Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa nhân ngày Khí tượng thế giới 2017, ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ cho biết...
Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa nhân ngày Khí tượng thế giới 2017, ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ cho biết:
- Hàng năm vào ngày 23-3, tổ chức khí tượng thế giới (WMO) và cộng đồng khí tượng Quốc tế cùng nhau kỷ niệm “ngày Khí tượng thế giới”. Đây có thể hiểu là ngày truyền thống của ngành và là ngày tôn vinh những người công tác trong ngành khí tượng thủy văn. Chủ đề của ngày Khí tượng thế giới năm nay là “Hiểu biết về mây”. Chủ đề này khẳng định tầm quan trọng của tri thức và sự cần thiết tăng cường đầu tư nghiên cứu, phổ biến thông tin và nâng cao hiểu biết về mây, góp phần tăng cường hiệu quả công tác dự báo thời tiết, cảnh báo hiện tượng cực đoan do biến đổi khí hậu và dự báo tài nguyên nước trong tương lai.
- Mây là một trong những yếu tố quan trọng của dự báo thời tiết. Vậy các phương tiện dự báo, đặc biệt là dựa vào mây đã đạt được những tiến bộ nào, thưa ông?
- Một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn và đóng vai trò quan trọng trong dự báo thời tiết nói riêng và hệ thống khí hậu nói chung chính là mây. Mây là tác nhân điều tiết nhiệt độ trong quá trình ấm lên toàn cầu. Các đám mây đóng vai trò quan trọng trong chu trình vòng tuần hoàn nước, điều tiết hệ thống khí hậu và cân bằng năng lượng của trái đất. Sự vận động của các đám mây tác động lớn đến thay đổi nhiệt độ của trái đất và các hiện tượng thời tiết khác. Trong các yếu tố khí tượng cần phải quan trắc, quan trắc mây là khó nhất, tất cả các yếu tố như: gió - nhiệt - ẩm - áp - tầm nhìn xa - bức xạ - bốc hơi..., máy móc đều có thể quan trắc được, chỉ có mây là yếu tố duy nhất phải do con người trực tiếp làm, chưa có máy nào làm thay được.
Trong dự báo thời tiết, việc hiểu biết về mây là cơ sở quan trọng để các dự báo viên khí tượng xác định được trạng thái của khí quyển (thời tiết) hiện tại, từ đó đưa ra các nhận định về diễn biến của thời tiết tiếp theo. Trong thực tế, những hiện tượng thời tiết cực đoan, những hình thế gây ra mưa lớn đều liên quan rất nhiều đến xu thế hình thành và sự phát triển của những đám mây, đặc biệt là dự báo các hiện tượng mưa giông, sét, tố lốc…
Hiện nay, nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, việc theo dõi quá trình hình thành và phát triển mây được sử dụng các sản phẩm ảnh viễn thám như: ảnh mây vệ tinh, ảnh mây radar..., giúp ta có thể biết được loại mây, độ cao chân mây, trữ lượng hơi nước trong các đám mây, hướng và tốc độ di chuyển của những đám mây… để dự báo thời tiết. Bên cạnh đó, các mô hình dự báo thời tiết có sử dụng các sơ đồ đối lưu mô phỏng quá trình hình thành và phát triển mây tương đối tốt.
- Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ hiện đang được đầu tư những thiết bị nào để dự báo về mây và hiệu quả của nó trong việc dự báo thời tiết hiện nay, thưa ông?
- Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ hiện đã được đầu tư 1 trạm ra đa thời tiết chủng loại C-2500 của Mỹ. Ngoài ra, hàng ngày thường xuyên thu nhận các sản phẩm ảnh mây vệ tinh của NOAA (Mỹ); Hiwamari 8 (Nhật Bản), Phong Vân (Trung Quốc)… từ mạng nội bộ chuyên ngành. Việc sử dụng sản phẩm ảnh mây ra đa, ảnh mây vệ tinh, sản phẩm của mô hình dự báo thời tiết và kinh nghiệm của dự báo viên, góp phần quan trọng trong việc theo dõi dự báo, cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: bão, áp thấp nhiệt đới, giông sét, mưa lớn... phục vụ có hiệu quả các hoạt động dân sinh, kinh tế và trong công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương trong khu vực Nam Trung Bộ.
- Xin cảm ơn ông!
V.L (Thực hiện)