11:11, 27/11/2016

Bất cập ở các khu tái định cư

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh Khánh Hòa khi bố trí tái định cư cho người dân là nơi ở mới phải có điều kiện tốt hơn hoặc ít nhất cũng bằng nơi ở cũ.

Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh Khánh Hòa khi bố trí tái định cư (TĐC) cho người dân là nơi ở mới phải có điều kiện tốt hơn hoặc ít nhất cũng bằng nơi ở cũ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều bất cập xung quanh các khu TĐC khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.


Kỳ 1: Nỗi lo hạ tầng


Với nhiều người, các khu TĐC là vùng đất khó, bởi cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, an ninh chưa đảm bảo. Vì vậy, ở một số khu tái định cư (TĐC) hiện nay, các hộ dân đến nhận đất, làm nhà vẫn chưa nhiều.

 
Hạ tầng chưa hoàn thiện


Ai đã từng đến khu TĐC hầm đường bộ đèo Cả (thôn Tây Bắc 2, xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh) đều phải lắc đầu ngán ngẩm, bởi đập vào mắt là hình ảnh một công trường ngổn ngang đất đá, nhiều khu vực trũng đọng nước. Đường giao thông nội bộ, hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt… vẫn chưa hoàn thiện. Ông Đặng Văn Bình ở khu TĐC này kể: “Gia đình tôi về đây ở từ tháng 2-2015, nhưng đến nay mới có nước sinh hoạt. Tuy nhiên, nguồn nước rất bẩn không thể sử dụng được. Tôi phải mua nước của một hộ trong khu TĐC kéo nước từ trên núi về bán. Không chỉ vậy, hệ thống đường, vỉa hè, cây xanh… đơn vị thi công vẫn chưa làm xong, gây khó khăn cho việc đi lại”. Một thực trạng cũng khiến nhiều hộ nơi đây bức xúc là nhà mới xây chưa lâu đã bị nứt dọc, nứt ngang. Ông Nguyễn Tấn Hoàng cho biết: “Nhà tôi vừa xây xong thì bị nứt hết chỗ này đến chỗ khác mặc dù tôi đã giằng móng rất kỹ. Nguyên nhân trước đây khu vực này là đất ruộng, khi san lấp mặt bằng, đơn vị thi công đã không làm chắc chắn, chân đất quá yếu khiến cho nền móng bị lún sụt, gây nứt nhà”.

 

Cơ sở hạ tầng ở Khu tái định cư hầm đường bộ đèo Cả còn khá ngổn ngang
Cơ sở hạ tầng ở Khu tái định cư hầm đường bộ đèo Cả còn khá ngổn ngang


Ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết: Khu TĐC hầm đường bộ đèo Cả có diện tích 15ha, phân làm 312 lô, đáp ứng nhu cầu cho gần 200 hộ bị giải tỏa. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có 50 hộ về xây nhà ở bởi cơ sở hạ tầng ở đây còn khá ngổn ngang. Xã đã nhận hàng trăm đơn thư, kiến nghị của người dân và cũng đã báo cáo sự việc cho lãnh đạo huyện. Đồng thời, đề nghị chủ đầu tư, đơn vị thi công sớm hoàn thiện khu TĐC cho người dân, nhưng đến nay mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết, gây bức xúc trong dư luận.   


Ở 2 thôn Cổ Mã và Ninh Mã (xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh) hiện nay có 3 khu TĐC là: Ruộng Dỡ Trong, Cây Sanh và Tư Ích, đến nay mới chỉ có 3 hộ đến ở tại khu TĐC Ruộng Dỡ Trong. Phần lớn diện tích còn lại cỏ dại mọc um tùm, trở thành địa điểm lý tưởng để người dân địa phương chăn thả gia súc. Được biết, 3 khu TĐC này được triển khai xây dựng mặt bằng vào khoảng năm 2011 rồi bỏ hoang, lãng phí đến nay. Quan sát ở khu TĐC Ruộng Dỡ Trong đã có đường bê tông nhưng lại không có đường nhánh đi ra quốc lộ nên 3 hộ ở đây không có lối đi. Bà Nguyễn Thị Thuyết, 1 trong 3 hộ ở khu TĐC Ruộng Dỡ Trong cho biết: “Đồng tình với chủ trương của Nhà nước, tôi đã bàn giao hơn 170m2 đất, nhà ở rồi về khu TĐC này xây nhà hết 100 triệu đồng. Những tưởng về đây cuộc sống sẽ thay đổi, tốt hơn nơi cũ, ai ngờ nước thì bị nhiễm phèn, điện mãi đến đầu năm 2016 mới có, cuộc sống thiếu thốn đủ bề”.

 

Đường vào Khu tái định cư Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp lầy lội
Đường vào Khu tái định cư Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp lầy lội


Ông Huỳnh Ngọc Liêm - Chủ tịch UBND xã Vạn Thọ cho biết, trước đây, 3 khu vực này của xã được UBND huyện cho phép xây dựng nhằm tạo quỹ đất, tạo kinh phí cho xã đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Theo đó, khu TĐC Ruộng Dỡ Trong rộng gần 4.000m2 chia thành 35 lô; Cây Sanh rộng hơn 2.500m2 với 18 lô; Tư Ích rộng hơn 5.300m2 với 38 lô. Khi triển khai xây dựng hầm Cổ Mã và nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, nhiều hộ đã phải nhường đất, nhà cho dự án. Do tính chất cấp bách của dự án nên xã buộc phải chuyển 3 khu đất trên thành khu TĐC cho 26 hộ bị ảnh hưởng, nhưng đến nay, do hạ tầng chưa đồng bộ nên mới chỉ có 3 hộ đến ở”.


Hạ tầng trong khu TĐC Vĩnh Trung - Vĩnh Hiệp (xã Vĩnh Hiệp, TP. Nha Trang) cũng là vấn đề khiến người dân lo lắng. Năm ngoái, hàng chục hộ mới chuyển đến khu TĐC này bị một phen hốt hoảng do có nhà mới xây xong thì bỗng nhiên nứt toác, nền lún sâu, có nguy cơ sập. Nguyên nhân trước đây khu vực này là đất ruộng, đơn vị thi công tiến hành đổ đất nền trong thời gian 4 tháng, rồi bàn giao mặt bằng cho người dân nên nền đất chưa ổn định.

 

An ninh chưa đảm bảo


Không như các khu TĐC trên, 2 khu TĐC Ninh Thủy và Xóm Quán (thị xã Ninh Hòa) được đầu tư xây dựng bài bản về cơ sở hạ tầng để phục vụ TĐC Dự án Trung tâm Điện lực Vân Phong I và một số dự án khác. Thế nhưng, đến thời điểm này, mới chỉ có vài hộ chuyển về khu TĐC Ninh Thủy xây dựng nhà ở. Nhà bà Kiều Thị Phong và ông Trần Văn Theo được xây dựng mới khang trang nhưng nằm lẻ loi giữa khu TĐC Ninh Thủy rộng lớn. Bà Phong cho biết, gia đình bà nhận được 520 triệu đồng tiền đền bù, do nhà có 8 khẩu nên khi về đây được ưu tiên mua 2 lô đất và 1 lô trồng hoa màu. “Hơn một năm ở đây, nhà tôi mất trộm 4 - 5 lần. Có đêm thấy trộm dùng điện thoại soi đèn bắt gà mà không dám ra vì sợ bị đánh. Khu TĐC này rất đẹp, cơ sở hạ tầng khá tốt, nhưng quá ít người ở nên tình hình an ninh trật tự không đảm bảo, chúng tôi rất bất an”, ông Theo bày tỏ.

 

Băng qua 4 tuyến đường nội bộ trong khu TĐC Ninh Thủy, chúng tôi gặp vợ chồng ông Trần Văn Hương đang phơi lúa thuê do những người ở xã khác mang tới. Từ ngày chuyển về khu TĐC, gia đình ông không dám đi làm xa. “Nhà tôi có nuôi một con bò và đàn gà. Nếu tôi đi làm thuê thì vợ phải ở nhà trông coi vì cứ vắng người là mất trộm. Cả khu TĐC rộng lớn thế này mà chỉ có vài nóc nhà, khi động chuyện chẳng biết kêu ai. Không chỉ vậy, hàng ngày, con tôi vẫn phải đạp xe hơn 5km để đi học, trong khi trường tiểu học khang trang sát hông nhà, nhưng không có ai dạy. Nếu biết mất an ninh, khó khăn thế này chắc tôi chưa vội về đây!”, ông Hương ngán ngẩm.

 

Nhiều chỗ ở Khu tái định cư  đèo Cả nước đọng thành ao
Nhiều chỗ ở Khu tái định cư đèo Cả nước đọng thành ao


Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Luôn - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết: “Khu TĐC Ninh Thủy hiện nay chỉ có 7 hộ sinh sống, trong đó chỉ có 2 cháu nhỏ đang học cấp 1 nên địa phương không thể bố trí giáo viên dạy riêng được. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành quan tâm hơn đến tình hình an ninh trật tự ở đây để người dân yên tâm sinh sống. Bên cạnh đó, khu TĐC này cần phải có chợ, trạm y tế để thu hút người dân đến sinh sống”.


Cùng cảnh ngộ với 7 hộ ở khu TĐC Ninh Thủy, 20 hộ ở khu TĐC hầm đường bộ đèo Cả cũng ăn ngủ không yên bởi tình trạng mất an ninh ở đây. Ông Đặng Văn Bình cho biết: “Ở đây trộm cắp như rươi, nuôi con gà, con vịt cũng chẳng giữ được. Không những vậy, các đối tượng nghiện hút thường xuyên đến đây chích hút rồi vứt bừa bãi kim tiêm xung quanh khu TĐC”. Lãnh đạo xã Đại Lãnh giải thích: “Quản lý về mặt hành chính ở khu TĐC hầm đường bộ đèo Cả đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế, gây khó khăn cho người dân. Chỉ khi nào Ban quản lý dự án hầm đường bộ đèo Cả hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các thủ tục bàn giao lại cho địa phương quản lý thì khi đó xã mới thành lập tổ an ninh trật tự để giải quyết những vấn đề phát sinh trong khu TĐC; còn hiện nay, an ninh trật tự, người dân tự bảo đảm, chỉ trừ những vấn đề lớn xã mới đứng ra giải quyết”.


Người dân Khu TĐC Đất Lành (TP. Nha Trang) cũng đang canh cánh nỗi lo mất an ninh. Ông Trương Quang Hoàng (người dân ở khu TĐC) phàn nàn: “Do nằm khá tách biệt và xa trung tâm xã Vĩnh Thái nên tình hình an ninh ở đây không được đảm bảo. Nạn trộm cắp và chạy xe tốc độ cao thường xuyên diễn ra. Chúng tôi không yên tâm khóa cửa đi làm xa”.


Rõ ràng, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, cộng với nỗi lo về an ninh trật tự chưa đảm bảo nên người dân không muốn đến ở các khu TĐC là điều dễ hiểu.


Nhóm PV

 


Kỳ 2: Khó chuyện sinh kế