Ở thôn Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn), nhiều người biết bà Cao Thị Lệ bởi tinh thần cần cù lao động, vượt khó vươn lên tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Ở thôn Tha Mang (xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa), nhiều người biết bà Cao Thị Lệ bởi tinh thần cần cù lao động, vượt khó vươn lên tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, từ nhỏ, bà Cao Thị Lệ đã học được đức tính tự lực trong cuộc sống. Năm 2002, bà lập gia đình, hoàn cảnh cuộc sống lúc ấy còn nhiều khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Nhưng với suy nghĩ mình còn trẻ, có sức khỏe, phải tự mình vươn lên, bà Lệ đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để đầu tư nuôi bò sinh sản. Sau vài năm, từ tiền bán bò, bà trả lãi ngân hàng và xây được căn nhà mới khang trang. Thành công bước đầu từ chăn nuôi đã giúp bà có thêm động lực để đầu tư trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như: mía tím, cà phê, sầu riêng, keo… Bên cạnh đó, bà trồng thêm các loại cây ngắn ngày như: bắp, chuối để có nguồn thu nhập thường xuyên, đồng thời chăn nuôi thêm heo, gà, đào ao thả cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Nhờ chịu thương, chịu khó, bám ruộng, bám rẫy, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên các loại cây trồng, vật nuôi của gia đình bà phát triển khá tốt, mỗi năm cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Với diện tích đất canh tác khá nhiều, mặc dù đã có thời điểm gia đình gặp khó khăn về kinh tế, thiếu người lao động và thiếu vốn đầu tư cho cây trồng, vật nuôi, nhưng bà Lệ vẫn quyết tâm giữ lại đất để làm tư liệu sản xuất nhằm đảm bảo cho tương lai con cái sau này. Bà Lệ chia sẻ: “Nếu cứ gặp khó khăn là bán đất thì không còn tư liệu sản xuất nữa. Mình phải giữ lại đất để phát triển kinh tế về sau này. Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực, vợ chồng tôi phải tích cực lao động hàng ngày, đồng thời chuyển dần các loại cây ngắn ngày sang trồng cây lâu năm”. Vợ chồng bà đã quyết định vay vốn ngân hàng một lần nữa để đầu tư phân bón, đào ao tích nước, mua sắm dụng cụ phục vụ sản xuất nhằm hạn chế ảnh hưởng của nắng hạn, đảm đảo cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất cao khi thu hoạch. Bà Lệ cho biết, trong thời gian tới, bà tiếp tục mở rộng diện tích cây ăn quả nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác, tăng thu nhập cho gia đình, tích lũy vốn để chuẩn bị hành trang cho con đường học tập của con cái sau này.
Theo bà Cao Thị Thanh Tâm - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ba Cụm Bắc, trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã Ba Cụm Bắc đã chú trọng tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Điển hình như hộ gia đình bà Cao Thị Lệ. “Gia đình bà Lệ từ hai bàn tay trắng đã cần cù lao động sản xuất, trồng mía tím, sầu riêng, cà phê. Trong những năm qua, mô hình kinh tế của gia đình bà luôn là điểm sáng để hội viên, phụ nữ trong xã học tập. Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà Lệ còn giúp đỡ mọi người xung quanh về kinh tế, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Ngoài ra, bà cũng rất nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Nhờ đó, hàng năm, bà đều được các cấp hội biểu dương khen thưởng”, bà Tâm nhận xét.
ĐINH LUẬN