10:03, 21/03/2017

Xử lý nghiêm lối khai thác tận diệt ở vịnh Cam Ranh

Thời gian gần đây người dân TP. Cam Ranh sử dụng loại ngư cụ tự chế để khai thác thủy sản theo kiểu tận thu, khiến cho môi trường bị ô nhiễm, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và ảnh hưởng trực tiếp hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên vịnh Cam Ranh…

Thời gian gần đây người dân TP. Cam Ranh sử dụng loại ngư cụ tự chế để khai thác thủy sản theo kiểu tận thu, khiến cho môi trường bị ô nhiễm, làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản và ảnh hưởng trực tiếp hoạt động nuôi trồng, khai thác thủy sản trên vịnh Cam Ranh…


Vùng biển vịnh Cam Ranh rất giàu nguồn thức ăn, là môi trường trú ngụ rất thuận lợi cho thủy sản phát triển. Do chi phí cao nên việc khai thác theo phương pháp truyền thống không hiệu quả. Chính vì thế, các nghề bị cấm như nghề lồng cào lại phát sinh mạnh. Không cần nhiều chi phí, chỉ cần đầu tư khoảng 3 - 5 triệu đồng (loại nhỏ), hoặc 7 - 9 triệu đồng (loại lớn, chất liệu tốt) là có thể kiếm vài trăm đến cả triệu đồng mỗi ngày là chuyện bình thường.

 

Đồn Biên phòng Cam Ranh tuyên truyền ngư dân tố giác hoạt động khai thác trái phép trên vịnh Cam Ranh
Đồn Biên phòng Cam Ranh tuyên truyền ngư dân tố giác hoạt động khai thác trái phép trên vịnh Cam Ranh


Tờ mờ sáng, ông Trần Tiến Thanh, sinh năm 1977, (trú phường Cam Lợi, TP. Cam Ranh) điều khiển phương tiện vỏ gỗ, máy D24, hướng ra Cửa lớn vịnh Cam Ranh để khai thác thủy sản. Dụng cụ ông Thanh sử dụng là lồng cào loại nhỏ dài hơn 2m với giá chỉ 3 đến 5 triệu đồng. Khi thả xuống nước, lồng sẽ cắm sâu xuống đáy và được nối với hệ thống ròng rọc đặt trên thuyền. Khi tàu chạy, lồng được cào sát đáy biển để bắt các loại cá, tôm, mực, cua, ghẹ lớn nhỏ. Ông Thanh đã bị Tổ công tác Bộ đội Biên phòng Cam Ranh bắt quả tang khi hành nghề cấm. Ngày 14-3, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cam Ranh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Thanh 8 triệu đồng do sử dụng ngư cụ bị cấm và tái phạm lần 2. Trước đó, vào đầu tháng 1-2017, ông Thanh đã từng nhận mức phạt 7 triệu đồng về hành vi tương tự. Khi được hỏi lý do tái phạm, ông Thanh nói “Biết nghề cào sò bị cấm nhưng vì nghề này chi phí thấp mà dễ kiếm tiền nên cứ làm liều”. Còn vợ chồng ông Trần Minh Sanh, trú phường Cam Linh, TP. Cam Ranh, cũng vừa bị xử phạt nặng vì khai thác thủy sản bằng lồng cào.


Thiếu úy Trần Văn Đồng - Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Cam Ranh cho biết: “Với kiểu khai thác này, bùn đất sẽ sục lên gây ô nhiễm nước, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng thủy sản. Cua, ốc rất nhỏ cũng bị khai thác, về lâu dài nguồn thủy sản sẽ cạn kiệt”.

 

Từ năm 2014, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định cấm tất cả các nghề lưới kéo, trong đó có giã cào, cào sò trên đầm, vịnh trong tỉnh. Hành vi vi phạm hành chính sẽ bị xử lý theo Nghị định số 103 ngày 12-9-2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản. Riêng hành vi sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản trong khu vực cấm hoặc khai thác trên biển sẽ bị xử phạt từ 6 đến 8 triệu đồng.

Trên đây là 2 trong các trường hợp vi phạm đã bị lực lượng bộ đội biên phòng xử lý trên vịnh Cam Ranh trong đợt cao điểm đấu tranh, tấn công, truy quét tội phạm của Bộ đội Biên phòng tỉnh. Chỉ trong quý I/2017, Đồn Biên phòng Cam Ranh đã tiến hành xử lý 13 trường hợp tương tự, xử phạt vi phạm hành chính trên 70 triệu đồng.


Thượng tá Phạm Trung Kiên - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cam Ranh cho biết: “Đơn vị đã thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra kết hợp công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của nguồn lợi thủy sản đối với sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống lâu dài của con người, thế nhưng người dân vẫn cứ phớt lờ và lén lút hoạt động”. Cũng theo Thượng tá Kiên, vùng biển ngư dân khai thác rộng, phương tiện hoạt động nghề này phần lớn chưa đăng kiểm, neo đậu không tập trung và lợi dụng lúc sáng sớm mới hành nghề nên rất khó khăn cho công tác kiểm tra, quản lý.


Thiết nghĩ, để giải quyết tốt vấn đề, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Một mặt, nâng cao nhận thức của ngư dân về thực hiện các quy định trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đồng thời khuyến khích, hỗ trợ các tàu lớn khai thác ngoài khơi xa. Mặt khác, cần tăng cường chế tài xử lý đủ sức răn đe, mới chặn đứng kiểu đánh bắt “tận diệt” trên vịnh Cam Ranh.


Văn Huệ