Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều người lính vẫn anh dũng hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc. Sự hy sinh của họ càng tô đẹp thêm hình ảnh người lính cụ Hồ.
Kỳ 1: Anh hùng Dương Văn Thanh và chuyện tấm bia không chừa khoảng trống
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhiều người lính vẫn anh dũng hy sinh vì sự bình yên của Tổ quốc. Sự hy sinh của họ càng tô đẹp thêm hình ảnh người lính cụ Hồ.
Chuyến bay định mệnh
Chiều cuối năm, chúng tôi tìm đến nhà Đại tá Phạm Văn Đông - Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Không quân, người có 20 năm gắn bó với Thượng tá - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Dương Văn Thanh. Nhà Đại tá Đông nằm sát đường Trần Phú, chỉ vài bước chân là có thể nhìn thấy Khu du lịch Vinpearl Land, nơi cách nay hơn 10 năm, Thượng tá Dương Văn Thanh đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu. Ngày 29-4-2005 sẽ chẳng bao giờ nhạt phai trong tâm trí Đại tá Đông. Bởi đó là ngày người đồng chí mà ông gắn bó bao nhiêu năm, cùng bay chung một bầu trời đã vĩnh viễn ra đi. Lặng đi hồi lâu, ông Đông kể: “Năm 1979, Thanh là giáo viên T41 đang chuyển loại. Thanh ra trường và về Phi đội 2, Trung đoàn 910. Sau đó 1 năm, tôi trở thành giáo viên và về cùng công tác với Thanh. Thanh có đôi mắt sáng, gương mặt cương nghị. Anh em trong phi đội vẫn gọi anh là Thanh râu, bởi anh có hàm râu quai nón rất ấn tượng”.
Nhắc đến những kỷ niệm với đồng đội mình, ông Đông nhớ lại, ông và Thượng tá Thanh cùng được bay đội hình xếp số 40 trên bầu trời Hà Nội nhân kỷ niệm 40 năm thành lập nước. Sau đó, ông được bổ nhiệm phó trung đoàn trưởng chính trị; còn Thượng tá Thanh làm phó trung đoàn trưởng quân huấn. Mãi đến năm 2004, ông được nhận nhiệm vụ mới, còn Thượng tá Thanh tiếp tục gắn bó với những cánh bay.
Kể về ngày định mệnh, Đại tá Đông cho biết, chiều 29-4-2005, Thượng tá Thanh cùng phi công trẻ Đào Việt Hưng trên chiếc máy bay L-39, mang số hiệu 8732 huấn luyện chiến đấu bay biên đội công kích. 15 giờ 19, máy bay xuất phát, cất cánh lên độ cao 300m khu vực Hòn Tre. Vừa bay được khoảng 1 phút 30 giây thì động cơ chết máy. Nhận thấy máy bay bị hỏng, khi báo về, sở chỉ huy yêu cầu nhảy dù. Sau đó, ông Thanh yêu cầu phi công Hưng nhảy dù trước. Quan sát thấy phía dưới là Khu du lịch Vinperl Land nên ông đã bình tĩnh vòng máy bay sang trái để tránh nguy hiểm cho khách du lịch. Khi đưa được máy bay ra khỏi khu vực Vinpearl Land thì máy bay đã không còn đủ độ cao để thực hiện các thao tác thoát hiểm và bị rơi xuống biển sau đó 3 giây.
Tấm bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong thời bình tại Trường Sĩ quan Không quân |
“Tôi là người đầu tiên tiếp cận máy bay bị rơi. Máy bay bị gãy làm đôi, buồng lái kẹt cứng, tôi phải nhờ xuồng cao tốc kéo hở ra một phía mới có thể vào trong. Trong khoang, anh Thanh ngồi bất động, tay vẫn nắm cần lái, đầu gục xuống. Tôi đưa anh Thanh ra khỏi buồng lái khi người anh vẫn còn ấm, rồi yêu cầu xuồng cao tốc chạy thẳng về nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 87. Khi ấy là ngày lễ, Khu du lịch Vinpearl Land rất đông khách. Nếu anh Thanh không bình tĩnh xử lý mà bung dù thoát thân thì máy bay rơi xuống, hậu quả khôn lường”, ông Đông nghẹn ngào.
Người anh hùng bất tử
Trong chuyến bay định mệnh ấy, phi công trẻ Đào Việt Hưng là người đã may mắn sống sót trở về. Cho đến tận bây giờ, giây phút đối diện với lằn ranh sinh tử vẫn hiện rõ trong anh. “Trong thời khắc ấy, chỉ có bản lĩnh, trí tuệ của người thầy, người phi công quả cảm mới bình tĩnh, xử lý được tình huống, không vội rời máy bay mà muốn cứu tài sản của quốc gia. Thế nhưng, khi cứu không được, nhận thấy sinh mệnh của hàng trăm du khách đang tham quan, du lịch tại Vinpearl Land, thầy đã lái tránh không để rơi xuống khu du lịch. Nghe lại băng ghi âm từ sở chỉ huy, tiếng thầy hô to: “Dù không nổ rồi”. Đó thực sự là chuyến bay định mệnh, khi bị 2 bất trắc: máy bay chết động cơ và dù không nổ”, Trung tá Đào Việt Hưng - Phó Chính ủy Trung đoàn 910, Trường Sĩ quan Không quân xúc động nhớ lại.
Đại tá Phạm Văn Đông giới thiệu với các học viên về chiếc máy bay và tấm gương anh dũng hy sinh của Thượng tá Dương Văn Thanh |
Có lẽ chỉ có bản lĩnh của một người lính đã từng lái 3 loại máy bay với 2.195 giờ bay trên bầu trời, chỉ huy hàng trăm ban bay đảm bảo an toàn thì mới xử lý được tình huống nguy cấp ấy trong khoảng thời gian chưa đầy 3 phút. “Một tài sản quý” của quốc gia đã vĩnh viễn ra đi. Không quý sao được khi trong gần 30 năm công tác, ông đã trực tiếp đào tạo 48 phi công từ khi họ mới bước vào trường đến khi hoàn thành bài thi tốt nghiệp, trong số đó có không ít người đã trở thành cán bộ quản lý hiện nay.
Nói về người đồng đội của mình, Đại tá Phạm Văn Đông không giấu được niềm tự hào: “Dù được giao bất kỳ nhiệm vụ nào, anh Thanh cũng luôn hoàn thành xuất sắc bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm của một phi công dày dạn kinh nghiệm, một giảng viên bay mẫu mực. Trong cuộc sống, anh là người thẳng thắn, chân tình và cởi mở. Anh được trò yêu, bạn mến, thực sự là người rất đỗi giản dị. Sự ra đi của anh như một bản hùng ca còn vang vọng mãi cho đến mai sau”.
Tấm bia không khoảng trống
Cũng như anh hùng Dương Văn Thanh, trong những năm qua, Trường Sĩ quan Không quân đã có hàng chục cán bộ, học viên đã ngã xuống vì sự nghiệp huấn luyện bay. Mới đây nhất, vào tháng 8 năm nay, phi công học viên Phạm Đức Trung trong lần bay huấn luyện tại Trung đoàn 910 đã hy sinh anh dũng. Khi máy bay gặp sự cố kỹ thuật, phi công có thể thả dù để thoát khỏi máy bay, nhưng Thiếu úy Phạm Đức Trung đã mưu trí lái máy bay tránh Quốc lộ 1 khi đang có rất đông người và phương tiện lưu thông, tránh đường điện trung thế. Đây là hành động rất dũng cảm, với ý chí và ước nguyện cứu máy bay.
Hay xa hơn một chút, năm 2007 là trường hợp của Thượng tá Trần Văn Deo và Thượng úy Lê Lâm Phương khi đang điều khiển thực hành huấn luyện máy bay phản lực L-39 thì gặp nạn tại vùng biển thôn Vĩnh Trường (Phước Dinh, Ninh Phước, Ninh Thuận), cách TP. Phan Rang khoảng 6km về hướng đông nam. Và còn hàng chục trường hợp khác cũng hy sinh trong quá trình làm nhiệm vụ. Tất cả những liệt sĩ hy sinh đều được trang trọng khắc trên tấm bia đá đặt tại nhà tưởng niệm trong khuôn viên trường.
Ngày 9-1-2007, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang trong thời kỳ đổi mới đối với Thượng tá Dương Văn Thanh vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện chiến đấu, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. |
Đại tá Phạm Văn Đông cho biết, tấm bia được lập năm 2014, đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trường Sĩ quan Không quân. Trên tấm bia ấy hiện có 33 người, có người ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ. “Chúng tôi làm tấm bia mà không chừa khoảng trống để ghi người tiếp theo, bởi trong thâm tâm không ai mong muốn điều tồi tệ đó xảy ra. Tuy nhiên, trong thực tế điều đó không thể tránh được. Sự cố có thể xảy ra theo nhiều nguyên do mà chúng ta không thể lường trước, có thể khách quan thời tiết, máy hỏng, hay cũng có thể do chủ quan cơ thể vào thời khắc nào đó không được tỉnh táo…”, Đại tá Đông tâm sự.
Tuy đã là thời bình, nhưng với một công việc đặc biệt là hàng ngày bay trên bầu trời để huấn luyện chiến đấu, việc có thể hy sinh là điều mà những phi công bản lĩnh nghĩ đến và chấp nhận. Bước vào mỗi chuyến bay, một phi công sẽ nghĩ đến tất cả những tình huống có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không trừ một ai. Đại tá Đông cho biết: “Phi công chiến đấu khác phi công bay thương mại. Phi công chiến đấu phải nhào lộn, tập bay trong điều kiện hạn chế, vì vậy bất trắc rất nhiều. Tấm bia tưởng niệm chúng tôi lập ra là để giáo dục những học viên, phi công trẻ về tinh thần, ý chí kiên cường của một phi công thực thụ. Những vụ rơi máy bay, hy sinh anh dũng của những đồng đội chưa bao giờ làm nản lòng các phi công mà qua đó càng hun đúc, tôi luyện thêm bản lĩnh, tình yêu bầu trời, yêu Tổ quốc”.
MẠNH HÙNG - VĂN KỲ
Kỳ 2: Tinh thần thép của người lính không quân