3 năm trước, nhiều người dân xã Diên Tân, huyện Diên Khánh đồng tình hiến đất để mở rộng con đường vào khu sản xuất ở cánh đồng Đồng Sậy và núi Đá Đen (thôn Cây Sung, xã Diên Tân). ....
3 năm trước, nhiều người dân xã Diên Tân, huyện Diên Khánh đồng tình hiến đất để mở rộng con đường vào khu sản xuất ở cánh đồng Đồng Sậy và núi Đá Đen (thôn Cây Sung, xã Diên Tân). Tuy nhiên, từ khi phát sinh nhiều mỏ khai thác đá trên núi Đá Đen, con đường này bị cày nát bởi những chiếc xe trọng tải lớn, khiến người dân rất bức xúc.
Buổi sáng cuối tuần, chúng tôi đi dọc con đường từ khu dân cư thôn Cây Sung vào dãy núi Đá Đen để tìm hiểu vấn đề này. Con đường đầy rẫy “ổ voi”, càng khó đi hơn sau cơn mưa trái mùa, đã vậy chúng tôi liên tục phải nép sát bờ ruộng để tránh hàng loạt xe tải loại nhỏ chở đá chẻ. Ông Nguyễn Văn Sơn (thôn Cây Sung) cho biết: “Con đường này trước đây chỉ rộng khoảng 3m, chúng tôi đã đồng tình hiến đất để xã mở đường rộng hơn 6m nhằm thuận lợi trong việc đi lại và vận chuyển nông sản. Vậy nhưng chỉ được thời gian ngắn, từ khi có nhiều xe tải ra vào chở đá, đường đã bị cày nát và sệ ra hai bên, lấn vào đất của dân cả mét. Chúng tôi rất bất bình bởi việc mình hiến đất làm đường lại chủ yếu phục vụ cho các doanh nghiệp khai thác đá và gây bất lợi cho chính mình!”.
Đoạn đường bị xuống cấp |
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2014, những hộ có ruộng, rẫy dọc hai bên đã đồng tình hiến đất để xã mở rộng con đường này lên 6,5m và đổ đá cấp phối nhằm phục vụ việc đi lại, vận chuyển nông sản của người dân ở khu vực sản xuất trọng điểm này của địa phương. Nhưng chỉ thời gian ngắn sau đó, nó đã bị cày nát bởi xe tải hạng nặng khiến người dân bức xúc và đã nhiều lần chặn xe để bảo vệ đường. Hiện tại, trên dãy núi Đá Đen có 6 mỏ khai thác đá. Không chỉ việc xe tải vận chuyển đá làm hư đường mà việc khai thác đá đã khiến đất đá trôi xuống vùi lấp cây trồng của người dân trong mùa mưa bão.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề trên, ông Dương Đình Thăng - Phó Chủ tịch UBND xã Diên Tân cho biết: “Đây là đường nội đồng, phục vụ sản xuất của người dân. Bây giờ doanh nghiệp khai thác đá làm hư đường thì phải có trách nhiệm sửa chữa. 4 tháng trước, chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị khai thác đá bỏ kinh phí sửa chữa đoạn đường qua suối bằng cách lát đá chẻ nhưng chỉ được thời gian ngắn lại bị phá hỏng bởi những xe tải hạng nặng. Cuối năm 2016, UBND huyện đã làm việc với các đơn vị khai thác đá, yêu cầu họ làm đường bê tông và phải chịu 65% kinh phí, xã chịu 35%. Tuy nhiên, vì địa phương khó khăn về kinh phí nên huyện đã quyết định hỗ trợ phần kinh phí này. Theo phương án khảo sát, đầu tư xây dựng, kinh phí làm 850m (chỉ một đoạn đầu con đường - P.V) đường bê tông này hơn 5,5 tỷ đồng. Các doanh nghiệp khai thác đá đã thống nhất phương án này, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào chuyển tiền để chúng tôi triển khai”.
Ông Trần Văn Đoàn - Bí thư Đảng ủy xã Diên Tân cũng cho biết thêm: “Hiện tại, hồ sơ khảo sát, thiết kế làm đoạn đường bê tông nói trên đã hoàn tất. Chúng tôi rất mong cấp trên tiếp tục yêu cầu các đơn vị khai thác đá sớm chuyển kinh phí để địa phương triển khai xây dựng để người dân yên tâm và thuận lợi trong hoạt động sản xuất ở khu vực này”.
NAM ANH