Đề án thí điểm mô hình trao sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trên địa bàn xã Diên Xuân bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăn nuôi và trồng trọt cho các hộ.
Đề án thí điểm mô hình trao sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) trên địa bàn xã Diên Xuân bước đầu đã phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng chăn nuôi và trồng trọt cho các hộ.
Năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Út (82 tuổi, ở thôn Xuân Đông, thuộc hộ nghèo) được nhận 5 triệu đồng vốn hỗ trợ sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu để đầu tư xây chuồng bò kiên cố có nền cao, mái tôn che chắn cẩn thận và một chuồng gà nhỏ. Nhờ đó, vào mùa mưa năm nay, hai con bò của gia đình ông không bị mưa gió, lầy bùn nên khỏe mạnh. Ông Út chia sẻ: “Nhà ông ở khu vực trũng thấp, chỉ mưa nhỏ đã ngập nước, mưa to là lụt lội. Vì vậy, vào mùa mưa, vật nuôi thường bị mưa, gió, dầm nước lụt dẫn đến sức đề kháng kém nên nhiều dịch bệnh”.
Ông Phú (thứ ba từ phải sang) và chiếc máy bơm mới được hỗ trợ |
Cũng được hỗ trợ 5 triệu đồng, ông Phan Phú (hộ nghèo thôn Xuân Nam) lựa chọn mua máy bơm để phục vụ nước tưới cho 2ha mía. Ông Phú cho biết, ông trồng loại mía ép ra để bán nước giải khát nên vất vả hơn mía đường. Bởi loại mía này yêu cầu phải tưới nước thường xuyên, trong khi không có máy bơm nên rất tốn công sức lao động. Từ khi có chiếc máy bơm mới, ông đỡ vất vả hơn và chủ động khi chăm tưới mía. Mùa khô từ tháng 1 đến tháng 7 vừa qua, cây mía được tưới đều, cho năng suất khá hơn trước. Do thời tiết càng nắng nóng, mía càng bán chạy, giá lại tăng cao nên mức lãi khá hơn nhiều vụ trước.
Theo ông Phạm Văn Ngọc, cán bộ phụ trách thương binh - xã hội xã, Diên Xuân là xã thuần nông, địa hình có cả núi và đồng bằng. Những năm gần đây, do biến đổi khí hậu, thời tiết ngày càng phức tạp, mưa nắng thất thường nên sản xuất nông nghiệp tại địa phương gặp không ít khó khăn. Khi mưa ngập, đàn gia súc có nguy cơ cao bị dịch bệnh, nắng hạn lại khiến cây trồng trên những vùng đồi cao khô héo. Chính vì vậy, nông dân luôn phải đối mặt với những rủi ro trong chăn nuôi, trồng trọt. Tháng 12-2015, từ nguồn vốn của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trong Đề án thí điểm mô hình trao sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, xã đã chọn 17 hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ. Một số hộ chăn nuôi nâng cấp chuồng trại, một số hộ trồng trọt mua máy bơm nước phục vụ tưới tiêu. Chương trình đã mang lại một số hiệu quả nhất định trong việc giảm dịch bệnh trên vật nuôi, nâng cao năng suất cây trồng. Ngoài các chính sách của Nhà nước và địa phương, nguồn vốn này cũng góp phần giúp người nghèo cải thiện thu nhập từ chăn nuôi, trồng trọt, nâng cao chất lượng cuộc sống. Qua đó, đã có 5 hộ nghèo vươn lên cận nghèo.
Ông Trần Hiệp - Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho biết, sau khi khảo sát tình hình thực tế, trung tâm đã lập Đề án thí điểm mô hình trao sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu tại Diên Xuân. Nguồn vốn do Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) hỗ trợ. “Trung tâm đã làm việc với UBND và các đoàn thể xã Diên Xuân nhằm duy trì mô hình này. Đồng thời, tìm kiếm các nguồn lực để nhân rộng mô hình cho các đối tượng nghèo khác trên địa bàn xã. Thời gian tới, trung tâm tiếp tục liên hệ với Cục Bảo trợ xã hội và kết nối với các tổ chức có khả năng tài trợ, để giúp người dân một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh trong sản xuất, chăn nuôi phù hợp với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay”, ông Hiệp nói.
H.QUỲNH