Khánh Hòa đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, số người cao tuổi (NCT) trên toàn tỉnh Khánh Hòa đã chiếm hơn 10%/tổng số dân. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe NCT, đặc biệt là NCT ở nông thôn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Khánh Hòa đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, số người cao tuổi (NCT) trên toàn tỉnh Khánh Hòa đã chiếm hơn 10%/tổng số dân. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe NCT, đặc biệt là NCT ở nông thôn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Chưa được quan tâm đúng mức
Bà Lê Thị Thảnh (68 tuổi ở xã Suối Hiệp, huyện Diên Khánh) cho biết, bà có 2 người con nhưng đều đi làm ăn xa, thỉnh thoảng mới về thăm và cho bà ít tiền chi tiêu. Gia đình bà thuộc diện hộ nghèo, được Nhà nước hỗ trợ gạo, dầu ăn, mì gói và 300.000 đồng/tháng. Bà sống một mình, lại thêm đau bệnh nên đi lại khó khăn. Cụ bà Nguyễn Thị Ca (79 tuổi ở thôn Thủy Xương, Suối Hiệp, Diên Khánh) bị tai biến đã 20 năm, đi lại phải có người giúp đỡ. Bà may mắn được chồng là cụ ông Nguyễn Dẫn, đã 80 tuổi nhưng vẫn còn khỏe mạnh và con trai chăm sóc. “Xã hội chưa có dịch vụ chăm sóc NCT. Nếu chúng tôi không có con trai có lẽ chẳng biết nhờ cậy ai”, ông Dẫn nói.
Một số người cao tuổi đang sống cô đơn, không ai trực tiếp chăm sóc |
Ông Trần Hữu Phước - Chủ tịch Hội NCT xã Suối Hiệp cho hay, 80% người dân trên địa bàn xã sống dựa vào nông nghiệp nên phần lớn NCT của xã gắn với công việc đồng án. Thậm chí, có cụ 70, 80 tuổi vẫn là trụ cột gia đình, chăm cháu và đảm đương tất cả những việc lớn nhỏ trong gia đình khi các con đi làm ăn xa. Tình trạng NCT bệnh tật, neo đơn còn nhiều. Hiện nay, xã có khoảng 20 cụ có hoàn cảnh neo đơn và 200 NCT chưa có điều kiện tham gia các câu lạc bộ: ông bà cháu, dưỡng sinh, NCT. Đa số họ đều có cuộc sống khó khăn, ít có điều kiện tiếp cận thông tin, dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Chưa được chăm sóc sức khỏe chu đáo khi về già là tình trạng chung của NCT trên địa bàn tỉnh hiện nay. Theo thống kê của Hội NCT tỉnh, toàn tỉnh hiện có 116.350 NCT, tổng số người được hưởng trợ cấp xã hội từ 60 đến 79 tuổi là 18.543 người, số NCT đủ 80 tuổi trở lên có 20.397 người. Điều đó chứng tỏ số NCT không có lương hưu chiếm một tỷ lệ không nhỏ. Số NCT được khám sức khỏe định kỳ và được lập hồ sơ quản lý sức khỏe chỉ có 42.350 người. Con số này còn quá thấp so với số NCT hiện có.
Cần mở rộng mạng lưới chăm sóc
Ông Lê Xuân Hạnh - Trưởng Ban đại diện Hội NCT tỉnh cho biết, NCT hiện nay có tăng về tuổi thọ nhưng phần lớn không khỏe, tỷ lệ NCT bệnh tật cao, ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và hòa nhập cộng đồng. Đa số NCT chưa có thói quen khám bệnh định kỳ, vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Bệnh viện ở xa, các trạm y tế chưa đầy đủ trang thiết bị cũng như trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT.
Ngày Dân số Việt Nam năm 2016 có chủ đề: “55 năm truyền thống công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình, vì hạnh phúc mỗi gia đình, vì sự phát triển bền vững của đất nước”. |
NCT có vai trò quan trọng trong việc tham gia công tác xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội và hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Hiện nay, có 15.950 cụ tham gia công tác Đảng, chính quyền, đoàn thể xã hội. Số NCT làm chủ trang trại, doanh nghiệp là 898 cụ; số người làm kinh tế giỏi 5.570 cụ. “Do đó, cần đổi mới quan điểm toàn diện về NCT, coi người cao tuổi là một nguồn lực cho sự phát triển chứ không phải gánh nặng của xã hội. Các chính sách và chương trình về NCT cần đảm bảo để NCT được tôn trọng và tiếp tục tham gia vào đời sống xã hội như những công dân với đầy đủ các quyền của mình”, ông Hạnh nói.
Thời gian qua, Hội NCT đã phối hợp với Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh thực hiện mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng. Đã có hàng nghìn cụ được tham gia mô hình với các hoạt động giao lưu, tìm hiểu kiến thức chăm sóc sức khỏe người già, vai trò của NCT đối với gia đình… thông qua các câu lạc bộ NCT. Tuy nhiên, mô hình này cũng đang gặp khó khăn về kinh phí, không thể mở rộng. Chính vì vậy, theo ông Hạnh, Nhà nước cần có chính sách toàn diện đảm bảo an sinh và phúc lợi cho NCT như: khuyến khích mở rộng độ bao phủ của an sinh xã hội, hưu trí và việc làm tới NCT; đảm bảo NCT được tiếp cận tới các dịch vụ cơ bản của đời sống xã hội; xây dựng hệ thống chăm sóc dài hạn, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giảm chi phí bệnh tật; tập trung mạnh mẽ vào định hướng các biện pháp phát huy vai trò NCT tham gia và tiếp tục đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội… Điều đó cũng là một yêu cầu cấp thiết cần phải thực hiện đối với chương trình dân số hiện nay nói riêng và vấn đề an sinh xã hội cho NCT nói chung. Trước mắt, mô hình tư vấn và chăm sóc sức khỏe NCT dựa vào cộng đồng mang tính nhân đạo cần được nhân rộng. Đây cũng là một giải pháp góp phần nâng cao chất lượng sống cho NCT, nâng cao chất lượng dân số.
M.T