Ngày 17-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Ngày 17-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ khu vực miền Trung. Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Tại điểm cầu Khánh Hòa, ông Lê Đức Vinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Khánh Hòa |
Khánh Hòa thiệt hại khoảng 120 tỉ đồng
Theo báo báo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, từ giữa tháng 10-2016 đến nay, các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, những nơi vừa hứng chịu đợt hạn hán lịch sử kéo dài, đã gặp liên tiếp 5 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng với cường độ cực đoan, bất thường và kéo dài. Tổng lượng mưa tập trung trong khoảng 2 tháng qua tại nhiều nơi lớn hơn trung bình cả năm, đặc biệt một số khu vực mưa trên 2.500 mm như: Trà My (Quảng Nam) 2.611 mm, Minh Long (Quảng Ngãi) 2.729 mm.
Chiếc xe cứu thương vượt nước lũ trên đường 23 tháng 10 (TP. Nha Trang) vào trưa 17-12 |
Đoạn cây số 5 đường 23 tháng 10 ngập nước (ảnh chụp ngày 17-12) |
Vượt nước lũ |
Trong khi đó tại Khánh Hòa, mưa lũ trong những ngày vừa qua đã làm 2 người chết. Cơn mưa liên tục trong đêm và ngày 16-12 cộng với các hồ xả lũ đã làm nhiều tuyến đường, khu vực ở TP. Nha Trang ngập sâu, có đoạn sâu hơn 1 mét. Nặng nhất là khu vực Trường Chính trị tỉnh, cầu Ké xã Vĩnh Hiệp, cầu Sông Tắc, cầu Đình, cầu Chùa (xã Vĩnh Thái), cây số 5, đường 23 tháng 10, trước siêu thị Metro, SOS đường 2 tháng 4, đường Điện Biên Phủ, các khu dân cư dọc sông Cái… Tại TP. Cam Ranh, khu vực thôn Mỹ Thanh và thôn Hiệp Mỹ (xã Cam Thịnh Đông) có gần 1.000 hộ dân bị ngập sâu từ 0,5 mét đến 1 mét. Tỉnh lộ 9 đoạn qua xã Cam Phước Đông cũng bị ngập sâu, gây tắc đường. Trên địa bàn huyện Diên Khánh, khu vực dân cư các xã Diên Lạc, Diên Bình, Diên An, Diên Toàn, Diên Điền, Diên Phú bị ngập sâu từ 1 mét đến 1,5 mét. Thị xã Ninh Hòa và huyện Cam Lâm nhiều tuyến đường giao thông nông thôn và khu dân cư cũng bị ngập sâu trong nước. Đến nay, toàn tỉnh đã sơ tán 262 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu đến nơi an toàn.
Theo tính toán thiệt hại sơ bộ, đến nay có 33 căn nhà bị sập, hư hỏng nặng và hơn 1.000 căn nhà bị ngập. Về nông nghiệp, có khoảng 4.500ha diện tích lúa bị ngập, 1.300ha ngô và 280ha rau màu bị thiệt hại. Ngoài ra còn có khoảng 1.400 con gia cầm, gia súc bị lũ cuốn trôi. Bên cạnh đó có 24 tàu bị chìm, nhiều tuyến kênh mương bị sạt lở. Về giao thông, nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng như: kè bảo vệ Trường ĐH Nha Trang, đèo Cả, đèo Cổ Mã, tỉnh lộ 9, tuyến đường sắt qua đèo Rù Rì… Ước tính thiệt hại do mưa lũ mấy ngày qua gây ra trên địa bản tỉnh Khánh Hòa khoảng 120 tỉ đồng.
Không để dân đói, khát
Tại hội nghị trực tuyến, ông Lê Đức Vinh cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương thực hiện cứu hộ đối với các khu vực dân bị cô lập; đồng thời đảm bảo lương thực, nước uống cho các hộ dân. Bên cạnh đó tỉnh đã hỗ trợ 8,4 triệu đồng cho 2 gia đình có nạn nhân chết trong mưa lũ; hỗ trợ 93,5 triệu đồng cho 6 hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn. Về giao thông, cơ quan chức năng đã kịp thời khắc phục, dọn đất đá sạt lở do mưa lũ gây ra, đảm bảo lưu thông các tuyến đường quan trọng.
Vận chuyển người và xe qua đoạn nước ngập |
Một số điểm nước còn cao |
Việc đi lại vẫn còn nhiều khó khăn |
“Mặc dù đã ngớt mưa nhưng tôi đề nghị các ngành, các địa phương không được chủ quan, tiếp tục theo dõi sát sao, ứng phó kịp thời, tiếp tế lương thực cho các hộ dân còn bị cô lập, chia cắt do lũ, không được để xảy ra tình trạng người dân bị đói, khát. Chiều 17-12, Bộ Quốc phòng sẽ chuyển 4 tấn lương khô cho Khánh Hòa. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với các ngành, địa phương khẩn trường chuyển số lương thực này về cho các hộ dân đang bị cô lập”, ông Lê Đức Vinh chỉ đạo. Bên cạnh đó, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương khẩn trương chuẩn bị phương án sản xuất vụ đông xuân; Sở Y tế khẩn trương có phương án vệ sinh môi trường, không để xảy ra dịch bệnh sau lũ.
Theo thông tin mới nhất, mực nước sông Dinh Ninh Hòa đang là 5,37 mét, trên mức báo động III là 0,13 mét; sông Cái Nha Trang là 8,18 mét, trên mức báo động I là 0,18 mét. Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ cho biết, từ ngày 17 đến hết ngày 20-12, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, mưa rất to, lượng mưa phổ biến khoảng 150 – 250mm. Mực nước trên các sông giảm chậm và có nguy cơ dâng trở lại. |
Tại hội nghị, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 250 tấn gạo, hỗ trợ 13 tỉ đồng mua giống cây trồng, hỗ trợ 5 tỉ đồng mua thuốc khử khuẩn, làm sạch nước; hỗ trợ 77 tỉ đồng khắc phục các công trình hư hỏng; hỗ trợ 4 tỉ đồng trang bị phao cứu sinh. Về lâu dài, tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ dự án chống ngập lụt, xâm ngập mặn và xói lở tại khu dân cư Mỹ Thanh, Hiệp Mỹ (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) để đảm bảo chống ngập cho khu dân cư với kinh phí khoảng 100 tỉ đồng. Nhoài ra còn cần 70 tỉ đồng cho dự án thoát lũ Diên Điền – Diên Phú (huyện Diên Khánh), 150 tỉ đồng cho dự án kè sông Cái, 230 tỉ đồng cho dự án kè phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang).
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải ứng phó, cứu hộ, cứu nạn kịp thời, không để thiệt hại tiếp tục xảy ra. Đặc biệt là bảo đảm an toàn các hồ đập, bảo vệ tốt các di sản văn hóa ở các địa phương. Bên cạnh đó cần tập trung cứu dân, không để người dân bị đói, khát, dịch bệnh. Nước rút đến đâu cần chỉ đạo dọn dẹp vệ sinh môi trường đến đó, không để người dân lâm vào cảnh “màn trời chiếu đất”.
Mưa lớn đã làm lũ trên các sông lên cao ở mức báo động 3, có nơi trên báo động 3. Nhiều khu vực xấp xỉ mức lũ lịch sử như ở sông Vệ, sông Kôn, sông Ba. Các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã đầy nước, đang phải xả lũ. Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt do ngập lụt, sạt lở. Sản xuất bị đình trệ. Đời sống trong vùng thiên tai gặp vô cùng khó khăn và tổn thất nặng nề. Đợt mưa lũ từ giữa tháng 10-2016 đến nay đã làm 111 người chết và mất tích, 121 người bị thương. Hơn 316.000 nhà bị ngập, hư hại. Hơn 42.800 ha lúa, 39.000 ha hoa màu bị ngập hư hại. Tổng thiệt hại ước tính trên 8.573 tỷ đồng, nâng tổng thiệt hại do thiên tai gây ra từ đầu năm đến nay làm 235 người chết và mất tích, ước tính về kinh phí là trên 37.650 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD).
VĂN KỲ