Hơn 4 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa về một số vấn đề thí sinh (TS) cần lưu ý trong kỳ thi, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: ....
Hơn 4 tháng nữa, kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ diễn ra. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa về một số vấn đề thí sinh (TS) cần lưu ý trong kỳ thi, ông Lê Tuấn Tứ - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết:
- Khác với năm trước, kỳ thi THPT quốc gia năm nay có 5 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, riêng TS hệ giáo dục thường xuyên không thi môn Giáo dục công dân). Môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các bài thi khác theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS học chương trình giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ (TS học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT không thi môn Ngoại ngữ) và 1 bài thi do TS tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp. Quy chế thi cho phép TS được chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp, điểm bài thi tổ hợp nào cao hơn sẽ được chọn để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Đối với TS đã tốt nghiệp THPT thi để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, phải dự thi các bài thi độc lập, bài thi tổ hợp hoặc các môn thi thành phần của bài thi tổ hợp, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của trường đại học, cao đẳng.
Nội dung thi năm 2017 nằm trong chương trình lớp 12 THPT. Năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12 THPT. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT.
Kỳ thi được tổ chức trong 2,5 ngày, từ ngày 22 đến 24-6. Chiều 21-6, TS đến phòng thi nghe phổ biến quy chế, lịch thi và điều chỉnh sai sót (nếu có). Sáng 22-6, TS thi môn Ngữ văn. Chiều 22-6 thi môn Toán. Sáng 23-6 thi bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên. Chiều 23-6 thi môn Ngoại ngữ. Sáng 24-6 thi tổ hợp môn Khoa học xã hội.
- Đây là năm đầu tiên kỳ thi THPT quốc gia thực hiện bài thi tổ hợp nên nhiều TS vẫn còn băn khoăn. Xin ông nói rõ hơn về vấn đề này?
- TS làm các môn thành phần của một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội trên cùng một phiếu trả lời trắc nghiệm. Trong mỗi buổi thi bài thi tổ hợp, TS sẽ làm bài thi theo từng môn thành phần với thứ tự xác định. Bài thi Khoa học tự nhiên theo trình tự các môn thành phần: Vật lý, Hóa học, Sinh học; bài thi Khoa học xã hội theo trình tự các môn thành phần: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân. Khi dự thi môn thành phần đầu tiên, TS cần lưu ý ghi đủ thông tin trên phiếu trả lời trắc nghiệm, đặc biệt là các thông tin về số báo danh, mã đề thi. TS cần lưu ý các môn thi thành phần trong một bài thi tổ hợp phải có cùng một mã đề thi. Do đó, TS cần kiểm tra mã đề thi trước khi làm bài. Nếu không cùng mã đề thi, TS phải báo cáo ngay với cán bộ coi thi trong phòng thi, chậm nhất 10 phút sau khi TS nhận đề thi. TS phải để đề thi dưới tờ phiếu trả lời trắc nghiệm; không được xem nội dung đề thi khi cán bộ coi thi chưa cho phép.
Ngoài ra, TS sẽ phải nộp lại đề thi, giấy nháp khi hết thời gian làm bài đối với môn thi thành phần để sau đó thi môn thành phần tiếp theo. Ví dụ, TS phải nộp lại đề thi, giấy nháp môn Vật lý trước khi nhận đề thi môn Hóa học; nộp lại đề thi, giấy nháp môn Hóa học trước khi nhận đề thi môn Sinh học. Như vậy, TS không phải nộp lại đề thi, giấy nháp đối với môn thi thành phần cuối cùng. TS cũng không phải nộp đề thi, giấy nháp đối với các bài thi độc lập: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.
- Việc xét tuyển đại học, cao đẳng năm nay có nhiều thay đổi so với trước. Xin ông cho biết TS cần lưu ý những vấn đề gì?
- Việc xét tuyển đại học năm 2017 có những điểm mới so với năm 2016 mà TS cần lưu ý. Theo đó, TS được đăng ký xét tuyển (ĐKXT) không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Để xét tuyển đợt 1, TS nộp phiếu ĐKXT cùng với hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia theo quy định của Sở Giáo dục và Đào tạo kèm theo lệ phí ĐKXT. Trong các đợt xét tuyển bổ sung, TS thực hiện ĐKXT và nộp lệ phí theo quy định của trường. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, TS được điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT một lần trong thời gian quy định. Trong xét tuyển đợt 1, đối với từng trường, ngành, TS được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký.
Đối với mỗi TS, nếu ĐKXT vào nhiều trường hoặc ngành thì việc xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng; TS chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký. TS ĐKXT vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của bộ liên quan.
TS cũng cần lưu ý, sau khi trúng tuyển phải xác nhận nhập học trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh. Quá thời hạn này, TS không xác nhận nhập học được xem như từ chối nhập học và trường được xét tuyển TS khác trong đợt xét tuyển bổ sung.
Về xét tuyển bổ sung có thể được thực hiện một lần hay nhiều lần. Điểm xét tuyển bổ sung không được thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. TS chưa trúng tuyển hay đã trúng tuyển mà chưa xác nhận nhập học vào bất cứ trường nào có thể thực hiện ĐKXT bổ sung trực tuyến hoặc theo phương thức khác do trường quy định.
- Ông có lời khuyên nào đối với các TS để chuẩn bị tốt cho kỳ thi?
- TS cần yên tâm học và ôn tập, bám sát chương trình lớp 12, không học tủ, học lệch, không học thêm tràn lan. TS cần hiểu rõ quy chế thi để đăng ký dự thi kịp thời và chính xác, đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, tránh những sai sót đáng tiếc. Bên cạnh đó, trước đây vẫn có những trường hợp khai báo sai thông tin dự thi, do đó khi đăng ký dự thi TS cần chú ý khai báo đầy đủ các thông tin trong phiếu đăng ký dự thi. Trong đó, cần đặc biệt chú ý: các thông tin cá nhân; đối tượng dự thi; đăng ký thi các bài thi hoặc môn thi thành phần (các bài thi bắt buộc và các bài thi tự chọn); các chế độ ưu tiên (nếu có); các bài thi sử dụng để xét tốt nghiệp THPT…
- Xin cảm ơn ông!
K.D (Thực hiện)