Việc ứng dụng nghiên cứu "Khảo sát sự lưu hành vi rút tai xanh, xác định khả năng đề kháng với bệnh tai xanh của heo được tiêm phòng 3 bệnh dịch tả heo, tụ huyết trùng, phó thương hàn và đề xuất biện pháp phòng bệnh trên đàn heo nuôi tại Khánh Hòa" vào thực tiễn sẽ giúp phòng bệnh tai xanh hiệu quả cho đàn heo trên địa bàn tỉnh.
Việc ứng dụng nghiên cứu “Khảo sát sự lưu hành vi rút tai xanh, xác định khả năng đề kháng với bệnh tai xanh của heo được tiêm phòng 3 bệnh dịch tả heo, tụ huyết trùng, phó thương hàn và đề xuất biện pháp phòng bệnh trên đàn heo nuôi tại Khánh Hòa” vào thực tiễn sẽ giúp phòng bệnh tai xanh hiệu quả cho đàn heo trên địa bàn tỉnh.
Cán bộ thú y tiêm vắc xin phòng bệnh tai xanh cho đàn lợn Nha Trang. Ảnh: Quang Viên |
Đề tài này do Tiến sĩ Khắc Hùng - Phân viện Thú y miền Trung thực hiện. Từ tháng 7-2014 đến tháng 7-2016, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân lập các vi rút tai xanh từ các mẫu bệnh phẩm ở các ổ dịch trên địa bàn tỉnh và xác định động lực của các chủng vi rút phân lập được; phân tích sự lưu hành của vi rút tai xanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó xác định tỷ lệ nhiễm vi rút tai xanh trên đàn heo đã tiêm phòng 3 bệnh đỏ (dịch tả lợn, tụ huyết trùng, phó thương hàn) và trên đàn heo chưa tiêm phòng 3 bệnh đỏ; xác định hàm lượng kháng thể kháng vi rút tai xanh sau khi tiêm phòng vắc xin tai xanh trên đàn heo đã và chưa được tiêm phòng 3 bệnh đỏ; xây dựng quy trình phòng chống bệnh trên cơ sở kết quả nghiên cứu…
Kết quả cho thấy, trên thực địa tỷ lệ có mặt của vi rút tai xanh khoảng 4% và tỷ lệ dương tính với kháng thể tai xanh khoảng 20%. Sau khi thực hiện phân lập 75 mẫu vi rút từ 75 mẫu bệnh phẩm dương tính, nhóm nghiên cứu đã chọn được 6 chủng có động lực cao. Các chủng này khi gây nhiễm trên đàn heo đều có biểu hiện triệu chứng lâm sàng giống với lợn mắc bệnh tai xanh trên thực địa. Việc tiêm vắc xin 3 bệnh đỏ trên đàn heo giúp làm tăng tác dụng của vắc xin tai xanh và làm tăng khả năng đề kháng của lợn đối với bệnh tai xanh. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề nghị nên tiêm phòng kết hợp vắc xin phòng 3 bệnh đỏ với vắc xin tai xanh để tăng hiệu quả phòng bệnh tai xanh cho đàn heo. Ngoài ra, đề tài còn chỉ ra được loại vắc xin tai xanh (thuộc nhóm D1) nên sử dụng để phòng bệnh cho đàn heo nuôi trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, kết quả từ các chủng vi rút tai xanh có động lực cao có thể nghiên cứu phát triển vắc xin phòng bệnh tai xanh cho riêng đàn heo của tỉnh.
Hội đồng Khoa học và Công nghệ cấp tỉnh đánh giá đề tài đạt loại xuất sắc, bởi nghiên cứu mang tính công phu, hàm lượng khoa học cao. Việc phân tích sự lưu hành của vi rút tai xanh phân lập từ các ổ dịch có ý nghĩa to lớn trong việc nghiên cứu dịch tễ học, đặc biệt là sự lan truyền và biến chủng của vi rút tai xanh. Bên cạnh đó, việc đánh giá sự thay đổi kháng nguyên của vi rút tai xanh trên địa bàn tỉnh giúp cho công tác lựa chọn vắc xin có hiệu quả trong công tác phòng chống dịch. Các kết quả nghiên cứu về dịch tễ học sẽ giúp xây dựng quy trình phòng bệnh tai xanh hiệu quả, giảm thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi, là tiền đề định hướng cho nghiên cứu sản xuất vắc xin phòng bệnh tai xanh trên đàn heo của tỉnh.
Hiện nay, tình hình chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh đang được đầu tư và phát triển mạnh với 2 phương thức chăn nuôi phổ biến là nuôi tập trung theo hướng công nghiệp và nuôi nhỏ lẻ tại hộ gia đình. Cuối năm 2015, tổng đàn heo nuôi toàn tỉnh 124.400 con, trong đó heo thịt 103.800 con, heo nái 19.900 con. Tuy nhiên, tình hình dịch tai xanh đã gây tổn thất không nhỏ cho người nuôi. Với kết quả nghiên cứu của đề tài, thời gian tới sẽ giúp cho ngành chăn nuôi của tỉnh phòng ngừa hiệu quả dịch tai xanh trên đàn lợn, giúp người nuôi nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
LƯU KHÁNH