10:12, 22/12/2016

Cần sớm xây dựng kè sông Tô Giang

Nhiều năm nay, hễ mùa mưa bão đến là tuyến bờ sông Tô Giang (xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lại bị sạt lở, gây ngập úng nhiều diện tích lúa. Đã thế, khi thủy triều dâng, nước biển tràn vào đồng ruộng khiến lúa và hoa màu bị chết trắng.

Nhiều năm nay, hễ mùa mưa bão đến là tuyến bờ sông Tô Giang (xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) lại bị sạt lở, gây ngập úng nhiều diện tích lúa. Đã thế, khi thủy triều dâng, nước biển tràn vào đồng ruộng khiến lúa và hoa màu bị chết trắng.


Bờ sông liên tục bị sạt lở


Đưa chúng tôi đi dọc bờ sông Tô Giang dài hơn 200m, thuộc địa phận thôn Hải Triều, ông Phạm Duy Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Long cho biết, bờ sông này trước đây to, rộng và cao, nhưng nhiều năm nay đã bị sạt lở nghiêm trọng. Cứ vào mùa mưa bão, nước trên thượng nguồn đổ về, cùng với việc hồ Hoa Sơn xả lũ làm cho toàn bộ cánh đồng lúa rộng hơn 30ha của 300 hộ bị chìm sâu trong nước. Trung bình mỗi năm, tuyến bờ sông này bị sạt lở 2, 3 lần. Không những vậy, khi thủy triều lên, toàn bộ cánh đồng ở đây bị xâm nhập mặn làm cho lúa và hoa màu của người dân bị chết trắng.

 

Chính quyền địa phương đã chủ động kè những đoạn bị sạt lở nhưng chỉ mang tính tạm thời
Chính quyền địa phương đã chủ động kè những đoạn bị sạt lở nhưng chỉ mang tính tạm thời


“Năm 2014, bờ sông bị sạt lở 2 lần, gây thiệt hại hơn 20ha lúa đang làm đòng; năm 2015, bị sạt lở 3 lần, gây thiệt hại hơn 15ha lúa mạ; từ đầu năm 2016 đến nay, bờ sông này cũng 3 lần bị sạt lở, gây thiệt hại khoảng 15ha lúa mới xuống giống 1 tháng. Bên cạnh đó, hàng chục héc-ta ao, đìa nuôi tôm ở khu vực giáp biển cũng thường xuyên bị ngập nước, làm thiệt hại hàng tỷ đồng. Đặc biệt hơn, hàng chục hộ sống giáp bờ sông cũng đang sống trong cảnh lo lắng sạt lở, sập nhà”, ông Hùng cho biết.


Hàng năm, chính quyền địa phương đều trích kinh phí và vận động người dân đóng góp tiền, công sức gia cố lại những đoạn bờ sông bị sạt lở. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên việc tu sửa chỉ mang tính đối phó tạm thời. Ông Lê Văn Hải - người dân thôn Hải Triều cho biết: “Bờ sông còn nhỏ hơn bờ ruộng thì làm sao ngăn nỗi nước lũ. Năm nào cũng vậy, hễ lũ về là bờ sông lại bị lở. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư xây tuyến kè bờ sông kiên cố để người dân đỡ vất vả”.


Không chỉ vậy, đập Hải Triều được xây dựng từ năm 1970 đến nay cũng đã bị xuống cấp. Nhiều vị trí của đập, kết cấu bê tông đã bị bong, tróc lòi cốt thép bên trong. Bên cạnh đó, thiết kế của đập đã không còn phù hợp với địa hình đồng ruộng hiện nay. Do đó, gây khó khăn cho quá trình ngăn dòng để dẫn nước vào đồng ruộng, phục vụ tưới tiêu, sản xuất. Vì đập quá thấp, nhiều vị trí đồng ruộng cao không thể đưa nước tới nơi nên nhiều diện tích đất lúa, rau màu của người dân phải bỏ hoang...


Đang xin vốn


Theo ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh, thôn Hải Triều nằm dọc theo bờ sông Tô Giang, giáp cửa biển nên chịu nhiều ảnh hưởng của cả nước lũ thượng nguồn đổ về và hiện tượng thủy triều dâng. Hàng năm, vào mùa mưa lũ, khu dân cư thôn Hải Triều và cánh đồng lúa rộng hơn 30ha, hàng chục héc-ta ao đìa nuôi tôm của người dân nơi đây liên tục bị ngập lụt, gây thiệt hại nặng nề cho người dân. Do nhiều năm chưa được gia cố, mái bờ sông bị xói lở ăn sâu vào đồng ruộng, khu dân cư, làm thu hẹp diện tích đất sản xuất, gây đổ cây cối. Đời sống, nhà cửa của nhiều hộ sống gần bờ sông đang bị đe dọa trước tình trạng xói lở.


Cuối tháng 10-2016, UBND huyện Vạn Ninh đã báo cáo UBND tỉnh và các sở, ngành xem xét lập dự án, hỗ trợ kinh phí xây dựng kè bờ sông Tô Giang. Theo tính toán ban đầu, UBND huyện Vạn Ninh đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ hơn 15,9 tỷ đồng để xây kè. “Việc đầu tư xây dựng kè sông để ổn định đời sống người dân vùng cửa biển thôn Hải Triều là rất cần thiết và cấp bách. Dự án được đầu tư xây dựng sẽ chấm dứt tình trạng sạt lở, xói mòn bờ sông, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân. Đó cũng là nguyện vọng thiết tha, chính đáng của hàng trăm hộ nơi đây. Đồng thời, góp phần tạo đà phát triển kinh tế - xã hội địa phương”, ông Phẩm cho biết.


VĂN GIANG - NAM ANH
I