11:03, 10/03/2017

Rừng phòng hộ bị phá

Tình trạng khai thác gỗ trái phép ở tiểu khu 205, rừng phòng hộ đầu nguồn xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh), thuộc trách nhiệm quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Lâm sản Khánh Hòa) đã xảy ra trong một thời gian dài, nhưng sau khi được phóng viên báo tin, Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh mới biết.

Tình trạng khai thác gỗ trái phép ở tiểu khu 205, rừng phòng hộ đầu nguồn xã Khánh Phú (huyện Khánh Vĩnh), thuộc trách nhiệm quản lý của Công ty TNHH Một thành viên Lâm sản Khánh Hòa (gọi tắt Công ty Lâm sản Khánh Hòa) đã xảy ra trong một thời gian dài, nhưng sau khi được phóng viên báo tin, Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh mới biết.


Đường lâm nghiệp tạo thuận lợi cho lâm tặc


Nhận được tin báo của người dân xã Khánh Phú: “Hầu như đêm nào cũng có người đưa gỗ ra khỏi rừng, hoặc bằng xe máy chở vài lóng gỗ, hoặc bằng xe bục bịch (xe ô tô độ chế để đi rừng) chở lượng gỗ lớn”, sáng sớm 6-3, chúng tôi chạy xe máy vào xã Khánh Phú. Tại cửa rừng ở ngã ba Cây Gòn thuộc xóm Đá Trải, chúng tôi đụng một nhóm gần chục thanh niên đang chuẩn bị vào rừng, với những ba lô căng phồng, những chiếc xe máy đã tháo hết chắn gió, ống bô, đã dùng loại lốp có gai to còn quấn xích sắt quanh lốp để tăng độ bám khi leo dốc. Trước ánh mắt dò xét của họ, chúng tôi nói đi tìm miếu mấy người mất trong rừng.

 

Một cây gỗ đang bị xẻ dang dở
Một cây gỗ đang bị xẻ dang dở


Sau gần một giờ rưỡi chạy xe leo dốc, chúng tôi nhìn thấy đống gỗ đầu tiên. Năm, sáu cây gỗ dài chừng 6 - 7m nằm bên đường lâm nghiệp, gần đó có mấy đống gỗ đã cắt khúc, mỗi khúc dài trên dưới 1m. Tiếp tục đi theo các nhánh đường, chúng tôi phát hiện thêm hàng chục đám gỗ lớn, đủ loại gỗ nguyên cây, gỗ đã cắt khúc, gỗ hộp của các loại cây dẻ, chua khét, cám, sến, trâm… Có những khúc gỗ đường kính tới gần 5 gang tay, có khúc bị cưa khá lâu, cũng có những khúc gỗ còn đang ứa nhựa. Trên mặt một đoạn đường lâm sinh còn lớp mạt cưa trải dài vài mét, cho thấy gỗ được cưa ngay tại đây. Gần đó, vẫn còn hai đoạn cáp kéo gỗ có cả móc kéo. Chúng tôi cũng nhận thấy những khoảng rừng rộng bị ủi phá để làm đường vận chuyển gỗ, nhiều lán trại trong rừng. Dường như hoạt động chặt cây, xẻ gỗ được thực hiện với quy mô lớn, trong thời gian dài tại đây.

 

Theo ông Cao Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Khánh Phú, người dân rất bức xúc với tình trạng lâm tặc lợi dụng đường lâm nghiệp để khai thác và vận chuyển gỗ. Từ năm 2014, Công ty Lâm sản Khánh Hòa ngưng khai thác gỗ theo chỉ đạo của Chính phủ, nhưng không phá hủy các tuyến đường khai thác gỗ. Cuối năm 2016 và đầu năm nay, tại các cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND huyện và HĐND tỉnh, người dân xã Khánh Phú đã kiến nghị phải phá hủy ngay các tuyến đường đó. Đảng ủy và UBND xã cũng có kiến nghị như vậy với cấp trên, nhưng chưa được phản hồi.

 

Một khoảnh rừng bị phá để cưa và vận chuyển gỗ
Một khoảnh rừng bị phá để cưa và vận chuyển gỗ



Mất bò mới lo làm chuồng


Chiều 6-3, sau khi xem ảnh và tra tọa độ do phóng viên cung cấp, Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh xác định khu vực phát hiện gỗ lậu thuộc khoảnh 4, tiểu khu 205 rừng phòng hộ đầu nguồn, do Công ty Lâm sản Khánh Hòa quản lý. Ông Nguyễn Văn Tân - Giám đốc Công ty Lâm sản Khánh Hòa cũng xác nhận điều này, và thừa nhận trách nhiệm của chủ rừng khi để rừng bị phá, để xảy ra tình trạng khai thác gỗ lậu. Theo ông Tân, vào các ngày 25 và 27-2, ngày 3 và 5-3, Công ty Lâm sản Khánh Hòa đã phối hợp với Hạt Kiểm lâm và Công an huyện Khánh Vĩnh tổ chức 2 đợt kiểm tra, truy quét gỗ lậu ở tiểu khu 205, đưa ra khỏi rừng hơn 10m3 gỗ các loại, đốt hủy một xe bục bịch. Vì để xảy ra tình trạng phá rừng, ông Phạm Văn Tâm - Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Khánh Phú đã bị đình chỉ công tác từ ngày 1-3; ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Trạm trưởng cũng phải làm kiểm điểm. Được biết, ông Phạm Văn Tâm nguyên là Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Liên Sang, từng bị lâm tặc chém ngay tại cổng trạm vào rạng sáng 26-6-2014, gây thương tích 32%. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh, không có chuyện Công ty Lâm sản Khánh Hòa phối hợp với đơn vị kiểm tra ở tiểu khu 205 vào thời gian đó. “Có thể bên công ty làm riêng hay thế nào đó, chứ nếu có sự phối hợp, chẳng lẽ chúng tôi không phát hiện chuyện khai thác gỗ lậu từ khi đó”, ông Hóa nói.


Ngay chiều 6-3, Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh đã cử lực lượng phối hợp với Công ty Lâm sản Khánh Hòa đi xác minh thông tin phóng viên cung cấp và thu giữ gỗ lậu. Lực lượng phối hợp đã kiểm tra tại tiểu khu 205 và một số khu vực của tiểu khu 210, tiểu khu 207, phát hiện thêm nhiều điểm khai thác và tập kết gỗ lậu, ngoài những điểm phóng viên đã cung cấp.


Chiều 9-3, ông Nguyễn Văn Tân cho biết, bước đầu lực lượng phối hợp đã thu gom được 12,9m3 gỗ bị khai thác trái phép. Ông cũng nói rằng, trước kia, Công ty Lâm sản Khánh Hòa đã đào rãnh phá đường khai thác gỗ, nhưng sau đó dân lấp lại đường để đi chở keo. Vì thế, lâm tặc cũng lợi dụng danh nghĩa vào khu đất trồng keo để đưa máy vào sâu hơn, ủi lấp đường để vận chuyển gỗ. Dịp này, Công ty Lâm sản Khánh Hòa sẽ đưa máy vào móc sâu, phá mặt đường ở những góc hiểm trở, khó san lấp. Đồng thời, sẽ lập chốt trực ở ngay phía trong ngã ba Cây Gòn, để quan sát được mọi hoạt động, phương tiện ra vào rừng.


NGUYỄN ĐÌNH QUÂN

 



Ông Lê Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh: Chưa có ai báo cáo với chúng tôi vụ này. Việc phá đường lâm nghiệp để ngăn lâm tặc vào phá rừng, UBND huyện không có quyền chỉ đạo Công ty Lâm sản Khánh Hòa vì công ty này do UBND tỉnh quản lý. UBND huyện cũng không có thẩm quyền, không có trách nhiệm quản lý khu vực rừng đã giao cho Công ty Lâm sản Khánh Hòa quản lý.

 

_____________________________________________

 


Ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Sở đã yêu cầu Chi cục Kiểm lâm và chủ rừng khẩn trương kiểm tra, thống kê mức độ thiệt hại, thống kê số gỗ lậu tại khu vực rừng bị xâm hại, báo cáo sở để trình UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo xử lý.