Tình trạng sinh đông, trẻ em không được quan tâm đúng mức, nhất là phụ nữ và trẻ em gái không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, chịu nhiều thiệt thòi còn khá phổ biến trong các gia đình người dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh.
Tình trạng sinh đông, trẻ em không được quan tâm đúng mức, nhất là phụ nữ và trẻ em gái không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ, chịu nhiều thiệt thòi còn khá phổ biến trong các gia đình người dân tộc thiểu số ở Khánh Vĩnh (Khánh Hòa).
Gia đình ông Cao Ma Đấy (thôn Bầu Sang, xã Liên Sang) sống bằng nghề làm thuê, có tới 9 người con, trong đó có 6 con gái. Vì gia cảnh khó khăn nên tất cả các con ông đều nghỉ học. “Cái ăn còn chưa có, lấy đâu ra tiền mua sách vở, quần áo để các con đến trường”, ông Đấy nói. Trong khi đó, chị Cao Thị Liệt (thôn Chà Liên, xã Liên Sang) cho biết: “Thấy cảnh thiếu ăn, cuộc sống nghèo đói của nhiều người dân trong vùng, vợ chồng tôi rất sợ. Vì thế, khi sinh được 2 con gái, vợ chồng tôi quyết định không sinh nữa. Do có thời gian buôn bán nhỏ, nhà tôi đã dư cái ăn, 2 cháu đều được đi học”.
Trẻ em gái cần được đầu tư thích đáng cho tương lai |
Theo lãnh đạo Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) huyện, người dân địa phương tuy có tiến bộ hơn trước, đã nhận thức được việc sinh đông con đi đôi với đói nghèo, nhưng do thực hiện KHHGĐ chưa hiệu quả nên tình trạng sinh đông vẫn còn xảy ra; chỉ có một bộ phận các cặp vợ chồng trẻ mới quan tâm đến KHHGĐ, sinh ít hơn. Cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn. Phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên chưa được quan tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản và đầu tư cho tương lai đúng mức. Nhiều trẻ em gái đến ngưỡng cửa cấp 2 phải bỏ học theo bố mẹ đi làm nương rẫy. Tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện có 167 trường hợp tảo hôn, ảnh hưởng lớn đến chất lượng giống nòi.
Ông Lê Thanh Tuấn, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Vĩnh cho biết, ngoài quan tâm đến chính sách giảm sinh (tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai đạt 71,34%), nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua, huyện cũng có những chính sách ưu tiên cho phụ nữ vùng cao như: cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản miễn phí cho phụ nữ nghèo và cận nghèo; phối hợp thực hiện cấy tránh thai cho phụ nữ bằng nguồn ngân sách địa phương. Riêng trẻ em gái vị thành niên chỉ tuyên truyền chung chung thông qua mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân. “Một vài buổi nói chuyện chuyên đề tại trường học vào các giờ ngoại khóa không đủ cung cấp cho các em những kiến thức cần thiết về tâm sinh lý của tuổi dậy thì, giới tính, tình yêu, tình bạn và quy định pháp luật về hôn nhân. Hiện nay, ngành chưa có các buổi tuyên truyền dành riêng cho nữ vị thành niên, những hoạt động, chính sách ưu tiên dành cho trẻ em gái, phụ nữ ở miền núi”, ông Tuấn nói.
Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như ngành Dân số cần quan tâm hơn nữa đối với phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn huyện. Cụ thể như: có thể đầu tư thêm sân chơi phù hợp với địa bàn các em sinh sống; nhân rộng câu lạc bộ tiền hôn nhân tại các trường THPT, THCS để cung cấp cho các em những kiến thức cơ bản về tâm lý, chăm sóc sức khỏe; thành lập các phòng tư vấn về tâm sinh lý dành cho vị thành niên, phụ nữ. Bên cạnh đó, cần quan tâm đầu tư về đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ nhằm giúp các em gái có việc làm ổn định khi trưởng thành. Mặt khác, chấm dứt tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, gây nhiều hệ lụy về tâm lý và sức khỏe, giảm chất lượng cuộc sống.
LƯU KHÁNH