Công tác tuyên truyền bình đẳng giới, triển khai phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã và đang góp phần làm thay đổi nhận thức, giảm thiểu tác hại bạo lực trong gia đình, môi trường làm việc và cuộc sống hàng ngày của mỗi người.
Công tác tuyên truyền bình đẳng giới, triển khai phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới ở địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã và đang góp phần làm thay đổi nhận thức, giảm thiểu tác hại bạo lực trong gia đình, môi trường làm việc và cuộc sống hàng ngày của mỗi người.
Thay đổi nhận thức
Mô hình “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” tại xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh (thành lập tháng 9-2012) là mô hình điểm của Sở Văn hóa - Thể thao, nằm trong “Chương trình Bình đẳng giới tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2012 - 2015”. Năm 2014, xã Vạn Thắng thực hiện thêm mô hình điểm “Xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”. Qua 4 năm hoạt động, số lượng Câu lạc bộ “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới” và “Tổ phòng, chống bạo lực giới” được nhân rộng tại 8/8 thôn; can thiệp, giải quyết qua tin báo và đường dây nóng được 24 vụ việc; tư vấn cho 22 người, hỗ trợ y tế cho 2 người bị bạo lực...
Tổ hòa giải thôn Quảng Hội 1 (xã Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh) tư vấn cho một đôi vợ chồng (bìa trái, hàng trên) |
Ông Huỳnh Văn Hóa - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thắng cho biết, quá trình triển khai các mô hình được người dân và các đoàn thể hưởng ứng tích cực. Tình hình bạo lực giới, bạo lực gia đình tại địa bàn các thôn được can thiệp kịp thời và không để xảy ra tình trạng đáng tiếc. Thông qua các hình thức tuyên truyền, nhận thức của người dân về bình đẳng giới được nâng lên đáng kể. Trong đó, “Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình thôn Quảng Hội 1” đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống bạo lực gia đình giai đoạn 2008 - 2015.
Việc tuyên truyền bình đẳng giới, triển khai phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong ngành Giáo dục cũng có nhiều chuyển biến. Điển hình, Trường THPT Hoàng Văn Thụ (TP. Nha Trang) thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa với nhiều chủ đề khác nhau tập trung vào bình đẳng giới. Nhà trường còn xây dựng đội ngũ cán bộ đoàn thanh niên, ban tư vấn tâm lý học đường và phối hợp với lực lượng thanh niên xung kích phường Vĩnh Phước giữ an ninh trật tự trước và sau các buổi học. Nhờ đó, 5 năm trở lại đây, các vụ xích mích giữa học sinh đã giảm xuống một nửa so với trước. Bà Vũ Thị Liên Hương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Văn Thụ cho biết: “Tình trạng bạo lực ở học sinh có nguyên nhân chính là sự thiếu kiềm chế của các em từ những mâu thuẫn rất nhỏ; học sinh cũng thiếu chia sẻ với tổ chức đoàn, hội, ban giám hiệu nhà trường. Bên cạnh đó, nhiều gia đình còn thiếu quan tâm đến các em, dẫn đến xảy ra những sự việc không đẹp trong môi trường học tập. Khi phát hiện sự việc, nhà trường tích cực phối hợp với các đoàn, hội và gia đình giải quyết dứt điểm, gắn kết các em sau sự việc”.
Tăng cường công tác tuyên truyền
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, tăng cường tham mưu, đôn đốc, kiểm tra nên công tác bình đẳng giới có nhiều chuyển biến tích cực. Qua kiểm tra hàng năm cho thấy, các doanh nghiệp, cơ quan đều quan tâm thực hiện tốt những chính sách dành cho lao động nữ. Cùng với đó, các cấp công đoàn không ngừng chăm lo cho phụ nữ. Bà Hồ Thị Phương Chi - Trưởng Ban Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: “Chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Bình đẳng giới... cho hàng nghìn đoàn viên công đoàn và người lao động. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tổ chức tuyên truyền tại công đoàn cơ sở, nội dung tập trung vào các quy định về bình đẳng giới trong Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội... Ngoài ra, chúng tôi mong các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền những nội dung bình đẳng giới tới giới chủ và người sử dụng lao động”.
Theo bà Lê Thị Ngọc Sương - Trưởng phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), với chức năng và nhiệm vụ của mình, phòng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Bên cạnh đó, các cấp, ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường kiểm tra, thanh tra chuyên ngành việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, các trường hợp vi phạm pháp luật về bình đẳng giới; đồng thời đẩy mạnh công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thông tin, tuyên truyền về vấn đề này.
H.QUỲNH