Trường Đại học Nha Trang (ĐHNT) đã và đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) nhằm nâng cao hiệu quả thực hành, thực tập của sinh viên (SV) nói riêng và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung.
Trường Đại học Nha Trang (ĐHNT) đã và đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp (DN) nhằm nâng cao hiệu quả thực hành, thực tập của sinh viên (SV) nói riêng và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường nói chung.
Còn bất cập
Thực tập là một khâu quan trọng trong quá trình học, giúp SV có cơ hội vận dụng những kiến thức đã học vào thực tế cũng như làm quen với môi trường làm việc trước khi ra trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là hiệu quả của hoạt động này còn hạn chế. T.Q.A, cựu SV ngành Kế toán, Trường ĐHNT cho biết: “Trong đợt thực tập kéo dài 1 tháng ở một công ty tại Nha Trang, em chỉ lên công ty vài lần. Vì không được tiếp cận các giấy tờ, sổ sách của công ty nên đến hết đợt thực tập, em phải sao chép tài liệu trên mạng và tự “sáng tác” thêm để hoàn thành báo cáo. Em hầu như không thu lượm được kiến thức gì từ đợt thực tập”. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều SV khác khi đến các cơ quan, DN thực tập.
Sinh viên Trường Đại học Nha Trang trao đổi với nhà tuyển dụng |
PGS.TS Trang Sĩ Trung - Hiệu trưởng Trường ĐHNT cho biết, nhà trường định kỳ tổ chức cho SV thực tập tại các cơ sở sản xuất, cơ quan, DN để tiếp cận thực tế và có định hướng, chuẩn bị tốt hơn khi ra trường. Việc tổ chức thực tập thực hiện theo hai cách: một là, khoa, viện, giảng viên… có mối quan hệ với cơ quan, DN cử SV đến thực tập; hai là SV tự liên hệ với cơ quan, DN và nhà trường viết giấy giới thiệu đến thực tập. Tuy nhiên, có nhiều cơ quan, DN ngại nhận SV thực tập vì sợ ảnh hưởng đến hoạt động của họ. Có nơi chỉ tiếp nhận SV ở một số khâu đơn giản, thời gian ít nên SV không có nhiều cơ hội rèn luyện kỹ năng. Trong khi đó, nhà trường và DN chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo; xây dựng nội dung thực hành, thực tập; tổ chức quá trình thực tập. Công tác giám sát chất lượng thực tập của SV cũng còn hạn chế. Mặt khác, việc hỗ trợ SV thực hành, thực tập chủ yếu xuất phát từ thiện chí của DN, còn nhà trường chưa có chế độ thỏa đáng cho cán bộ ở cơ quan, DN tham gia hướng dẫn SV. Ở tầm vĩ mô, Nhà nước cũng chưa có chính sách cụ thể để khuyến khích DN hỗ trợ các cơ sở trong đào tạo thực hành, thực tập… Đây là những nguyên nhân khiến hoạt động thực tập của SV chưa đạt hiệu quả như mong đợi.
Theo ông Đinh Viết Thuận - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, công ty rất quan tâm tới những SV thực tập và tạo điều kiện để những em có năng lực thực sự được giữ lại làm việc. Tuy nhiên, thực tế hiện nay là đa số SV thực tập không có giảng viên đi cùng nên chưa có sự thống nhất với DN về nội dung, phương hướng thực tập. Trong khi đó, giữa lý thuyết của nhà trường và thực tiễn ở công ty có nhiều khác biệt, nếu không có sự phối hợp nhịp nhàng, trong quá trình thực tập SV sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Tăng cường hợp tác
Được biết, để hỗ trợ SV có điều kiện, môi trường thực tập tốt hơn, thời gian gần đây, Trường ĐHNT đã triển khai hợp tác với một số cơ quan, DN như: Công ty TNHH Long Sinh, Công ty Cổ phần Á Châu, Công ty TNHH Hải Tiến, Công ty Cổ phần Việt Nam Food… Theo đó, DN chủ động thiết kế các chương trình thực tập, tập sự, có chế độ, thù lao giúp SV trang trải một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian thực tập, hoặc tuyển dụng SV ngay từ khi thực tập. Nhà trường cũng có một số hợp tác thiết thực với các đơn vị trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, thương mại hóa sản phẩm, mời chuyên gia từ DN tham gia xây dựng, cập nhật chương trình đào tạo, giảng dạy một số chuyên đề thực tế cho SV, học viên cao học...
Theo định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian tới, Trường ĐHNT sẽ phát triển một số chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng - nghề nghiệp (POHE), theo đó có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo và DN, tạo cơ hội cho người học hình thành năng lực nghề nghiệp đáp ứng ngay yêu cầu của DN sau khi ra trường. Nhà trường cũng đang xúc tiến hình thành bộ phận quan hệ DN để đẩy mạnh hợp tác này.
Vừa qua, tại cuộc họp với các đơn vị liên quan về vấn đề hỗ trợ SV thực tập ngoài nhà trường, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo một số sở, ngành liên quan và các đơn vị gồm: Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Yến sào Khánh Hòa, Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco), Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong phối hợp, hỗ trợ Trường ĐHNT để nâng cao hiệu quả của hoạt động này. PGS.TS Trang Sĩ Trung cho biết, chỉ đạo của tỉnh là căn cứ, điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sự hợp tác giữa DN và nhà trường trên cơ sở phát huy lợi ích lâu dài của các bên. Hai bên có thể hợp tác trong việc DN tạo điều kiện cho SV tiếp cận các hoạt động thực tiễn; ngược lại, nhà trường tạo điều kiện cho các chuyên gia của DN được trang bị, cập nhật các kiến thức mới…
H. NGÂN