Đề tài "Bảo tồn 4 loài cây đặc hữu, quý hiếm gồm: chai lá cong, sao lá tim, dầu Côn Đảo và gõ biển tại bán đảo Cam Ranh" do Ban Quản lý rừng phòng hộ Cam Lâm thực hiện góp phần bảo tồn và phát triển các loài cây này trước nguy cơ tuyệt diệt.
Đề tài “Bảo tồn 4 loài cây đặc hữu, quý hiếm gồm: chai lá cong, sao lá tim, dầu Côn Đảo và gõ biển tại bán đảo Cam Ranh” do Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Cam Lâm thực hiện góp phần bảo tồn và phát triển các loài cây này trước nguy cơ tuyệt diệt.
Nguy cơ biến mất
Kỹ sư Nguyễn Phước Bảo Cảnh - Trưởng bộ phận kỹ thuật BQLRPH Cam Lâm, chủ nhiệm đề tài cho biết, việc bảo tồn và phát triển 4 loài cây này trở nên cấp thiết do tình trạng chặt phá rừng bừa bãi nhiều năm qua đã thu hẹp phạm vi phân bố của các loài cây đặc hữu, quý hiếm. Bên cạnh đó, sự phát triển các khu dân cư và các dự án đã chia cắt và làm suy giảm hệ sinh thái, ảnh hưởng đến sự tồn tại của các loài này.
Chai lá cong (Shorea falcata J.E.Vidal, có tên khác là Chai lá phảng hoặc Sưng) là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố rất hẹp, chủ yếu tại bán đảo Cam Ranh, ngoài ra còn có ở tỉnh Phú Yên. Hiện nay, quần thể này chỉ tìm thấy ở Khánh Hòa. Đây là loài cây gỗ lớn, cứng, đường kính gốc đến 1m, thích hợp cho xây dựng và đóng tàu, thích nghi điều kiện khô hạn và đất cát. Do bị tàn phá nên mật độ còn rất thưa thớt, phần lớn là cây chồi. Cây được xếp vào mức độ bảo tồn rất nguy cấp theo Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Các loại cây đặc hữu được nuôi dưỡng trong vườn ươm |
Sao lá tim (Hopea cordata J.E.Vidal) chỉ còn phân bố tại bán đảo Cam Ranh, rải rác dạng cây gỗ nhỏ ở xã Cam Hải Đông. Gỗ Sao lá tim rất cứng và nặng, thích hợp cho xây dựng. Đây là loài có khả năng sống ở vùng đất cát khô cằn, nhưng sinh trưởng rất chậm; được xếp vào mức độ bảo tồn rất nguy cấp theo Danh lục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Gõ biển (Sindora maritima Pierre) phân bố rải rác ở một số tỉnh miền Trung, thích nghi với đất cát ven biển. Cây lớn, đường kính khoảng 0,8m, gỗ cứng tốt, lõi màu nâu sậm, nhóm I, sử dụng đóng đồ gia dụng, mộc mỹ nghệ. Tuy được xếp mức độ ít nguy cấp nhưng loại cây này rất cần được bảo tồn vì thu hẹp vùng phân bố.
Dầu Côn Đảo (Dipterocarpus condorensis Pierre, tên khác là Dầu cát) là loài đặc hữu của Việt Nam, phân bố chính ở Côn Đảo. Ngoài ra, quần thể còn mọc rải rác dọc bờ biển từ tỉnh Bình Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu, song đã bị tàn phá mạnh, chỉ còn lại những mảnh rừng nhỏ. Tại Khánh Hòa, chỉ tìm thấy ở thị trấn Cam Đức (huyện Cam Lâm) khoảng 30 cá thể, phạm vi 1.000m2. Thân cây cung cấp nhựa để trét ghe, gỗ được dùng trong xây dựng. Cây chịu hạn tốt, mọc tự nhiên trên đất cát, khả năng tái sinh hạt tốt. Loài này cần nhanh chóng được bảo tồn vì nguồn giống rất hạn chế.
Bảo tồn thành công
Đề tài được thực hiện từ tháng 8-2013 đến tháng 12-2016, tổng kinh phí gần 722 triệu đồng, với các mục tiêu: đánh giá tình trạng phân bố của 4 loài cây rừng đặc hữu, quý hiếm tại bán đảo Cam Ranh; thực hiện các giải pháp bảo tồn đối với 4 loài trên, góp phần bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học rừng Khánh Hòa. |
Đề tài tiến hành triển khai các nội dung: điều tra tình trạng phân bố; nhân giống, gây trồng; xây dựng chương trình bảo tồn. Để điều tra và đánh giá tình hình phân bố, các cán bộ của BQLRPH Cam Lâm đã phải tiến hành điều tra, mở các tuyến đường ngoại nghiệp, điều tra cấu trúc rừng trong ô tiêu chuẩn (200m2/ô), định vị và khoanh vẽ bản đồ phân bố. Việc nhân giống và gây trồng, thu gom hạt giống, tiến hành trồng rừng thực hiện trên 6ha, mật độ 500 cây/ha… Kết quả, nhóm thực hiện đề tài đã điều tra sơ thám 520ha, lập tuyến điều tra 20km, lập 20 ô tiêu chuẩn, xây dựng bản đồ phân bố, thu hái quả, hạt, hom, giống 4.000 cây/4 loài, nuôi dưỡng trong vườn ươm 18 tháng, trồng và chăm sóc 6ha rừng, nhân giống 3.000 cây/4 loài, lập 4 báo cáo chuyên đề và báo cáo tổng kết nhiệm vụ.
Kỹ sư Cảnh cho hay, quá trình thực hiện đề tài gặp nhiều khó khăn như: vùng phân bố nằm trong khu quân sự thuộc Vùng 4 Hải quân nên việc đi lại mất nhiều thời gian, thủ tục; vùng phân bố ngày càng thu hẹp nên thiếu cây mẹ đủ điều kiện để thực hiện việc chọn giống, nhân giống. Sau thời gian nhân giống, các loài cây bảo tồn được trồng trên Đại lộ Nguyễn Tất Thành và Trường Trung cấp Nghề Cam Lâm.
Ông Mai Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu cho biết: đề tài bảo tồn 4 loài đặc hữu tại bán đảo Cam Ranh có ý nghĩa thực tiễn; đã bám sát mục tiêu, phương pháp thực hiện, bảo đảm kỹ thuật chuyên ngành, sản phẩm cũng như tiến độ thực hiện. Đề tài được xếp loại khá, có khả năng nhân rộng. UBND tỉnh cũng đã phê duyệt kết quả nghiệm thu đề tài và giao các sở, ngành triển khai công tác quản lý, ứng dụng, tiếp tục bảo tồn 4 loài cây đặc hữu của địa phương.
V.L