Gần 50 năm sau sự kiện tàu 235 cùng 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở bến Hòn Hèo, xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) từ một vùng đất hoang sơ đã trở thành một vùng quê an lành, trù phú.
Gần 50 năm sau sự kiện tàu 235 cùng 14 cán bộ, chiến sĩ hy sinh ở bến Hòn Hèo, xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa) từ một vùng đất hoang sơ đã trở thành một vùng quê an lành, trù phú.
Một thời gian khó
Con đường từ xã Ninh Phước đến Ninh Vân uốn lượn men theo sườn núi, một bên là rừng Hòn Hèo, một bên là biển đã làm nên bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ. Dừng chân trên một nhánh núi đâm ngang ra biển, nhìn về Ninh Vân là hình ảnh những mái nhà đỏ tươi trong nắng sớm, bao quanh là những ruộng tỏi được chia ô vuông vắn. Nhìn khung cảnh ấy, những người mới đến lần đầu chắc hẳn không thể hình dung về những gian khó mà người dân nơi đây đã vượt qua.
Cựu binh tàu không số thăm Trường THCS Nguyễn Phan Vinh |
Vừa dẫn chúng tôi đi thăm xóm làng, bà Trà Thị Bông Sen, Chủ tịch UBND xã Ninh Vân vừa nhẩn nha kể chuyện. Theo đó, thời chống Mỹ, khu vực Ninh Vân (thời đó gọi là Đầm Vân) vì chiến tranh ác liệt, điều kiện sống gian khó nên chỉ có 5 gia đình kiên cường bám trụ. Họ cũng chính là cơ sở của cách mạng. Suốt mấy chục năm sau ngày miền Nam giải phóng, Ninh Vân gần như một ốc đảo cách biệt với thế giới bên ngoài. “Trước kia, người dân muốn về trung tâm thị xã Ninh Hòa phải đi ghe vào TP. Nha Trang, rồi bắt xe đò ra Ninh Hòa. Cán bộ đi họp cũng phải đi theo đường này, lắm khi cả đi cả về phải mất 2 ngày”, bà Sen nói. Giao thương cách trở nên tình hình kinh tế - xã hội rất khó khăn. Người dân ở xã đảo gần như chỉ biết bám biển để sống, nhưng không có tàu thuyền lớn để làm ăn lớn nên mãi không thoát được đói nghèo.
Năm nay đã ngoài 70 tuổi, thế nhưng những ký ức về một thời gian khó vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí bà Phạm Thị Thành. Ánh mắt nhìn xa xăm, chỉ tay về phía biển, bà trầm ngâm: “Mấy mươi năm trước, cuộc sống vô cùng khổ cực, nhà nào cũng phải chịu cảnh cơm ăn không đủ no. Ngày ấy, nhà nào khá giả lắm mới sắm được cái cassette chạy bằng bình ắc quy. Tối nào có chương trình câu chuyện cảnh giác là cả xóm xúm lại cùng nghe. Mỗi lần có đội chiếu bóng lưu động về phục vụ, cả xã kéo nhau đi xem như trẩy hội. Thời gian thấm thoát thoi đưa, đến cuối cuộc đời tôi được hưởng một cuộc sống no ấm mà thời trẻ có nằm mơ cũng chả dám”.
Sức sống mới
Bây giờ, Ninh Vân đã khác. Điện, đường, trường, trạm ở xã đã được đầu tư khá khang trang; đời sống của người dân ngày càng đi lên. Toàn xã có 100% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia, có phương tiện nghe nhìn. Việc đánh bắt hải sản, bắt tôm hùm giống,
khai thác rong mơ đem lại nguồn thu khá lớn cho người dân. Bên cạnh nghề biển truyền thống, những năm gần đây, chính quyền xã đã khuyến khích người dân tìm những hướng làm ăn mới như: trồng tỏi, chăn nuôi bò thịt. Cây tỏi trở thành cây trồng chủ lực của Ninh Vân; diện tích trồng tỏi toàn xã lên tới hơn 50ha. Nhiều hộ trồng tỏi có thu nhập từ 200 đến 300 triệu đồng/vụ/hộ. Ông Nguyễn Văn Anh, thôn Tây, xã Ninh Vân cho biết, nhờ có tiền trồng tỏi, gia đình đã xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm vật dụng, phương tiện đi lại, có điều kiện cho con ăn học, mức sống được nâng lên đáng kể. Hiện nay, xã Ninh Vân có 526 hộ, 1.986 nhân khẩu, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chỉ chiếm 4,18%.
Cùng với sự đi lên về vật chất, đời sống văn hóa xã hội của Ninh Vân cũng có những bước phát triển mới. Hiện nay, xã có các lớp mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở với tỷ lệ các em ra lớp 100%. Trường THCS Nguyễn Phan Vinh được xây dựng năm 2007 đã tạo điều kiện tốt nhất cho con em trong xã học tập. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Nghiệp bày tỏ: “Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua cả thầy và trò trường chúng tôi đều nỗ lực giảng dạy, học tập để xứng với tên người anh hùng Nguyễn Phan Vinh. Năm học 2015 - 2016, trường có một em đạt giải 3 kỳ thi quốc gia về Anh văn”. Những năm gần đây, ngày càng có nhiều học sinh của xã đã vào học ở các trường cao đẳng và đại học.
Việc mở đường từ Ninh Phước sang Ninh Vân đã mang lại nhiều hy vọng cho việc phát triển kinh tế của xã, nhất là du lịch. Trên địa bàn xã có 6 dự án du lịch, trong đó 2 khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay và An Lam Ninh Van Bay Villas đã đi vào hoạt động từ nhiều năm nay, tạo được ấn tượng tốt với du khách. 4 dự án còn lại đang được triển khai, trong đó lớn nhất là dự án khu nghỉ dưỡng Eden Resort của Công ty Cổ phần Du lịch vịnh Nha Phu với diện tích 70ha đất liền và 30ha mặt nước ở khu vực Hòn Cỏ. Một số gia đình cũng đã bắt đầu mở dịch vụ homestay.
Thời gian gần đây, nhiều nhóm khách du lịch đã tìm về Ninh Vân, thăm địa điểm lưu niệm tàu 235. Trên nhiều diễn đàn du lịch, Ninh Vân được xem như một điểm đến mới, nơi có phong cảnh tuyệt đẹp. Ngay trong ngày trở lại mảnh đất này, chúng tôi gặp nhóm học sinh của Trường THPT Trần Cao Vân đi chơi Ninh Vân để thăm “di tích tàu không số”. Ninh Vân đã thực sự được “đánh thức”!
XUÂN THÀNH - THÀNH NAM