Từ sáng sớm 21-10, những người cựu binh "tàu không số", những người ở đơn vị bến năm xưa đã có mặt ở xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) tham dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Năm xưa, họ đi mở đường khi mái tóc còn xanh, nay mái đầu đã bạc trắng.
Từ sáng sớm 21-10, những người cựu binh “tàu không số”, những người ở đơn vị bến năm xưa đã có mặt ở xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) tham dự lễ kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Năm xưa, họ đi mở đường khi mái tóc còn xanh, nay mái đầu đã bạc trắng. Thời gian có thể làm đổi thay tất cả, nhưng ký ức về đường Hồ Chí Minh trên biển, về tình cảm quân dân vẫn còn vẹn nguyên.
Ông Lê Đình Kiến - Nguyên Chỉ huy Bến K67 (Hòn Hèo - Ninh Vân) gặp lại những người một thời che chở |
Trung tá Lê Đình Kiến - nguyên chỉ huy bến K67 (bến Hòn Hèo) rưng rưng nước mắt khi được về lại mảnh đất mà ông từng gắn bó một thời. Sau chiến tranh, ông Kiến tiếp tục cuộc chiến chống Fulro ở Tây Nguyên, rồi về lại quê nhà ở Đà Nẵng nên chẳng mấy khi có dịp trở lại Ninh Vân. Người lính già xúc động, run run đặt tay lên vai bà Võ Thị Phải - một trong số ít người dân đã kiên gan bám trụ ở Ninh Vân, giúp đỡ, tiếp tế cho lực lượng cách mạng ngày ấy. “Nếu không có bà con đùm bọc, chúng tôi sẽ không thể nào hoàn thành nhiệm vụ gian khó của mình. Chúng tôi không bao giờ quên họ”, ông Kiến nói.
Ông Nguyễn Bá Cường - y tá ở Trạm y tế Hòn Hèo, khi xảy ra sự kiện tàu C235 cũng có mặt. Ngày đó, chính tay ông và đồng đội đã chăm sóc 5 chiến sĩ tàu C235 còn sống sót sau trận chiến ở bến Hòn Hèo. Hôm nay, cùng đi với ông còn có ông Lê Duy Mai (74 tuổi, hiện nay sống ở Thanh Hóa) - chiến sĩ tàu C235 ngày ấy. Nhắc lại chuyện xưa, ông Mai xúc động: “Gần 50 năm đã qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những giờ phút cuối cùng của chuyến tàu lịch sử vào bến Hòn Hèo. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và các đồng đội đã chiến đấu cảm tử, dành cho chúng tôi con đường sống. Sự hy sinh của các anh rất đau thương nhưng cũng đầy oanh liệt, mãi mãi là niềm tự hào của những người lính “tàu không số”. Năm tháng đã lùi xa, nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn của những người lính tàu không số, kỷ niệm về một thời hoa lửa vẫn còn nguyên và mỗi khi có dịp lại hiện về như mới ngày hôm qua.
Ông Lê Duy Mai thả hoa tưởng nhớ đồng đội hy sinh ở vùng biển Hòn Hèo |
Trong dòng người về dự lễ, chúng tôi đã gặp em gái và 2 người con của liệt sĩ Doãn Quang Ruyện vừa từ quê nhà Thái Bình vào. Lần đầu tiên đến nơi liệt sĩ Doãn Quang Ruyện và đồng đội hy sinh, họ đã không cầm được nước mắt. Bà Doãn Thị Mai (em gái liệt sĩ) cho biết: “Phải sau 2 năm, gia đình tôi mới nhận được giấy báo tử của anh Ruyện. Ngày ấy, giấy báo tử chỉ ghi chung chung là “hy sinh ở mặt trận phía Nam” nên gia đình tôi không biết nơi anh mất cụ thể ở đâu. Mãi sau này, chúng tôi mới biết anh hy sinh tại bến Hòn Hèo, xã Ninh Vân. Lâu nay, chúng tôi luôn mong mỏi được đến nơi anh tôi đã nằm xuống, nay nguyện ước ấy mới thành hiện thực”. Thắp hương viếng người cha thân yêu và các đồng đội của cha, anh Doãn Quang Hùng và cô em gái Doãn Thị Thu nước mắt lưng tròng. Ngày bố mất, anh Hùng mới 8 tuổi nhưng cũng đã cảm nhận được nỗi đau mất mát. “Chúng tôi rất cảm ơn người dân Ninh Vân bao năm qua đã chăm lo hương khói cho bố tôi; cảm ơn lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư xây dựng khu tưởng niệm rất khang trang, tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể”, anh Hùng bày tỏ.
Bà Doãn Thị Mai và cháu gái nghẹn ngào trong lễ thả hoa tưởng niệm trên biển |
Sau lễ dâng hương, dâng hoa, chúng tôi theo chân các đại biểu thả hoa tưởng nhớ anh hùng, liệt sĩ tàu C235 tại vùng biển Hòn Hèo. Sự kiện hào hùng và bi tráng của tàu C235 dù đã nghe nhiều lần nhưng không hiểu sao trong giây phút thiêng liêng khi lãnh đạo Học viện Hải quân đọc lời tưởng niệm “các anh mãi mãi nằm lại với biển quê hương…”, chúng tôi vẫn xúc động lạ kỳ. Chị Thu và bà Mai ra sát mép tàu thả hoa xuống biển mà nước mắt cứ lăn dài trên má. Giữa biển xanh bao la, vòng hoa tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh vì nước cứ dập dềnh quyến luyến như không muốn rời xa.
Từ trên tàu nhìn về đất liền, xã Ninh Vân rực lên trong nắng với những mái ngói đỏ tươi. Phía xa, khu tưởng niệm di tích lịch sử tàu C235 hướng ra biển. Chính sự hy sinh của liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh và đồng đội đã góp phần làm nên cuộc sống thanh bình hôm nay.
XUÂN THÀNH - MẠNH HÙNG