Sau 1 năm phát động, Giải thưởng Khoa học công nghệ tỉnh Khánh Hòa lần thứ nhất có 13 công trình khoa học tham gia, trong đó có nhiều công trình đạt giải có giá trị cao.
Sau 1 năm phát động, Giải thưởng Khoa học công nghệ (KHCN) tỉnh Khánh Hòa lần thứ nhất có 13 công trình khoa học tham gia, trong đó có nhiều công trình đạt giải có giá trị cao.
Nhiều công trình đạt giải
Giải thưởng KHCN tỉnh được UBND tỉnh phát động nhằm khuyến khích, động viên kịp thời đội ngũ nhân lực KHCN đem tài năng, sức lực, trí tuệ cống hiến cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công trình của Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng về hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà đem lại giá trị thực tiễn cao |
Trong 13 công trình nghiên cứu khoa học tham gia giải thưởng, đáng kể nhất là công trình “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” do Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng làm chủ nhiệm đạt giải A. Đề tài này làm cơ sở khoa học xây dựng kỹ thuật ấp nở nhân tạo, xây dựng nhà yến và nuôi chim yến, giúp phát triển bền vững nghề nuôi chim yến. Công trình góp phần nâng cao năng lực KHCN cho đội ngũ kỹ thuật của Công ty Yến sào Khánh Hòa cũng như giúp người nuôi chim yến nắm vững công nghệ, làm chủ nghề nuôi yến. Công trình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời tạo việc làm cho hơn 1.000 lao động trên toàn quốc.
Về lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, công trình “Nghiên cứu, biên soạn tài liệu giảng dạy và học tập lịch sử địa phương Khánh Hòa ở trường phổ thông” của Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa đã đạt giải B. Công trình đã cung cấp, bổ sung làm phong phú kiến thức về lịch sử Khánh Hòa bằng các hình thức sinh động. Sách và tài liệu biên soạn trên cơ sở kết quả của công trình đã được đưa vào giảng dạy ở các trường cấp II, III trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, công trình còn được ứng dụng, nhân rộng hiệu quả thông qua các đề tài KHCN cấp cơ sở triển khai ở các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Đối với lĩnh vực khoa học y, dược, công trình “Khảo sát tình hình nhiễm trùng bệnh viện tại các bệnh viện đa khoa thuộc Sở Y tế Khánh Hòa” của bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Xáng đã bổ sung kiến thức mới, cung cấp số liệu thực tiễn về tình hình nhiễm trùng bệnh viện tại Khánh Hòa, góp phần phục vụ cho quá trình điều trị, cũng như nghiên cứu cho ngành Y tế. Bác sĩ Nguyễn Văn Xáng cho biết, kết quả công trình đã tác động thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, viên chức y tế về vấn đề phòng, chống nhiễm trùng bệnh viện. Cũng trong lĩnh vực này, công trình “Đánh giá kết quả điều trị hội chứng ống cổ tay bằng tiêm tại chỗ corticosteroid tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa” của bác sĩ chuyên khoa II Phan Hữu Chính và bác sĩ chuyên khoa I Đặng Thị Thanh Dung đã nghiên cứu, ứng dụng phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay. “Công trình mở ra hướng mới, lựa chọn mới cho việc điều trị hội chứng ống cổ tay hiệu quả, giúp bệnh nhân cải thiện tốt sau khi tiến hành thủ thuật điều trị. Ưu điểm của công trình là thủ thuật điều trị đơn giản, chi phí điều trị thấp, tỷ lệ chuyển mổ thấp, ít bị biến chứng, không ảnh hưởng quá nhiều đến thời gian và khả năng lao động”, bác sĩ Đặng Thị Thanh Dung chia sẻ.
Ghi nhận vai trò của các nhà khoa học
Theo lãnh đạo Sở KHCN, trong Chương trình hành động số 13 của Tỉnh ủy được ban hành năm 2013 có yêu cầu phải đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động KHCN ở các cấp, ngành nhằm tạo ra kết quả nghiên cứu, ứng dụng có chất lượng, tiếp cận trình độ công nghệ tiên tiến trong vùng, khu vực và quốc tế. Trong chương trình có đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng Khánh Hòa trở thành trung tâm kinh tế - du lịch, KHCN, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển, kinh tế du lịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước.
Ông Huỳnh Kỳ Hạnh - Giám đốc Sở KHCN cho biết, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện nên sở đã tổ chức nhiều hoạt động để tuyên truyền, quảng bá và hỗ trợ các nhà khoa học tiếp cận, tham gia giải thưởng. Hội đồng Khoa học cấp tỉnh đã tổ chức họp xét tặng và đồng chí Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh đã ký quyết định khen thưởng 8 công trình xuất sắc, ở các nhóm: công trình nghiên cứu khoa học; công trình nghiên cứu KHCN; công trình ứng dụng công nghệ. “Kết quả xét tặng giải thưởng lần này là sự động viên, khích lệ cũng như sự ghi nhận của lãnh đạo tỉnh đối với vai trò, đóng góp của các tổ chức, các nhà khoa học đang công tác trên địa bàn tỉnh. Với những điều chỉnh, đổi mới về quy chế, thể lệ, các tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá, xét tặng giải thưởng cùng với công tác phổ biến tuyên truyền rộng rãi hơn, hy vọng giải thưởng lần tới sẽ thu hút sự tham gia của nhiều nhà khoa học với các công trình có nhiều giá trị hơn nữa”, ông Hạnh nói.
NHẬT THANH