Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm có hơn 3.000 vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của 9.600 người. Ở Khánh Hòa, năm 2016 được đánh giá là kéo giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, ....
Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trung bình mỗi năm có hơn 3.000 vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của 9.600 người. Ở Khánh Hòa, năm 2016 được đánh giá là kéo giảm mạnh cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương, nhưng con số cũng không hề nhỏ: toàn tỉnh xảy ra 174 vụ tai nạn giao thông, làm 154 người chết, 187 người bị thương…
Trước thực tế đó, Chính phủ đã tìm nhiều giải pháp để tháo gỡ, trong đó có “Vận động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT)”. Cuối năm 2016, Chính phủ đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổng kết 5 năm (2011-2016) thực hiện giải pháp trên. Tại hội nghị tổng kết, nhiều sáng kiến, giải pháp, biện pháp tiếp tục được đưa ra bàn thảo như: tuyên truyền, vận động; xây dựng mô hình tự quản; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý; nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông…
Tình trạng không đội mũ bảo hiểm, chở ba vẫn còn phổ biến |
Trong số các giải pháp trên, tuyên truyền, vận động được coi là giải pháp hiệu quả nhất. Theo đánh giá, đa số các vụ TNGT lỗi hàng đầu xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông. Đặc biệt, phương tiện gây TNGT đường bộ, mô-tô, xe máy chiếm 66,7%; ô tô chiếm 27% nên cần tập trung tuyên truyền, nhắc nhở ý thức chấp hành pháp luật giao thông của các đối tượng này. Công tác tuyên truyền, vận động phải dựa vào MTTQ và các đoàn thể; cần được thực hiện ở các khu dân cư, các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường. Mặt khác, cần đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động; tổ chức việc ký cam kết khu dân cư và gia đình đăng ký bảo đảm TTATGT; phát huy vai trò của người dân trong giám sát việc thực thi pháp luật liên quan đến lĩnh vực TTATGT…
Xây dựng các mô hình quần chúng tự quản về TTATGT cũng là một biện pháp cần thiết. Ở Khánh Hòa cũng đã xuất hiện nhiều mô hình hay, hiệu quả như: Tuyến đường cựu chiến binh tự quản; bến tàu an toàn, văn minh; khu dân cư đảm bảo TTATGT… Các mô hình này hoặc do các hội, đoàn thể, hoặc do các hội nghề, khu dân cư thành lập. Một số khu dân cư ở vùng giáo còn có sự tham gia của linh mục quản xứ, Ban hành giáo (Giáo xứ Ngọc Thủy ở Nha Trang; Giáo xứ Tân Bình ở Cam Lâm; Giáo xứ Diên Lâm ở Diên Khánh). Một số nơi khác lại có sự tham gia của dòng họ (mô hình dòng họ tự quản ở dòng họ Phùng, thôn Phong Ấp, xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa). Một số trường học có các tổ chức tham gia tự quản, đảm bảo TTATGT trước cổng trường, hay trong sinh viên, học sinh, như: tổ cờ đỏ; đội sinh viên tự quản.
Để giảm thiểu TNGT, các lực lượng chức năng như: Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông cần tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật giao thông. Một giải pháp hỗ trợ công tác kiểm soát, xử lý đó là “phạt nguội” cũng nên được vận dụng băng cách kiểm soát, xử lý qua camera đặt tại các giao lộ, tuyến giao thông xung yếu; thậm chí các camera hành trình hay hình ảnh ghi, chụp của người dân cung cấp… làm căn cứ xử lý. Bên cạnh đó, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông. Thực tế, ở nước ta chung, Khánh Hòa nói riêng, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, vẫn còn tồn tại các “điểm đen” tiềm ẩn nguy cơ TNGT. Vì vậy, việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là một tất yếu… Có sử dụng đồng bộ các giải pháp trên mới có thể góp phần giảm thiểu tình trạng TNGT như hiện nay.
NGUYỄN MINH CƯỜNG