Nhiều hộ gia đình ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà có đất trồng lúa, nhưng không thể sản xuất trong năm 2016 và 2017 do ảnh hưởng từ việc thi công Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả. Ban quản lý dự án đã thống nhất mức hỗ trợ và sẽ giải quyết dứt điểm cho các hộ trong tháng 3.
Nhiều hộ gia đình ở xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà có đất trồng lúa, nhưng không thể sản xuất trong năm 2016 và 2017 do ảnh hưởng từ việc thi công Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả. Ban quản lý (BQL) dự án đã thống nhất mức hỗ trợ và sẽ giải quyết dứt điểm cho các hộ trong tháng 3.
Hạng mục xây dựng tuyến đường chính phía nam (đoạn nút giao) qua địa bàn xã Vạn Thọ thuộc Dự án Hầm đường bộ qua đèo Cả được thi công từ năm 2015. Đến nay, công trình sắp hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng hiện đã phát sinh một số vấn đề ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Cụ thể, tuyến đường chính vào hầm Cổ Mã sau khi thi công có cao trình cao hơn nhà dân tại khu vực đường đi qua, ta luy đường được đắp bằng đất và trồng cỏ. Tuy nhiên, sau 2 mùa mưa, khu vực trên bị đất trôi tràn xuống lấp kênh mương phục vụ sản xuất và bồi lấp ruộng 2 vụ lúa của một số hộ nên không sản xuất được lúa vụ đông xuân, hè thu năm 2016 và vụ đông xuân 2017.
Đất chảy tràn xuống diện tích đất trồng lúa 2 vụ của người dân xã Vạn Thọ |
Ông Đặng Thành Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết, trước tình hình đó, UBND xã đã nhiều lần đề nghị với BQL dự án khắc phục tình trạng trên, nhưng đến nay các thửa ruộng bị bồi lấp vẫn chưa được phục hồi và ta luy đường vẫn tiếp tục sạt lở xuống mương. Qua các lần làm việc, đại diện của BQL dự án hứa sẽ báo cáo lãnh đạo và cho thực hiện từ cuối năm 2015, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong. Diện tích đất trồng lúa của nhân dân bị hư hại, không sản xuất được tiếp tục bỏ hoang đến thời điểm này. “Người dân rất xót và bức xúc khi vấn đề này chưa được giải quyết dứt điểm. Người dân đã có đơn kiến nghị gửi xã, với mong muốn được hỗ trợ để ổn định cuộc sống”, ông Hòa nói.
Theo thống kê của UBND xã Vạn Thọ, diện tích bị ảnh hưởng tổng cộng 14 hộ. Cụ thể, hư hại vụ đông xuân 2016 có 4 hộ, với tổng diện tích hơn 6.000m2; vụ đông xuân 2017 không sản xuất, có 10 hộ bị ảnh hưởng, với diện tích hơn 10.300m2. Xã cũng kiến nghị một số diện tích đất trồng lúa bị ảnh hưởng không thể phục hồi tái sản xuất nhưng còn ít đề nghị thu hồi (nằm dưới chân taluy đường bị lấp).
Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Sự việc diện tích đất lúa của người dân bị ảnh hưởng huyện đã nắm được, chính tôi trực tiếp cùng ngành chức năng đi khảo sát thực tế. Đồng thời, huyện cũng thống nhất với chủ trương hỗ trợ của nhà đầu tư. Chậm nhất trong tháng 3, nhà đầu tư phải hoàn tất việc chi trả hỗ trợ cho người dân. Tôi yêu cầu BQL dự án phải nhanh chóng hốt dọn sạch sẽ đất đá vùi lấp để trả lại mặt bằng cho người dân tổ chức sản xuất vụ tới. |
Theo quan sát của phóng viên, phần diện tích đất sản xuất của người dân bị một lượng đất đá từ taluy chảy tràn xuống khá lớn. Những khu vực không bị đất đá lấp thì cỏ mọc xanh ruộng. Ông Hồ Minh Khải - cán bộ giải phóng mặt bằng Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả xác nhận, trong quá trình thực hiện dự án, các đơn vị thi công có làm đất đá rơi xuống ruộng nhưng đều cho máy hốt dọn. Thời gian qua, do mưa lớn kéo dài đã khiến đất đá từ taluy tràn xuống ruộng, ảnh hưởng đến sản xuất của một số hộ dân xã Vạn Thọ.
Ông Đỗ Văn Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết, mới đây, đại diện nhà đầu tư đã có buổi làm với lãnh đạo huyện Vạn Ninh và xã Vạn Thọ. Công ty và địa phương đã thống nhất diện tích bị thiệt hại và sẵn sàng hỗ trợ, không để người dân bị thiệt. Theo quy định của tỉnh Khánh Hòa, đơn giá trên 1m2 đất trồng lúa bị thiệt hại từ dự án được đền bù 6.000 đồng. Tuy nhiên, đó là giá mà người dân có đầu tư trồng trọt, còn tại Vạn Thọ người dân không tổ chức sản xuất nên công ty và huyện Vạn Ninh thống nhất mức hỗ trợ bằng 1/2 mức giá được quy định.
THÀNH NAM