12:12, 24/12/2016

Khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ

Chiều 23-12, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị đánh giá tình hình thiệt hại và đề ra các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh trong tháng 11 và 12.

Chiều 23-12, ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì hội nghị đánh giá tình hình thiệt hại và đề ra các giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh trong tháng 11 và 12.


Nhiều kiến nghị, đề xuất


Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong 2 tháng 11 và 12, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 đợt mưa lũ lớn trên diện rộng để lại hậu quả nặng nề. Toàn tỉnh có 9 người chết, 356 nhà bị sập, hư hỏng, hơn 13.500ha lúa và hoa màu bị hư hại, gần 25.000 con gia súc, gia cầm bị chết và cuốn trôi, hàng trăm nghìn m3 đất đá bị sạt lở gây ách tắc giao thông, nhiều cơ sở hạ tầng bị hư hỏng… Ước tính tổng thiệt hại hơn 816 tỷ đồng.

 

Quang cảnh hội nghị
Quang cảnh hội nghị


Đánh giá về tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra, ông Lê Đức Vinh nhận định: “Năm nay, mưa lũ kéo dài trên diện rộng, diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản của người dân trên địa bàn tỉnh, số người chết tăng cao, số nhà bị sập, hư hỏng nhiều hơn so với những năm trước; nhiều khu vực bị ngập sâu, chia cắt; thiệt hại về cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi rất nặng… khiến đời sống, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn”.


Để khắc phục hậu quả của mưa lũ, lãnh đạo các địa phương đều cho rằng, do nguồn kinh phí dự phòng của các huyện, thị xã, thành phố có hạn nên rất cần sự hỗ trợ của tỉnh. Trước mắt, tỉnh cần hỗ trợ gạo, giống cây trồng cho người dân; hỗ trợ kinh phí khắc phục các công trình giao thông, thủy lợi…


Ông Nguyễn Văn Danh - Chủ tịch UBND TP. Nha Trang đề nghị: “Tỉnh cho phép bố trí tái định cư cho các hộ bị sạt lở núi ở xã Phước Đồng tại khu tái định cư Đất Lành, bởi người dân không thể xây dựng lại nhà tại nơi cũ. Đối với 4 hộ bị sập nhà ở Hòn Xện, cần xác định xem khu vực này có thể xây dựng lại nhà được không, nếu không thì phải có biện pháp di dời”. Còn ông Nguyễn Văn Thiệu - Chủ tịch UBND huyện Diên Khánh đề nghị: “Tỉnh quan tâm hỗ trợ người dân gạo và giống lúa, nhất là giống ngắn ngày để nhanh chóng khôi phục sản xuất, bởi hiện nay nguồn giống không còn, người dân phải lấy lúa thương phẩm để gieo sạ nên năng suất sẽ giảm. Đồng thời, chỉ đạo các ngành khắc phục thiệt hại về giao thông, thủy lợi, hỗ trợ người dân đón Tết ấm cúng”.

 

Mưa lũ gây sạt lở núi tại xã Phước Đồng
Mưa lũ gây sạt lở núi tại xã Phước Đồng


Ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, sở đã lên phương án, chi hơn 10 tỷ đồng để khẩn trương khắc phục hậu quả, đảm bảo khôi phục tạm thời lưu thông trên các tuyến đường. Đối với đoạn đường đèo Rù Rì bị hư hỏng, Bộ GTVT đã đồng ý chủ trương khắc phục ngay. Khi trời nắng, các đơn vị sẽ khẩn trương thi công để đảm bảo giao thông trên địa bàn tỉnh được thông suốt.


Trong khi đó, ông Lê Tấn Bản - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, đơn vị sẽ khẩn trương thống kê nhu cầu giống cây trồng, vật nuôi, liên hệ với các tỉnh bạn tìm nguồn cung ứng giống để kịp thời hỗ trợ người dân tái sản xuất; triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong vật nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đối với diện tích chậm thời vụ, phương án xử lý là nước rút đến đâu xuống giống đến đó. Dự kiến đến ngày 15-1-2017 phải gieo sạ xong vụ đông xuân 2016 - 2017.


Những việc cần làm ngay

 

Ông Lê Đức Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Chậm nhất ngày 27-12, các ngành phải có báo cáo phương án khắc phục. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương xây dựng, đề xuất chính sách hỗ trợ. Trên cơ sở đó, trong tuần tới, UBND tỉnh sẽ ban hành chính sách hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại.

Ông Lê Đức Vinh đề nghị các ngành chức năng và địa phương cần khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp đỡ người dân sớm ổn định đời sống, tổ chức tái sản xuất, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, bị thương, có nhà bị sập; có phương án hỗ trợ gấp các hộ dân có nhà bị sập hoàn toàn hoặc hư hỏng nặng để xây dựng lại nhà cửa; hoặc hỗ trợ thuê nhà, không để tình trạng người dân không có nhà ở khi Tết sắp đến. Đồng thời, khẩn trương hỗ trợ gạo cho các hộ gia đình khó khăn, không để người dân đói, khát. Hiện nay, tuy mưa ngớt nhưng vẫn còn nhiều vùng bị ngập, nguy hiểm, khu vực ven chân núi, sông suối có khả năng sạt lở, vì vậy các địa phương cần tiếp tục rà soát, nơi nào nguy hiểm thì phải di dời ngay, nếu cần thiết tái định cư thì xây dựng phương án để giải quyết cho phù hợp. Ngoài ra, cần triển khai công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo không để dịch bệnh xảy ra; tiến hành khắc phục tạm thời các công trình giao thông để phục vụ việc đi lại của người dân; rà soát, nắm bắt tình hình nguồn giống phục vụ tái sản xuất… Riêng đối với TP. Nha Trang, ông Lê Đức Vinh đề nghị phải đánh giá lại công tác quản lý đô thị, xây dựng của chính quyền địa phương. Đặc biệt, sau vụ sạt lở núi ở xã Phước Đồng, thành phố phải khẩn trương kiểm tra lại tình trạng khai thác đất núi ở khu vực này, xem công tác quản lý ở địa phương này như thế nào?

 

Khắc phục hậu quả lũ làm sập nhà dân tại khu tái định cư Hòn Xện
Khắc phục hậu quả lũ làm sập nhà dân tại khu tái định cư Hòn Xện


Đối với các sở, ngành, ông Lê Đức Vinh đề nghị: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát các chính sách để đề xuất tỉnh hỗ trợ trong đợt mưa lũ vừa qua, trong đó ngoài chính sách của Trung ương cần nghiên cứu đề xuất thêm chính sách hỗ trợ của tỉnh. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần đánh giá ngay tình trạng thiệt hại về lúa, hoa màu, thủy sản… để hỗ trợ kịp thời cho người dân; liên hệ với các tỉnh bạn để tìm nguồn giống phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh; theo dõi chặt chẽ dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi; rà soát các công trình thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu phục vụ tái sản xuất. Sở GTVT cần đảm bảo an toàn giao thông thông tuyến, có biện pháp sửa chữa lại các công trình giao thông. Riêng đối với địa bàn TP. Nha Trang, cần rà soát lại tình hình ngập lụt ở nhiều tuyến đường như: đường Nguyễn Tất Thành, đường 23-10, đường 2-4… để có phương án khắc phục tổng thể, đảm bảo giao thông thông suốt phục vụ Tết và Hội nghị APEC sẽ tổ chức tại TP. Nha Trang vào tháng 2-2017. Sở Y tế cần chủ động công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng, đảm bảo không để xảy ra dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng cần đánh giá lại chất lượng công trình mương thoát lũ Đường Đệ báo cáo UBND tỉnh…

 
VĂN KỲ - HẢI LĂNG



 




UBND tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ 1.500 tấn gạo; 50.000 viên sát khuẩn Aquatabs (67mg/viên), 1.000kg Cloramin B để khử khuẩn, làm sạch nước; 20.000 lít hóa chất sát trùng Hanlodine 10% để tiêu độc môi trường chăn nuôi, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm; 50.000 lít hóa chất Chlorin để xử lý mầm bệnh và phòng bệnh trong nuôi trồng thủy sản; 15.000 liều vắc xin tai xanh.


Tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 666 tỷ đồng để khắc phục các thiệt hại do mưa lũ, cụ thể: hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp 18,2 tỷ đồng để mua 1.135 tấn lúa giống, 22 tấn bắp, 2 tấn giống rau màu; hỗ trợ 241 tỷ đồng cho khai thác và nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại; hỗ trợ 190 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa công trình thủy lợi và 217 tỷ đồng khắc phục các công trình giao thông.

______________________________________



Để phòng, chống thiên tai trong những năm tới, UBND tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ 550 tỷ đồng để đầu tư cơ sở hạ tầng chống ngập lụt, xói lở khu dân cư. Cụ thể có các dự án như: Dự án Chống ngập lụt, xâm nhập mặn và xói lở khu dân cư Mỹ Thanh, Hiệp Mỹ (xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh) với kinh phí 100 tỷ đồng; Dự án Tiêu thoát lũ Diên Điền - Diên Phú (huyện Diên Khánh) với kinh phí 70 tỷ đồng; Dự án Kè bờ hữu sông Cái tại thôn Phú Vinh (xã Vĩnh Thạnh, TP. Nha Trang) với kinh phí 150 tỷ đồng và Dự án Kè bờ phường Vĩnh Nguyên (TP. Nha Trang) với kinh phí 230 tỷ đồng.