11:02, 20/02/2017

Cam Thịnh Tây: Chợ xây xong bỏ hoang

Tuy nằm ở trung tâm xã, nhưng 11 năm nay, chợ Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) không hoạt động, trong khi người dân địa phương phải sang xã khác mua sắm.

Tuy nằm ở trung tâm xã, nhưng 11 năm nay, chợ Cam Thịnh Tây (TP. Cam Ranh) không hoạt động, trong khi người dân địa phương phải sang xã khác mua sắm.


Chợ không hoạt động


Nằm giáp ranh giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận, Cam Thịnh Tây là xã miền núi của TP. Cam Ranh. Xã có 4 thôn là: Thịnh Sơn, Sông Cạn Đông, Sông Cạn Trung và Suối Rua với khoảng 5.600 dân, trong đó hầu hết là người đồng bào Raglai. Từ Quốc lộ 27 B, rẽ vào đường thôn Sông Cạn Trung gần 400m là chợ Cam Thịnh Tây, được xây dựng từ năm 2006 với kinh phí gần 500 triệu đồng. Kết cấu chợ kiểu nhà lồng, diện tích 150m2, cột bê tông, khung, xà bằng thép, lợp tôn thoáng mát. Theo quan sát của chúng tôi, cả khu chợ đã từ lâu không hoạt động đang dần xuống cấp, nền chợ bằng bê tông rác thải vương vãi, xung quanh đầy cây cỏ dại. Ông Bùi Anh Đức, nhà sát chợ cho biết: “Tôi ở đây đã 7 năm, nhưng chợ luôn trong tình trạng không hoạt động”. Còn bà Cao Thị Kim Cúc (thôn Sông Cạn Trung) cho biết, người dân phải chạy xe 5 - 7km ra chợ Trại Cá (xã Cam Thịnh Đông) mua rau củ, thịt cá hoặc mua của những người bán dạo. Người bán dạo có gì người dân mua nấy chứ không thể mua theo nhu cầu.

 

Hiện trạng chợ Cam Thịnh Tây
Hiện trạng chợ Cam Thịnh Tây


Khu chợ xây khang trang, rộng rãi nhưng không hoạt động khiến nhiều người băn khoăn, có phải vị trí chợ không thuận lợi, hay nhu cầu thực tế của người dân các thôn chưa được tính kỹ khi xây dựng chợ? Theo ông Lê Văn Thảo - Chủ tịch UBND xã Cam Thịnh Tây, chợ được xây dựng ở trung tâm xã, nhưng do địa bàn rộng nên chỉ đáp ứng được 3 thôn, riêng thôn Thịnh Sơn gần xã Cam Thịnh Đông nên người dân quen đi chợ ở xã này. Bên cạnh đó, do tập quán của đồng bào đi rẫy, đi rừng từ sáng sớm đến chiều muộn mới về, chợ không có người mua nên những người bán tự động rút. Được biết, trong các năm 2009 và 2011, xã đã vận động 5 - 6 tiểu thương vào chợ bán hàng nhưng được một thời gian ngắn, tình trạng hàng hóa ế ẩm khiến họ lo lắng lại bỏ chợ.


Bà Nguyễn Thị Thu Tiên (phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh) - một người bán dạo ở đây chia sẻ, chúng tôi cũng muốn được kinh doanh trong chợ, không phải dãi nắng dầm mưa nhưng vào đó không có người mua, nên phải chạy quanh các thôn bán dạo. Buôn bán ở miền núi khá vất vả, đường đi lại khó khăn, chi phí xăng dầu cũng ảnh hưởng đến đồng lãi.


Sẽ nghiên cứu phương hướng hoạt động


Ông Lê Văn Thảo cho biết, mặc dù xã đã áp dụng ưu đãi miễn phí thuê mặt bằng, nhằm tạo điều kiện cho tiểu thương vào chợ buôn bán nhưng không ai vào. Thời gian tới, xã tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho một số người bán hàng dạo, huy động tiểu thương trong và ngoài địa phương thí điểm bán tập trung 1 - 2 phiên chợ/tháng, để tạo thói quen cho người dân mua bán trong chợ. Đặc biệt, người dân trong xã muốn buôn bán tại chợ sẽ được xã tín chấp nguồn vốn vay để mua hàng kinh doanh. Đồng thời, tu bổ các hạng mục, dọn dẹp vệ sinh khu chợ, tạo không gian sạch sẽ cho người mua bán hàng tại đây.


Ông Lê Minh Hải - Trưởng phòng Kinh tế TP. Cam Ranh cho biết: “Đời sống kinh tế - xã hội xã Cam Thịnh Tây còn khó khăn, người dân không mua sắm thường xuyên khiến người bán hàng bỏ chợ vì kinh doanh không hiệu quả. Ngành chức năng thành phố sẽ phối hợp với địa phương nghiên cứu chính sách hỗ trợ tiểu thương, vận động các cơ sở thương mại ngoài nhà nước tổ chức chợ phiên, mang quyền lợi cho người dân bằng việc bán hàng giảm giá, dần hình thành thói quen mua bán tại chỗ, khôi phục hoạt động chợ xã Cam Thịnh Tây”.


Khu chợ bỏ không 11 năm là một sự lãng phí không hề nhỏ. Hy vọng, với phương án chợ phiên, bán hàng giảm giá sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân, hình thành thói quen giao thương tại chợ truyền thống, nâng cao đời sống dân sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.


ĐỖ PHAN