12:12, 21/12/2016

Khẩn trương khôi phục sản xuất sau mưa lũ

Ngày 20-12, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra và hướng dẫn một số công tác khôi phục sản xuất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 20-12, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) do ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt làm trưởng đoàn đã đến kiểm tra thực tế, nắm bắt tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra và hướng dẫn một số công tác khôi phục sản xuất trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.


Sản xuất nông nghiệp thiệt hại nặng


Đoàn đã đi kiểm tra thực tế vùng sản xuất nông nghiệp tại xã Diên Điền (huyện Diên Khánh); kiểm tra thiệt hại về nuôi trồng thủy sản tại thị xã Ninh Hòa và huyện Vạn Ninh...

 

Đoàn công tác kiểm tra tình hình ngập lụt tại xã Diên Điền, huyện Diên Khánh
Đoàn công tác kiểm tra tình hình ngập lụt tại xã Diên Điền, huyện Diên Khánh


Theo bà Nguyễn Thị Thùy Linh - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, toàn tỉnh có 5.000ha lúa (2.000ha lúa mùa chưa kịp thu hoạch và 3.000ha lúa đông xuân mới gieo sạ), 1.260ha bắp, 280ha rau màu các loại, 345,2ha cây trồng lâu năm, 85ha cây ăn quả tập trung, 1.205ha cây trồng hàng năm khác bị thiệt hại do mưa lũ… Ước giá trị thiệt hại về nông, lâm, diêm nghiệp hơn 224 tỷ đồng.


Đối với tình hình thiệt hại của ngành chăn nuôi, ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: “Đến ngày 20-12, thiệt hại về chăn nuôi là hơn 2,1 tỷ đồng, trong đó có 234 con gia súc và hơn 2.000 con gia cầm bị chết, bị lũ cuốn trôi. Lo nhất hiện nay là việc vệ sinh tiêu độc khử trùng để tái đàn, tái sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng thực phẩm cho dịp Tết sắp đến”.


Về thiệt hại nuôi trồng thủy sản, ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thông tin: Mưa lũ đã khiến 9.000 con cá bớp nuôi lồng bè tại huyện Vạn Ninh bị chết; toàn tỉnh có hơn 510ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, trong đó có gần 10ha bị thiệt hại hoàn toàn, khoảng 350ha bị thiệt hại gần 50%; 29 tàu thuyền bị chìm, trong đó có 2 chiếc không trục vớt được… Ước giá trị thiệt hại đến ngày 20-12 của ngành thủy sản hơn 24 tỷ đồng.


Nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh cũng bị hư hỏng nặng, ước thiệt hại đến ngày 20-12 hơn 88 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 1.600m đê cấp IV trở xuống, đê bối, bờ bao bị sạt, nứt, vỡ; hơn 5.360m kè bị sạt lở, hư hỏng; hơn 13.000m kênh mương bị sạt, trôi, hư hỏng; 2 đập thủy lợi bị sạt lở…


Hiện nay, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang khẩn trương khắc phục thiệt hại để ổn định đời sống của người dân và khôi phục sản xuất. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của địa phương có hạn nên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp cho tỉnh 1.500 tấn gạo, 800 tấn lúa giống, 26 tấn bắp giống, 2 tấn giống rau màu các loại; 50.000 viên sát khuẩn Aquatabs 67mg/viên, 1.000kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 50 tấn thuốc sát trùng thủy sản Chloramin, 20 tấn thuốc sát trùng trên cạn Hanlodine; 580 tỷ đồng khắc phục thiệt hại do mưa lũ…


Mong sớm được hỗ trợ để khôi phục sản xuất


Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết: “Qua kiểm tra, nắm bắt thực tế tình hình thiệt hại nặng nề do mưa lũ tại Khánh Hòa và nắm bắt các đề xuất, kiến nghị cụ thể của địa phương, đoàn công tác sẽ báo cáo ngay về Bộ NN-PTNT, Cục Phòng chống thiên tai để báo cáo Chính phủ có biện pháp hỗ trợ nhanh nhất cho người dân bị ảnh hưởng. Đối với các kiến nghị về cây, con giống, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất tiêu độc khử trùng…, kho dự trữ quốc gia có thể đáp ứng thì sẽ kiến nghị hỗ trợ ngay. Đối với nguồn hỗ trợ bằng tiền mặt, sẽ báo cáo bộ trình Chính phủ xem xét”.

 

Theo ông Nguyễn Thái Như Trị - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ước tính đến 18 giờ ngày 20-12, cùng với những thiệt hại về sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, mưa lũ đã khiến 8 người bị chết, 1 người mất tích; nhiều vùng tại Nha Trang, Cam Ranh, Diên Khánh, Ninh Hòa, Cam Lâm bị ngập lụt nghiêm trọng; 137 nhà dân bị sập, hư hỏng; hơn 100.000m3 đất đá bị sạt lở… Ước tính thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh là 600 tỷ đồng.

Theo ông Sơn, trước tình hình mưa lũ gây thiệt hại nặng nề trong thời gian qua, Bộ NN-PTNT đã cử nhiều đoàn công tác đến các địa phương đánh giá lại tình hình thiệt hại thực tế, từ đó đưa ra các giải pháp tổng thể, khả thi để cùng với các địa phương khắc phục thiệt hại trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, cơ quan chức năng các cấp đang tập trung tối đa các biện pháp để đáp ứng đủ nguồn giống cho các địa phương. Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng hỗ trợ các địa phương các giải pháp kỹ thuật, đặc biệt là vệ sinh chuồng trại, vệ sinh khu vực nuôi trồng thủy sản nhằm mục tiêu không để xảy ra dịch bệnh trước, trong và sau mưa lũ. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành rà soát các biện pháp kỹ thuật tốt nhất, giúp người dân sớm khôi phục hệ thống cây trồng, nhất là cây trồng ngắn ngày, tính toán lịch thời vụ, xác định lại cơ cấu cây trồng cho phù hợp. Đối với cây ăn quả, cây công nghiệp dài ngày, bộ sẽ tập trung rà soát hướng dẫn kỹ thuật, in thành các tờ rơi, phát đến tận tay nông dân, giúp nông dân áp dụng các biện pháp phù hợp nhằm khôi phục những diện tích còn có thể khôi phục được cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng mới thay thế đối với những khu vực hư hại hoàn toàn.


Về khôi phục nuôi trồng thủy sản, ông Như Văn Cẩn - Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản đề nghị tỉnh tiếp tục cập nhật thiệt hại để đề xuất cấp trên hỗ trợ. Trước mắt, cần chú ý công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với các ao nuôi có thủy sản chết; khắc phục hư hại về hạ tầng đầu mối phục vụ nuôi trồng thủy sản; hướng dẫn người dân vệ sinh lồng bè, ao đìa, chuẩn bị giống, vật tư thủy sản để tiến hành thả nuôi vụ mới… Trong khi đó, ông Đỗ Văn Hoan - Phó Trưởng phòng Gia súc nhỏ Cục Chăn nuôi lưu ý, trước mắt tỉnh cần rà soát lại các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn, tạo điều kiện hỗ trợ các cơ sở gây nuôi để đảm bảo thực phẩm phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán sắp tới.


Theo ông Tào Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, quan điểm chỉ đạo của ngành là nước rút tới đâu, tiến hành khắc phục và tổ chức tái sản xuất đến đó. Ngành cũng kiến nghị Trung ương sớm xem xét hỗ trợ cho địa phương để khắc phục hậu quả lũ lụt, ổn định đời sống của người dân và tái sản xuất.


HẢI LĂNG - HỒNG ĐĂNG