11:03, 27/03/2017

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến

Trước những khó khăn trong hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn, huyện Khánh Sơn có chủ trương tập trung phát triển các ngành nghề chế biến nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, giải quyết việc làm cho người lao động…

Trước những khó khăn trong hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) trên địa bàn, huyện Khánh Sơn có chủ trương tập trung phát triển các ngành nghề chế biến nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, giải quyết việc làm cho người lao động…


Tăng trưởng chậm


Theo số liệu của Phòng Kinh tế - Hạ tầng Khánh Sơn, hiện nay, toàn huyện có 110 cơ sở sản xuất CN-TTCN đang hoạt động, tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: mộc dân dụng, khai thác mỏ, công nghiệp chế biến... Tuy nhiên, quy mô phát triển của các cơ sở sản xuất còn nhỏ lẻ, chủ yếu hoạt động theo quy mô hộ gia đình, điều kiện máy móc, thiết bị rất hạn chế, nhiều công đoạn trong dây chuyền sản xuất phải thực hiện bằng phương pháp thủ công hoặc gia công; một số ngành nghề sản xuất chưa đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân địa phương. Bà Nguyễn Thị Phượng, chủ cơ sở sản xuất bún (thôn Dốc Trầu, xã Ba Cụm Bắc) cho biết, cơ sở của gia đình bà hoạt động từ 6 đến 7 năm nay, nhưng hiện tại chỉ có khâu xay bột và đánh bột được thực hiện bằng máy, những công đoạn còn lại đều phải làm bằng tay. Mỗi ngày, cơ sở sản xuất hơn 1 tạ bún nhưng phải huy động đến 4 lao động tham gia. Nếu có máy móc thì số lao động sẽ giảm. Nhưng để cơ giới hóa toàn bộ dây chuyền sản xuất bún thì phải bỏ ra hơn 100 triệu đồng. Hiện tại, gia đình bà chưa có điều kiện để đầu tư.

 

Chế biến gỗ tại DNTN Phương Đài
Chế biến gỗ tại DNTN Phương Đài


Được biết, giá trị sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân chưa đến 10%/ năm (mục tiêu đề ra là 13%). Năm 2016, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện chỉ đạt 97,6% kế hoạch. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sản xuất CN-TTCN tại Khánh Sơn tăng trưởng chậm là do nguồn tài nguyên trên địa bàn huyện có hạn, việc khai thác chưa được quản lý chặt chẽ nên ngày càng giảm. Mặt khác, những năm gần đây, do Nhà nước đề ra chủ trương đầu tư chọn lọc các dự án xây dựng nên số lượng công trình giảm, dẫn đến nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cũng giảm theo. Trong khi đó, chất lượng vật liệu xây dựng tại địa phương còn thấp nên các nhà thầu ít lựa chọn để thi công công trình. Việc khoanh nuôi tái sinh vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng như việc khôi phục các ngành nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Tỉnh cũng đã từng quy hoạch dự án cụm công nghiệp tại xã Sơn Bình 20ha, với kinh phí 40 tỷ đồng, nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa được thực hiện.


Một nguyên nhân nữa là những năm qua, nguồn vốn khuyến công đầu tư cho các doanh nghiệp quá ít, không đủ đáp ứng yêu cầu cải tiến máy móc, kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ông Phan Văn Lân - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Khánh Sơn cho biết: “Hiện nay, vấn đề khó khăn nhất đối với các cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện là nguồn vốn. Hàng năm, có nhiều cơ sở có nhu cầu xin hỗ trợ từ nguồn vốn khuyến công nhưng cũng chỉ có 1 - 2 cơ sở được giải quyết”.


Phát triển ngành nghề công nghiệp chế biến


Là địa phương có thế mạnh về phát triển nông - lâm nghiệp, mỗi năm xuất ra thị trường cả ngàn tấn sản phẩm như: cà phê, bắp, sầu riêng, keo, chuối, tuy nhiên, do khó khăn về điều kiện bảo quản và thiếu các cơ sở chế biến ngay tại địa phương nên tỷ lệ thất thoát sau khi thu hoạch khá lớn. Do đó, để thúc đẩy phát triển CN-TTCN trên địa bàn huyện, huyện có chủ trương phát triển các ngành nghề công nghiệp chế biến và đang nỗ lực triển khai thực hiện.  


Theo ông Phan Văn Lân, hiện nay địa phương đang kêu gọi xã hội hóa việc đầu tư cụm công nghiệp Sơn Bình nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất các ngành nghề như: cơ khí, mộc dân dụng, chế biến nông - lâm sản; chế biến thức ăn gia súc; sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống để phục vụ phát triển du lịch. Cùng với đó, huyện sẽ triển khai thực hiện việc khoanh vùng, giao khoán, quản lý, khai thác nguyên liệu để phục vụ phát triển nghề đan lát truyền thống; triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030; tổ chức khai thác vật liệu xây dựng hợp lý, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo nghề phi nông nghiệp và tạo việc làm cho người lao động ngay tại địa phương… Huyện cũng sẽ đề xuất, kiến nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ địa phương tháo gỡ những khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng, nguồn vốn để các doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất, cải tiến máy móc, thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm… nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng CN-TTCN.


Đinh Luận