08:10, 27/10/2016

Xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị triển khai xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai tại TP. Nha Trang, nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sóng thần và thiên tai gây ra.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) vừa tổ chức hội nghị triển khai xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai tại TP. Nha Trang, nhằm chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sóng thần và thiên tai gây ra.


Mục tiêu xây dựng hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai là đảm bảo thông tin nhanh nhất, kịp thời, chính thống thông qua hệ thống các trạm trực canh và tin nhắn điện thoại di động, góp phần chủ động phòng tránh thiên tai cho mọi tầng lớp nhân dân; nâng cao năng lực của hệ thống chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai; đồng thời giảm chi phí đầu tư thông qua việc kết hợp với cơ sở hạ tầng hiện có. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã quy hoạch hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai dọc bờ biển 13 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu.


Theo quy hoạch, hệ thống trực canh cảnh báo sóng thần cả nước có 532 trạm đặt dọc ven biển, cửa sông các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bà Rịa - Vũng Tàu, gồm: 36 trạm loại 1, 125 trạm loại 2, 115 trạm loại 3, 256 trạm loại 4. Khánh Hòa có 82 trạm, gồm 6 trạm loại 1, 19 trạm loại 2, 15  trạm loại 3 và 42 trạm loại 4. Từ quy hoạch mạng lưới trạm, tỉnh Khánh Hòa đề nghị xem xét, lắp đặt thêm 1 trạm nữa tại thôn Bình Hưng (xã Cam Bình, TP. Cam Ranh), nâng tổng số trạm trực canh tại Khánh Hòa lên 83 trạm.


Tổng vốn đầu tư hệ thống trực canh cảnh báo thiên tai cả nước hơn 294 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 50 tỷ đồng, thiết bị hơn 196 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và xã hội hóa. Dự án thực hiện 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí hơn 181 tỷ đồng (vốn ngân sách hơn 173 tỷ đồng); giai đoạn 2 (sau năm 2020) 113 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách xấp xỉ 103 tỷ đồng.


V.L