa. Tuy gặp bao khó khăn, gian khổ nhưng tờ báo đã tồn tại, góp phần quan trọng vào công tác tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh, phục vụ sự nghiệp chống kẻ thù xâm lược. Cũng từ đây, tờ báo được đổi tên nhằm đáp ứng tình hình mới đang đặt ra.
 
Gần 70 năm trôi đi, nhưng sự ra đời của báo Thắng là một dấu ấn khó quên, là niềm tự hào của mỗi người làm báo ở Khánh Hòa hôm nay.
 
GIANG NAM