11:10, 19/10/2016

Làm sạch môi trường từ nuôi trồng kết hợp

Ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề nan giải với hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều mô hình nuôi trồng kết hợp được triển khai đã và đang mở ra hướng đi mới cho lĩnh vực NTTS.

Ô nhiễm nguồn nước đang là vấn đề nan giải với hầu hết các hộ nuôi trồng thủy sản (NTTS). Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều mô hình nuôi trồng kết hợp được triển khai đã và đang mở ra hướng đi mới cho lĩnh vực NTTS.

Hiệu quả bước đầu


Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa triển khai thí điểm mô hình nuôi kết hợp cá dìa và tôm sú tại huyện Cam Lâm. Mô hình nuôi đa dạng sinh học này thuộc Dự án Bảo vệ nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (gọi tắt là CRSD). Sau 5 tháng triển khai thử nghiệm ở 5 hộ thôn Văn Tứ Đông, xã Cam Hòa (mỗi hộ được dự án hỗ trợ gần 35 triệu đồng) với diện tích đìa nuôi rộng 0,5ha/hộ, mô hình đã cho kết quả khả quan. Theo đánh giá bước đầu cho thấy, tôm sú và cá dìa phát triển tốt, tỷ lệ sống mỗi loại đạt trên 70%. Người dân đã tiến hành thu hoạch tôm sú đợt một; mỗi hộ thu được khoảng 4 tạ tôm thương phẩm. Ông Nguyễn Văn Láng - một trong 5 hộ nuôi theo dự án cho biết: “Trước đây, tôi nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng không có năng suất. Từ khi nuôi theo dự án thấy hiệu quả, ổn định hơn. Hiện nay, tôm sú thương phẩm sống bán tại đìa có giá 170.000/kg (khoảng 50 con), cá dìa giao động từ 120 đến 180 nghìn/kg”.

 

Thu hoạch tôm từ mô hình nuôi trồng kết hợp
Thu hoạch tôm từ mô hình nuôi trồng kết hợp


Bà Nguyễn Thị Thanh Hạnh - Cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Dựa trên đặc điểm sinh học của 2 đối tượng này mà chúng tôi xây dựng mô hình nuôi ghép để tận dụng được diện tích ao nuôi, mặt nước, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong ao là rong cho cá dìa sử dụng. Khi ghép 2 đối tượng trên, cá dìa ăn rong, bùn bã trong ao thì sẽ hạn chế được nguồn gây ô nhiễm cho tôm sú, giúp tôm phát triển tốt hơn. Mô hình nuôi ghép này giúp nâng cao hiệu quả sản xuất cho hộ nuôi, giúp cho nghề NTTS ở vùng Cam Hòa nói riêng và toàn tỉnh nói chung được bền vững”.


Giải quyết bài toán môi trường


Dự án nuôi trồng kết hợp giữa ốc hương, hải sâm và rong nho được triển khai tại huyện Vạn Ninh từ tháng 4 đến tháng 11-2015 cũng được đánh giá là dự án giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Sau gần 1 năm thực hiện, dự án cho kết quả khá khả quan: tỷ lệ sống của ốc hương đạt gần 78%; hải sâm trên 71% và rong nho trên 90%. Với mô hình nuôi kết hợp này, lợi nhuận thu được gần 450 triệu đồng/ha/vụ. So với mô hình nuôi đơn (có cùng diện tích nuôi) thì mô hình nuôi kết hợp giữa ốc hương, hải sâm và rong nho có lợi nhuận tăng trên 42%. Đặc biệt, môi trường nước được cải thiện một cách rõ rệt. Ông Nguyễn Văn Dương (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) cho biết: “Trong thời gian thực hiện dự án nuôi kết hợp ốc hương, hải sâm và rong nho cho thấy, con ốc hương phát triển rất tốt, giảm được dịch bệnh và phát triển nhanh. Nguồn nước trong đìa được cải thiện rõ rệt, các dư lượng từ thức ăn không còn, môi trường nước sạch hơn nhiều so với cách nuôi truyền thống”.


Ông Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: “Mô hình này là tiến bộ kỹ thuật mới. Người nuôi không phải dùng hóa chất, kháng sinh trong quá trình nuôi sẽ tạo ra sản phẩm an toàn, làm sạch môi trường nuôi. Đây là mô hình tạo ra sự phát triển bền vững”.


Có thể nói, thành công bước đầu của các dự án nuôi trồng kết hợp, sẽ mở ra một hướng đi mới cho nghề NTTS tại Khánh Hòa. Đồng thời, góp phần làm sạch môi trường, tạo việc làm, tạo thêm sản phẩm cho xã hội.


NHẬT MINH - KHÁNH AN