Những năm gần đây, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã đạt những thành tích nổi bật trong công tác xã hội, lao động sản xuất. Bà Cao Thị Minh (trú thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) là một điển hình.
Những năm gần đây, nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số đã đạt những thành tích nổi bật trong công tác xã hội, lao động sản xuất. Bà Cao Thị Minh (trú thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) là một điển hình.
Tuy vừa tham gia công tác xã hội, vừa tăng gia sản xuất và làm cấp dưỡng tại trường học, nhưng bà Minh vẫn luôn sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn thành tốt mọi việc. Đối với công việc nương rẫy, bà tranh thủ buổi trưa, buổi tối và ngày nghỉ để chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi của gia đình. Hiện tại, diện tích sản xuất của gia đình bà hơn 1ha vườn nhà (bao gồm: cà phê, điều, mía tím) và 1ha vườn rừng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, bà trồng xen canh dứa với đào, bắp; lúa rẫy với keo mới trồng năm đầu, năm thứ hai để lấy thức ăn cho heo, bò. Trong chăn nuôi, bà cũng khá thành công với mô hình nuôi heo đen và cung cấp con giống cho thị trường. Bên cạnh đó, bà còn nuôi bò thịt để tận dụng nguồn thức ăn trong tự nhiên, có lúc đàn bò lên đến 14 con. “Ban đầu, tôi rất bỡ ngỡ do không biết kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Từ khi tham gia các lớp tập huấn của các tổ chức hội, tôi nắm được kiến thức khoa học kỹ thuật rồi áp dụng vào sản xuất của gia đình. Trong đó, riêng 5 sào mía tím, năm 2016, nhờ trồng đúng thời vụ, chăm sóc tốt nên tôi bán được 20 triệu đồng/sào” - bà Minh chia sẻ.
Bà Minh chăm sóc vườn của gia đình |
Theo bà Cao Thị Hồng Gấm, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Sơn Hiệp, trên cương vị Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Xà Bói, bà Minh luôn nhiệt tình, năng nổ trong công tác hội; sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, nuôi dạy con cái với phụ nữ trong thôn để cùng xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Nhờ được tổ chức hội tạo điều kiện vay vốn ngân hàng và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả đồng vốn nên hiện nay, mô hình kinh tế của hộ bà Minh khá phát triển, cho thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm sau khi đã trừ chi phí. Bà Minh luôn đi đầu thực hiện các phong trào tại địa phương, điển hình là gia đình bà đã tự nguyện hiến hàng trăm mét vuông đất làm đường giao thông liên xã, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Bà Minh cho biết, bản thân bà khi còn trẻ không được học hành đến nơi đến chốn vì hoàn cảnh khó khăn. Do đó, bà luôn cố gắng lao động sản xuất để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, tạo điều kiện tốt nhất để các con ăn học đầy đủ và làm gương cho phụ nữ trong thôn noi theo. Đáp lại tấm lòng của cha mẹ, các con của bà Minh luôn ngoan hiền, chăm chỉ phấn đấu học tập tốt.
Với những thành quả trong lao động sản xuất và nuôi dạy con cái, nhiều năm liền, bà Minh đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện công nhận đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi và được tham dự hội nghị biểu dương phụ nữ nuôi dạy con tốt cấp tỉnh nhân ngày Gia đình Việt Nam năm qua.
ĐINH LUẬN