Tại phường Vĩnh Hòa, đến chiều 13-12, lực lượng chức năng vẫn chưa thể khắc phục xong sự cố sạt lở tại khu tái định cư Hòn Sện. Đêm 12-12, mưa lớn đã làm cho Hồ điều hòa Hòn Sện bị vỡ khoảng 30m tuyến nhánh Tây Nam của mương thoát lũ. ...
Tại phường Vĩnh Hòa, đến chiều 13-12, lực lượng chức năng vẫn chưa thể khắc phục xong sự cố sạt lở tại khu tái định cư Hòn Sện. Đêm 12-12, mưa lớn đã làm cho Hồ điều hòa Hòn Sện bị vỡ khoảng 30m tuyến nhánh Tây Nam của mương thoát lũ. Nước lũ chảy tràn vào nhà dân đã làm 3 căn nhà bị hư hỏng nặng. Đất đá tại núi Hòn Khô sạt lở cũng làm hư hại 3 căn nhà phía dưới chân núi. Có 2 người bị thương đã được đưa đi cấp cứu, sức khỏe đã ổn định. Các hộ dân có nhà bị sập hiện đã được bố trí ở tạm tại Nhà Văn hóa các tổ dân phố. Ông Phạm Văn Hạnh ở Lô 2 đường Ngô Văn Sở có nhà vừa bị sập vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Đêm qua khi cả nhà đang ngủ thì nước từ phía sau tràn nhanh vào nhà. Sau đó nghe một tiếng ầm. Tường nhà bị bể, dòng nước mạnh cùng khối đá lớn đổ ập vào nhà. 9 người trong nhà chỉ kịp thoát thân, còn đồ đạc, giấy tờ, tài sản đã bị đất đá vùi lấp và cuốn trôi”.
Nhà dân tại Hòn Sện bị sập |
Trên địa bàn thành phố, nhiều khu dân cư và nhiều tuyến đường bị ngập từ 1,2-1,5m, bị chia cắt, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Các địa phương đã di dời khoảng 30 hộ dân tại các vùng trũng thấp, xung yếu dễ bị sạt lở dưới các chân núi. Tại phường Vĩnh Phước có 1 ngôi nhà bị sập do sạt lở đất đá. Tàu cá KH 01846, công suất 30 CV của gia đình ông Đặng Bé, ở tại tổ 6 Hà Ra đang neo đậu tại sông Cái bị nước lũ cuốn chìm. Ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước cho biết, ngay trong đêm 12-12, phường đã sơ tán 46 hộ dân sinh sống dưới chân núi Sạn đến nơi an toàn. Đối với các nhà chồ tại Tổ 6, Tổ 7 Hà Ra, các lực lượng chức năng đã cùng người dân gia cố, chằng néo lại nhà cửa; đồng thời, sẵn sàng sơ tán người dân khi cần thiết.
Tại xã Vĩnh Phương, căn nhà của ông Phan Văn Thượng (thôn Đắc Lộc 1) đã bị sập hoàn toàn do sạt lở núi, may mắn không có thiệt hại về người. Vườn cây ăn trái với hàng chục gốc xoài, mít, bưởi, chuồng heo, gà của ông Thượng cũng nằm dưới hàng tấn đất, đá từ trên núi đổ xuống, ước tính thiệt hại khoảng 150 triệu đồng. Cạnh đó, gia đình ông Nguyễn Minh Hoàng cũng bị thiệt hại, vật nuôi, cây trồng đều mất sạch. Việc sạt lở cũng gây cản trở giao thông cục bộ trong khu vực thôn, khiến một số hộ dân không thể đi lại. Tại khu vực gần UBND xã Vĩnh Phương, đường bê tông bị ngập hoàn toàn khoảng 300 mét, nhiều xe máy không qua được, phải dắt bộ.
Lũ cuối trôi đất đá vào nhà dân tại Vĩnh Phương |
Trước đó, rạng sáng 13-12, đường sắt Bắc - Nam đoạn qua đèo Rù Rì, nước từ trên núi đổ xuống đã làm sạt lở, đất đá phủ kín đường ray. 3 đoàn tàu: SE2, SE4, SQN4 từ phía Nam ra phải nằm lại Ga Nha Trang, trong khi đó đoàn tàu SE7 từ phía Bắc vào cũng phải nằm lại Ga Lương Sơn. Sau khi sự việc xảy ra, ngành Đường sắt đã điều động 5 xe ô tô khách để trung chuyển 500 hành khách từ các tàu tại Ga Nha Trang ra Ga Lương Sơn và từ Ga Lương Sơn vào Ga Nha Trang để tiếp tục hành trình bằng tàu lửa. Đến hơn 14 giờ 15 phút chiều cùng ngày, sự cố sạt lở đã được khắc phục.
Theo báo cáo sơ bộ của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP. Nha Trang, việc phòng chống thiên tai đã được thành phố chủ động triển khai, phối hợp với các Đồn Biên phòng nhắc nhở và nghiêm cấm neo đậu tàu thuyền tại các vị trí như cầu Xóm Bóng, cầu Hà Ra. Tại các điểm xung yếu đã cử người chốt trực sẵn sàng hỗ trợ di dời dân. Thiệt hại về nhà cửa, tại TP. Nha Trang có 4 nhà bị hư hỏng và sập tường nhà kho của Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (ước thiệt hại của Công ty khoảng 1 tỷ đồng). Về giao thông, sạt lở mái taluy tại Trường Đại học Khánh Hòa (cạnh đường Tôn Thất Tùng); sạt lở mái đất tại đường Lương Định Của (xã Vĩnh Ngọc, TP. Nha Trang) khiến 1 ngôi nhà bị hư hỏng. Mưa lũ gây ngập sâu khoảng 1,5m ở các vùng trũng ven sông Cái Nha Trang …
M.T - V.T