01:12, 26/12/2016

Một cộng tác viên dân số yêu nghề

Hơn 15 năm gắn bó với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, chị Đào Thị Mỹ Nga - cộng tác viên dân số xã Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm) đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc vận động người dân địa phương sinh đẻ có kế hoạch, chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân.

Hơn 15 năm gắn bó với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), chị Đào Thị Mỹ Nga - cộng tác viên (CTV) dân số xã Cam Hải Tây (huyện Cam Lâm) đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc vận động người dân địa phương sinh đẻ có kế hoạch, chủ động chăm sóc sức khỏe cho bản thân.


Từ năm 2000, chị Nga được phân công phụ trách thôn Bãi Giếng 2 của xã. Đây là thôn có địa bàn rộng, với số dân 2.709 người, đông nhất xã. Trước đây, người dân trong thôn chủ yếu làm nông nghiệp, nhận thức về KHHGĐ còn nhiều hạn chế. Đại bộ phận các gia đình đều thích sinh đông con, không ít gia đình sinh 5 - 7 con. Từ đó, đời sống kinh tế khó khăn.

 

Chị Nga (bên trái) trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền dân số với các cộng tác viên khác
Chị Nga (bên trái) trao đổi kinh nghiệm tuyên truyền dân số với các cộng tác viên khác


Vì vậy, những năm đầu vận động người dân trong thôn thực hiện biện pháp tránh thai để giảm sinh, chị Nga đã gặp không ít khó khăn do bị người dân từ chối. Tuy nhiên, chị đã kiên nhẫn đến từng nhà để vận động các thành viên trong gia đình; vận động cả hàng xóm để tác động; đồng thời lấy tấm gương những gia đình sinh ít, kinh tế khá giả để tuyên truyền. Đối tượng chị chú trọng tuyên truyền nhiều nhất là lớp người nghèo, sinh đông con, con một bề gái, những gia đình kinh tế khá giả có nguy cơ sinh con thứ 3. Đặc biệt, nhờ làm trong Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã, tổ vay vốn thôn và y tế thôn bản nên chị đã phát huy được công tác tuyên truyền vận động giảm sinh, kết hợp với tạo điều kiện cho người dân vay vốn làm ăn và chăm sóc sức khỏe. Không ít gia đình thực hiện tốt việc sinh đẻ có kế hoạch được chị giới thiệu lên chính quyền để được quan tâm, cho vay vốn phát triển kinh tế gia đình.


Chị Lê Thị Hết (sinh năm 1976) cho biết, chị sinh 6 đứa con nên gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã. Các con lớn của chị phải bỏ học để giúp mẹ gồng gánh việc gia đình. Lúc đầu được chị Nga vận động đình sản, chị rất lo lắng, nhưng sau khi nghe giải thích tận tình nên chị quyết định thực hiện. “Không chỉ thường xuyên động viên, chị Nga còn xin chính quyền hỗ trợ hộ nghèo, tạo điều kiện để gia đình tôi làm ăn, cuộc sống đỡ vất vả hơn. Không chỉ tôi, các chị em phụ nữ trong làng cũng được chị Nga tận tình giúp đỡ”, chị Hết nói.


Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã đánh giá, chị Nga là CTV rất nhiệt tình và biết thông cảm, sẻ chia khó khăn với chị em. Chị còn làm việc rất khoa học, lập danh sách theo dõi từng đối tượng thực hiện biện pháp tránh thai; có kế hoạch thăm hộ gia đình, tuyên truyền nhóm với từng nội dung phù hợp tình hình địa phương, nhất là việc linh động phối hợp với Hội Phụ nữ xã, trưởng thôn lồng ghép tuyên truyền các chương trình nâng cao chất lượng dân số trong điều kiện kinh phí truyền thông cắt giảm. Năm nào chỉ tiêu giao xuống thôn, chị cũng thực hiện đạt và vượt…


Nhờ chị Nga làm tốt công tác tuyên truyền nên nhận thức của người dân trong thôn thay đổi đáng kể. Đến nay, hầu hết phụ nữ chủ động KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Số cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng, đạt 76%. Người dân đã chấp nhận mô hình ít con, đời sống kinh tế ngày càng ổn định. 3 năm liền, thôn Bãi Giếng 2 không có trường hợp sinh con thứ 3. Qua đó, góp phần giảm tỷ suất sinh toàn xã xuống còn 8,5‰; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chỉ còn 1,9%. Xã luôn là lá cờ đầu trong công tác DS-KHHGĐ của huyện nhiều năm liền.


Với những đóng góp tích cực trong công tác dân số ở địa phương, chị Nga đã nhận được bằng khen của Tổng cục DS-KHHGĐ, nhiều giấy khen của xã.


THIẾT TRANG