10:10, 21/10/2016

Kỳ 2: Khúc tráng ca trên biển Hòn Hèo

Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận hải chiến trên biển Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) của tàu C235 ngày 1-3-1968 là một trong những trang sử bi tráng.

Kỳ 2: Khúc tráng ca trên biển Hòn Hèo

 

Trong lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, trận hải chiến trên biển Hòn Hèo (xã Ninh Vân, thị xã Ninh Hòa) của tàu C235 ngày 1-3-1968 là một trong những trang sử bi tráng. Tàu C235 cùng 14 cán bộ, chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại vùng biển Ninh Vân, nhưng bản hùng ca về tinh thần yêu nước, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của các chiến sĩ tàu không số vẫn còn vang vọng đến hôm nay…


Tàu C235 và thuyền trưởng Phan Vinh


Chúng tôi cùng các cựu binh tàu không số trở lại vùng biển Hòn Hèo trong một ngày giữa tháng 10. Nhìn mặt biển xanh rì, ông Trần Ngọc Tuấn bồi hồi nhớ lại: “Đầu năm 1968, khi tàu 43 của tôi và thuyền trưởng Nguyễn Đức Thắng đang bị vây đánh ở Quảng Ngãi thì tàu C235 của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cũng bị địch vây ráp ở vùng biển Hòn Hèo”. Theo ông Tuấn, tàu C235 là tàu cao tốc (hơn 30 hải lý/giờ), chở 14 tấn vũ khí và 20 thủy thủ. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh (quê Điện Bàn, Quảng Nam) được tin tưởng giao chỉ huy tàu vì là người dày dạn kinh nghiệm với 11 chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam. “Tôi từng đi với thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh một chuyến vào Trà Vinh, lại là đồng hương nên chơi với nhau rất thân. Anh Vinh là người trung thực, thẳng thắn, gan dạ, được anh em trong đơn vị rất quý mến”, ông Tuấn nói.

 

Những cựu binh thắp hương tưởng niệm đồng đội hy sinh tại biển Hòn Hèo
Những cựu binh thắp hương tưởng niệm đồng đội hy sinh tại biển Hòn Hèo


Hiện nay, tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân còn giữ một số lá thư của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh gửi cho người bạn thân Trần Phong - nguyên Quyền Đoàn trưởng Đoàn 125 Hải quân. Trong lá thư đồng chí Trần Phong nhận ngày 26-10-1967, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh có những lời tâm sự thể hiện lý tưởng của mình: “Chúng ta phải là những con lạc đà trên bãi sa mạc, mỗi bước đi, mỗi vết chân của chúng ta vì sự nghiệp của Đảng, chúng ta phải là những chiếc cầu chì, vui vẻ và lạc quan mà nhận lấy công tác ở những nơi nguy hiểm nhất. Và khi cần thiết ta hy sinh sinh mạng mình cho Đảng, cho nhân dân. Thời gian, thời gian sẽ ủng hộ chúng ta...”.


Bến Hòn Hèo là một lựa chọn cực kỳ mạo hiểm, mang tính bất ngờ cho kẻ địch nên mọi việc phải được chuẩn bị kỹ lưỡng. Trong tập ký sự Có một đường mòn trên Biển Đông (nhà văn Nguyên Ngọc), ông Nguyễn Long An - chiến sĩ tàu C235 kể, để chuẩn bị cho chuyến đi vào Hòn Hèo, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh đã vạch ra 3 phương án tác chiến, tổ chức tập ở khu vực bến Bính (Hải Phòng) 15 ngày đêm, dự kiến mọi tình huống. Tàu được bổ sung thêm 3 chiến sĩ đặc công nước, cán bộ, chiến sĩ của tàu được huấn luyện kỹ năng chiến đấu dưới nước và trên bờ… Ngày 27-2-1968, tàu C235 xuất phát, đến tối 29-2-1968 khi tàu chuyển hướng vào vùng biển Nha Trang thì bị máy bay trinh sát địch bám theo. Nhận định tàu ta đã bị lộ nên thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho anh em ngụy trang cẩn thận, tăng tốc chạy vào bờ chuẩn bị thả hàng, sẵn sàng chiến đấu.


Trận chiến cảm tử


Cách đây 5 năm, trong chuyến đi công tác vào Bà Rịa - Vũng Tàu, chúng tôi đã tìm gặp ông Lâm Văn Tuyến -  1 trong 5 chiến sĩ tàu C235 còn sống để nghe kể về trận chiến lịch sử này. Theo ông Tuyến, đến 20 giờ, các tàu tuần dương của địch đã được báo động, chuẩn bị siết chặt vòng vây hòng bắt sống tàu ta. Thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho phát tín hiệu gọi bến. Sau mấy lần ra hiệu nhưng bến không trả lời, thuyền trưởng lệnh cho tàu tắt hết đèn, áp sát vào bờ để thả hàng, lực lượng của bến sẽ vớt sau. Khoảng 2 giờ 30 ngày 1-3-1968, kho hàng trên tàu được chuyển gần xong, từ ngoài khơi 7 tàu địch lầm lũi tiến vào chia thành 2 vòng bao vây khép kín. Trên không, địch huy động máy bay lên thẳng vũ trang yểm trợ. Phía trước là núi, phía sau là tàu địch chặn lối ra. Máy bay địch thả pháo sáng rực cả bầu trời. Địch bắt đầu cho nổ súng xối xả để thị uy nhằm bắt sống quân ta. “Mặc cho lửa đạn, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh vẫn bình tĩnh điều khiển tàu tiến vào gần bờ hơn nữa, lệnh cho thủy thủ sẵn sàng chiến đấu. Càng vào gần bờ, cuộc chiến không cân sức giữa ta và địch càng quyết liệt. Sau 20 phút chiến đấu, nhiều đồng chí của ta đã bị thương và hy sinh, thuyền trưởng Phan Vinh cũng bị đạn bắn sượt qua đầu. Máy tàu hỏng nặng nên phương án quay đầu trở ra đâm vào tàu địch không thể thực hiện được”, ông Tuyến nhớ lại thời khắc quyết liệt của cuộc chiến trên biển Hòn Hèo.

 

5 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 còn sống sau trận chiến sinh tử
5 cán bộ, chiến sĩ tàu C235 còn sống sau trận chiến sinh tử


Biết không thể thoát khỏi vòng vây của địch, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh hội ý với chính trị viên và quyết định cho nổ tàu để không lọt vào tay địch. “Khi tàu cách bờ khoảng 100m, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tất cả anh em bơi vào bờ trước, còn anh và thợ máy Ngô Văn Thứ ở lại trực tiếp điểm hỏa khối thuốc nổ hủy tàu. Khi anh em vào tới bờ thì một cột lửa bùng lên kèm theo tiếng nổ dữ dội chấn động cả vùng biển, hất tung một nửa thân tàu C235 lên triền núi gần đó....


Sau giây phút rối loạn, địch tập trung bắn phá dọc ven bờ nhằm triệt đường rút lui; một đội quân của địch đổ bộ lên bờ nhằm truy quét tận cùng những thủy thủ của ta. Pháo sáng như ban ngày. “Khi rút lên núi, anh Đoàn Văn Nhi - thuyền phó điểm quân số thì thấy thiếu anh Vinh và anh Thứ, tất cả chỉ còn lại 7 người. Nghe tiếng súng nổ phía bờ, chúng tôi nhận ra tiếng súng AK của ta, chắc là anh Vinh và anh Thứ chiến đấu ở đó. Tiếng AK mỗi lúc một thưa dần, sau khoảng nửa giờ thì không còn nghe thấy tiếng nổ của AK nữa”, ông Tuyến nhớ lại.


Bà Võ Thị Khù (sinh năm 1936), một trong số ít người dân bám trụ ở Ninh Vân thời ấy nhớ lại: “Sau khi địch rút, người làng đã tìm đến nơi các anh chiến đấu thấy những hố đạn sâu hoắm, vỏ đạn khắp nơi, những thân cây ngã gục, cháy loang lổ... Riêng những thủy thủ hy sinh trong trận đó, thi thể hầu như không còn nguyên vẹn do địch gom lại đổ xăng đốt. Bà con đã đưa họ về làng chôn cất”.

 

Năm 1970, thuyền trường Nguyễn Phan Vinh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Tên anh cũng đã được đặt tên cho một hòn đảo ở quần đảo Trường Sa và đường phố ở Nha Trang và Đà Nẵng. Tại bến Hòn Hèo, Lữ đoàn 125 đã xây dựng tấm bia kỷ niệm sự kiện tàu C235 chiến đấu anh dũng ở đây. Năm 2014, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã công nhận địa điểm lưu niệm tàu C235 là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Mới đây, UBND tỉnh đã đầu tư hơn 2 tỷ đồng tôn tạo khu di tích này. Ở nhà bia vừa được xây dựng có ghi sự kiện tàu C235 chiến đấu với quân địch và tên 14 liệt sĩ của tàu đã hy sinh ở Hòn Hèo.

Những ngày sau đó, quân địch tiếp tục đổ quân lùng sục khắp núi Hòn Hèo để truy bắt các chiến sĩ tàu C235. Nhóm chiến sĩ do thuyền phó Đoàn Văn Nhi đã trải qua những ngày rất gian khổ bởi thiếu lương thực và nước uống, có những lúc phải uống cả nước tiểu của mình. Sau khi một chiến sĩ bị địch bắt trong một lần đi tìm nước uống, thuyền phó Nhi quyết định ở lại để cố thủ, ra lệnh cho các chiến sĩ bắt liên lạc, tìm tới khu dân cư để xin nước uống. “Ngày thứ 10, khi sức cùng, lực kiệt, gần như tắt hết hy vọng thì chúng tôi gặp được du kích địa phương. Sau đó, cả nhóm cùng bộ đội địa phương quay lại tìm anh Nhi nhưng không thấy anh đâu, chỉ thấy vỏ đạn quanh khu vực đó, chúng tôi đoán anh đã bị địch giết lấy mất xác”, ông Tuyến kể.


Về lại nơi tập kết của quân giải phóng và được y tá địa phương chăm sóc, điều trị tận tình nên cả 5 người đều nhanh chóng hồi phục sức khỏe, rồi được chuyển về đơn vị bến K67. Bà Phạm Thị Hường (71 tuổi), một trong những người ở bến K67 kể: “Toàn bộ lương thực, thực phẩm đều bị địch đốt sạch. Tất cả phải sống nhờ vào khoai mài. Ban đầu, khoai mài còn nhiều, chúng tôi luộc cho các anh ăn, về sau đào được ít quá nên phải chuyển sang nấu cháo”. Ngày chuẩn bị cho các chiến sĩ tàu C235 ra Bắc, bà Hường đã bỏ công suốt mấy ngày đêm may 5 cái võng cho 5 anh em mang đi đường. “Ngày chia tay, các anh nói với tôi rằng, những cái tăng, võng mà tôi đã khâu tặng các anh sẽ là kỷ niệm sâu sắc nhất cuộc đời thủy thủ tàu C235…”, bà Hường rưng rưng nước mắt. Sau này, khi hòa bình lập lại, cứ đến ngày 1-3 hàng năm, bà Hường lại làm đám giỗ cho 14 cán bộ, chiến sĩ tàu C235.


Trận đánh của anh hùng Nguyễn Phan Vinh và các đồng đội cùng với con tàu C235 đã đi vào lịch sử của Quân chủng Hải quân như một thiên anh hùng ca về lòng yêu nước, sự dũng cảm.


XUÂN THÀNH - THÀNH NAM


 

Kỳ 1: Chuyện về những chuyến “tàu không số”