Tình trạng dụ dỗ trẻ em người dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bỏ học đi làm tại TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra mấy năm nay, khiến nhiều gia đình lo lắng... Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc, kiên quyết ngăn chặn tình trạng này.
Tình trạng dụ dỗ trẻ em người dân tộc thiểu số ở huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) bỏ học đi làm tại TP. Hồ Chí Minh đã xảy ra mấy năm nay, khiến nhiều gia đình lo lắng... Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc, kiên quyết ngăn chặn tình trạng này.
Cháu Dân kể lại việc bị dụ dỗ bỏ học, đi làm ở TP. Hồ Chí Minh |
Lo sợ mất con
Sáng 10-3, khi đang chặt mía thuê thì chị Cao Thị Thân Ngọc ở thôn Bến Khế, xã Khánh Bình nghe tin báo có người đang định đưa con chị vào TP. Hồ Chí Minh làm ăn. “Tôi chạy 5, 6 cây số từ rẫy về, vừa chạy vừa khóc vì sợ mất con, đến UBND xã thấy con bé ngồi đó, lại ôm con khóc vì mừng”, chị Ngọc nói. Con chị Ngọc là cháu Cao Thị Bé Dân, sinh năm 2004, hiện đang là học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Thái Bình.
Theo trình bày của cháu Dân tại Công an xã Khánh Bình, sau Tết, có một phụ nữ tên Giang gọi điện thoại cho bạn cháu là Cao Thị Tuyết (sinh năm 2002, cùng ở thôn Bến Khế, đã bỏ học), nói Tuyết rủ thêm một số bạn bè đi làm với mức lương 15 triệu đồng/năm, nuôi ăn ở. Khoảng 6 giờ ngày 10-3, cháu Dân, Tuyết cùng mấy bạn nữa ra chợ Khánh Bình gặp chị Giang.
Trung tá Trịnh Ngọc Tường - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Khánh Vĩnh cho biết, khoảng 8 giờ ngày 10-3, người dân ở chợ Khánh Bình thấy một phụ nữ lạ mặt và một cô gái ngồi trò chuyện với một nhóm bé gái nên nghi ngờ có chuyện dụ dỗ, bắt cóc trẻ em. Tại Công an xã Khánh Bình, người phụ nữ trình giấy chứng minh nhân dân mang tên Nguyễn Thị Giang, ở phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh), cùng đi với bà này là Cao Thị Ái (20 tuổi, ở xã Khánh Trung, Khánh Vĩnh), đang làm tại cơ sở may của bà Giang. Theo lời Ái, em gái Ái quen cháu Tuyết nên rủ vào làm chỗ bà Giang, Tuyết nói chuyện này với một số cháu nữa. Vì thế, bà Giang và Ái đến chợ Khánh Bình, gặp Tuyết, Dân và 4 cháu gái đều dưới 15 tuổi (chưa đủ tuổi lao động theo luật định) là Cao Thị Liễu (sinh năm 2003, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Thái Bình), Cao Thị Vắng, Cao Thị Thơm, Cao Thị Na (đã bỏ học). Khi họ chuẩn bị lên xe buýt thì bị người dân nghi ngờ, báo công an…
Được gia đình và Trường THCS Nguyễn Thái Bình động viên, cháu Dân, Vắng và Thơm đã đi học trở lại. Do sợ con gái bị dụ dỗ đi lần nữa, ngày 13-3, chị Cao Thị Lệnh (mẹ cháu Liễu) đã mang Liễu đến nơi chị đang hái tiêu thuê ở tỉnh Đắk Nông.
Cảnh báo tình trạng dụ dỗ trẻ em đi làm
Bà Giang cho biết, bà hẹn nhóm cháu Tuyết chiều 9-3 đón, nhưng không muốn phải ngủ qua đêm ở Khánh Bình nên tối 9-3, bà và Ái đi xe đò từ TP. Hồ Chí Minh ra Nha Trang, rồi đi xe buýt lên Khánh Bình vào sáng hôm sau, tính đón các cháu vào luôn trong ngày. Khi được hỏi có biết tuổi các cháu không, có biết các cháu đang đi học không thì bà Giang trả lời: “Tôi chỉ nghe Tuyết nói các cháu từ 15 đến 17 tuổi, không để ý giấy tờ. Tôi có nói là phải được sự đồng ý của bố mẹ thì tôi mới đưa đi”. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi, nếu các cháu cứ lên xe, bà có đưa đi không thì bà Giang trả lời tỉnh queo: “Có chứ, tôi có thiện chí tạo việc làm cho các cháu, không có cầu lợi cầu lộc gì cả!”.
Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh: Không đăng ký với địa phương, không qua gia đình, rủ rê trẻ em chưa đủ tuổi lao động và học sinh THCS bỏ học đi làm là vi phạm pháp luật về lao động; có thể vi phạm cả pháp luật hình sự. Chúng tôi sẽ làm việc với UBND và Công an huyện Khánh Vĩnh để có thông báo, cảnh báo về tình trạng này. |
Giữa tháng 9-2016, báo chí đã phản ánh về việc có hàng chục em nhỏ người dân tộc thiểu số ở xã Khánh Trung, trong đó có 8 học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm bỏ học, đi làm ở TP. Hồ Chí Minh. Ngoài ra, em Cao Văn Trạm (sinh năm 2001) bị một phụ nữ dụ đi làm tại cơ sở may ở huyện Bình Chánh (TP. Hồ Chí Minh) từ năm 2014, cùng với gần một chục em nhỏ người dân tộc thiểu số. Trong 2 năm, Trạm thường phải làm 13 giờ mỗi ngày, khi về quê dịp Tết chỉ được chủ cơ sở may đưa tiền xe và 5 triệu đồng. Sau khi báo chí thông tin, UBND huyện Khánh Vĩnh chỉ đạo UBND xã Khánh Trung vận động gia đình có các cháu đang lao động ở TP. Hồ Chí Minh đưa con em về.
Thượng úy Cao Văn Ít - Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Khánh Vĩnh cho biết, có một số cháu đã về, nhưng rồi lại vào TP. Hồ Chí Minh làm việc. Đầu tháng 3-2017, một đối tượng tên T. lại đưa một số cháu ở xã Khánh Trung vào làm một cơ sở ở huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh, trong đó có Cao Văn Trạm. Bà Giang cũng cho biết, T. chính là người đưa chị em Ái, và một số cháu khác từ Khánh Vĩnh vào làm tại cơ sở may của bà.
Ông Bùi Hữu Hóa - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh thông tin, ngoài vụ 6 học sinh ở Trường THCS Nguyễn Thái Bình, trong năm 2016, trên địa bàn cũng xảy ra 1 trường hợp học sinh bị dụ dỗ bỏ học, vào các tỉnh phía nam làm việc. Hiện nay, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Khánh Vĩnh đã chỉ đạo các trường trên địa bàn tuyên truyền, vận động học sinh không nghe theo lời các đối tượng lạ mặt, đồng thời kêu gọi các bậc cha mẹ động viên các em chuyên cần theo học.
Nguyễn Đình Quân - Thành Long