Những năm qua, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Qua đó, từng bước đưa công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này vào nề nếp.
Những năm qua, Chi cục Thuế TP. Nha Trang đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh du lịch. Qua đó, từng bước đưa công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này vào nề nếp.
Ông Phạm Hoài Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP. Nha Trang cho biết, thời gian qua, chi cục đã rà soát các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh, việc chấp hành kê khai, nộp thuế của các DN và xử lý nghiêm các trường hợp trốn tránh nộp thuế. Bên cạnh đó, chủ động phối hợp với các ngành chức năng nắm bắt thông tin liên quan đến các DN hoạt động kinh doanh lữ hành để quản lý chặt chẽ hơn; yêu cầu các DN kê khai doanh thu và chi phí đúng tình hình kinh doanh thực tế. Chi cục còn đề nghị Ban Quản lý vịnh Nha Trang và Hiệp hội Du lịch Khánh Hòa cung cấp thông tin tàu thuyền xuất bến chi tiết hàng ngày tại bến đò Cầu Đá (phường Vĩnh Nguyên). Qua đó, đối chiếu số liệu DN đã giải trình để phát hiện các trường hợp kê khai không đủ doanh thu, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại DN. Nhờ vậy, kết quả thu được rất khả quan. Từ năm 2014 đến 10 tháng năm 2016, chi cục kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế 18 DN với tổng số thuế truy thu và phạt hơn 1,8 tỷ đồng.
Du khách tham quan tại khu phố đi bộ (TP. Nha Trang) |
Cùng với đó, Chi cục Thuế đã phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra các DN có yếu tố người nước ngoài kinh doanh trái phép. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử lý 2 DN với tổng số tiền phạt hơn 29 triệu đồng. Công tác quản lý, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế đối với các DN kinh doanh ăn uống cũng đạt kết quả đáng khích lệ. Từ năm 2014 đến 10-2016, Chi cục Thuế kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế tại 56 DN với tổng số thuế truy thu và phạt hơn 6,2 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, mức độ rủi ro về tuân thủ pháp luật của DN hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch rất cao. Hầu hết các DN có quy mô nhỏ, không có bộ phận kế toán chuyên nghiệp, chưa tự giác kê khai đủ doanh thu phát sinh thực tế. Các DN thường khai sai các khoản chi phí, bỏ bớt một phần doanh thu bán hàng hóa dịch vụ nhằm trốn thuế…
Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú cũng được Chi cục Thuế quản lý ngày càng sát sao. Thời gian qua, chi cục đã yêu cầu các DN trên địa bàn thực hiện nghiêm việc đăng ký giá, niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết. Đồng thời, yêu cầu các DN thực hiện kê khai lưu trú trên trang web quản lý khách sạn của Cục Thuế tỉnh. Hàng năm, đơn vị còn xây dựng kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh lưu trú nhân dịp lễ, Tết và cao điểm mùa du lịch; kiểm tra đột xuất tình hình kê khai lưu trú, đăng ký, niêm yết và bán đúng giá niêm yết của DN. “Qua kiểm tra, các DN đã nhận thức và tự điều chỉnh tăng giá, dẫn đến gia tăng doanh thu kê khai trên sổ sách kế toán. Điều này tạo sự công bằng, cạnh tranh lành mạnh giữa các DN hoạt động cùng ngành nghề kinh doanh dịch vụ lưu trú. Mặt khác, chi cục còn phối hợp với cơ quan công an để lấy dữ liệu trên web lưu trú công an, đối chiếu với dữ liệu kê khai lưu trú của Cục Thuế tỉnh. Qua đó, phát hiện DN kê khai không đủ lượt phòng lưu trú hoặc doanh thu không đúng với giá bán dịch vụ đã đăng ký với Sở Tài chính và cơ quan thuế”, ông Phạm Hoài Trung cho biết.
Một số giải pháp hữu hiệu khác trong công tác kiểm tra khách sạn cũng được Chi cục Thuế triển khai như: đối chiếu sổ sơ đồ phòng với hóa đơn để xác định phòng chưa lập hóa đơn; phối hợp với các ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản giao dịch của các DN; đối chiếu sổ đăng ký công an với sổ sơ đồ phòng để xác định lượng khách/phòng để truy thu và phạt phần doanh thu trốn thuế… Từ năm 2014 đến 10-2016, chi cục đã kiểm tra 135 DN kinh doanh dịch vụ lưu trú với tổng số thuế truy thu và phạt hơn 13,6 tỷ đồng.
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với lĩnh vực dịch vụ du lịch, bên cạnh nỗ lực của cơ quan thuế, thời gian tới, nên chăng Sở Kế hoạch và Đầu tư cần có điều kiện riêng khi cấp giấy phép cho các DN kinh doanh có yếu tố nước ngoài. Sở Tài chính khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá cần yêu cầu DN thuyết minh cơ cấu giá thành, tránh tình trạng DN xây dựng giá bán dịch vụ thấp bất hợp lý so với mặt bằng kinh doanh chung. Song song đó, các ngân hàng rà soát hoạt động thanh toán, chuyển tiền vào tài khoản ở ngoài lãnh thổ Việt Nam cho người bán hàng là người nước ngoài và kịp thời chuyển thông tin cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Các cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm...
NGUYỄN KIM