11:03, 27/03/2017

Cần được quan tâm hơn

Thời gian qua, việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã được quan tâm thực hiện.

Thời gian qua, việc triển khai các chương trình, dự án, chính sách nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm giải quyết.


Trước đây, gia đình bà Mang Thị Sinh (thôn Suối Lau 1, xã Suối Cát) không có nhà vệ sinh. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, gia đình bà được hỗ trợ xây nhà vệ sinh ngoài trời, tuy nhiên, qua thời gian sử dụng, đến nay, công trình đã xuống cấp, không còn sử dụng được. Tình trạng trên cũng diễn ra ở một số hộ trong thôn. Bên cạnh đó, theo các hộ ĐBDTTS ở thôn Suối Lau, niềm mong mỏi lớn nhất của họ là được quan tâm đầu tư hệ thống nước sạch để sử dụng. Ông Nguyễn Văn Út, chồng bà Sinh cho biết: “Ở cách quốc lộ không xa, nhưng bao nhiêu năm nay, chúng tôi vẫn sử dụng nước giếng bị nhiễm phèn, chỉ có thể giặt giũ, còn nấu ăn thì phải đi xin một số nhà có giếng sử dụng được. Giếng nước nhà tôi bị nhiễm phèn nặng, đã bỏ từ lâu”.

 

Người dân xã Sơn Tân sử dụng hệ thống nước tự chảy đã xuống cấp
Người dân xã Sơn Tân sử dụng hệ thống nước tự chảy đã xuống cấp


Tại xã Sơn Tân cũng diễn ra tình trạng người dân thiếu nhà vệ sinh. Chị Mấu Thị Lương (thôn Valy) cho biết, ngoài một số hộ được Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh, nhiều gia đình còn lại vẫn phải sử dụng “công trình tự nhiên”, gây ô nhiễm môi trường. Ông Cao Minh Sao - Chủ tịch UBND xã Sơn Tân cho biết, hiện nay, toàn xã có 269 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, trong đó 95% là ĐBDTTS. Những năm qua, nhờ sự vận động, hỗ trợ của chính quyền địa phương, đến nay, 85% hộ trên địa bàn đã có nhà ở kiên cố. Tuy nhiên, 80% trong số đó vẫn chưa xây dựng được công trình vệ sinh. Thu nhập của ĐBDTTS tại xã chỉ từ 5 đến 6 triệu đồng/năm. Vì vậy, muốn đầu tư xây dựng công trình vệ sinh cũng khó. Tuy Ngân hàng Chính sách xã hội có chương trình cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường để người dân đầu tư, nhưng người dân rất ngại vay, vì sợ không có khả năng trả nợ.


Theo thống kê của Phòng Dân tộc huyện Cam Lâm, hiện nay, trên địa bàn huyện có 1.453 hộ ĐBDTTS với 5.885 nhân khẩu, chủ yếu là người dân tộc Raglai, tập trung tại các xã: Suối Cát, Suối Tân, Sơn Tân, Cam Phước Tây. Theo ông Trần Vĩnh Hạnh - Trưởng phòng Dân tộc huyện Cam Lâm, trong việc triển khai các chính sách hỗ trợ, xây dựng, nhân rộng mô hình sản xuất mới; chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế; hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/2009 của Thủ tướng Chính phủ… cho ĐBDTTS, huyện đã triển khai và đạt được nhiều kết quả tốt. Tuy nhiên, trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường, vẫn còn một số khó khăn nhất định. Cụ thể, vẫn còn khoảng 20 đến 30% hộ ĐBDTTS chưa có công trình vệ sinh; tình trạng người dân phải sử dụng nước giếng bị nhiễm phèn trong thời gian dài tại 3 thôn ở khu Suối Lau, xã Suối Cát chưa có phương án giải quyết dứt điểm; hệ thống nước tự chảy lấy nước từ nguồn về cho người dân xã Sơn Tân đã xuống cấp…


Ông Nguyễn Văn Nghiệm - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cam Lâm cho biết, về vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường, tổng dư nợ toàn huyện đến nay gần 87 tỷ đồng. Trong triển khai cho vay, đơn vị luôn ưu tiên các hộ ĐBDTTS. Trong đó, nhiều chính sách tập trung cho địa bàn xã Sơn Tân, nhưng đến nay, xã chưa có trường hợp nào đăng ký vay vốn. Một phần vì người dân ngại vay, bên cạnh đó, lãi suất vay của nguồn vốn này là 0,75%/tháng, cao nhất trong các chính sách vay ưu đãi cho những đối tượng được ưu tiên nên việc triển khai loại vốn vay này trên địa bàn xã Sơn Tân chưa hiệu quả.


Để góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân, cần sự quan tâm hơn nữa trong đầu tư các công trình nước sạch, vệ sinh; giảm lãi suất vốn vay nước sạch và vệ sinh môi trường cho người dân, nhất là các địa bàn khó khăn. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với ĐBDTTS; tạo điều kiện tốt nhất để ĐBDTTS tiếp cận các chính sách ưu đãi, từ đó mạnh dạn hơn trong việc vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống”, ông Trần Vĩnh Hạnh nói.


V.T