11:08, 14/08/2016

Quản lý thuế ở khu vực doanh nghiệp: Còn nhiều thách thức

Thời gian qua, các doanh nghiệp trong tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý thuế ở khu vực doanh nghiệp vẫn còn nhiều thách thức.

Thời gian qua, các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, đóng góp đáng kể cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc quản lý thuế ở khu vực DN vẫn còn nhiều thách thức.


Đóng góp tích cực cho ngân sách


Hiện nay, ngành Thuế tỉnh quản lý hơn 9.770 DN, trong đó có hơn 7.550 DN hoạt động sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách Nhà nước. Trên địa bàn tỉnh có hơn 90% DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ; số DN lớn chiếm tỷ lệ ít. Ông Nguyễn Xuân Dũng - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, DN Nhà nước Trung ương và DN Nhà nước địa phương chiếm tỷ trọng hơn 40% trong tổng thu; DN ngoài quốc doanh chiếm khoảng 25% tổng thu trên địa bàn. Thời gian qua, các DN đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng chục vạn lao động. Đại bộ phận DN, doanh nhân đã tự giác kê khai, nộp thuế đầy đủ, kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Đồng thời, tích cực tham gia đóng góp ý kiến nhằm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thuế…

 

Hoạt động kinh doanh tại Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang
Hoạt động kinh doanh tại Công ty Cổ phần Thủy sản 584 Nha Trang


7 tháng năm 2016, tổng thu thuế từ các DN hơn 4.473 tỷ đồng, đạt 124,8% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực DN Nhà nước Trung ương thực hiện hơn 291 tỷ đồng; khu vực DN Nhà nước địa phương hơn 2.204 tỷ đồng...


Nhiều DN cho rằng, ngày càng có nhiều chính sách miễn, giảm thuế thay đổi theo hướng có lợi cho người nộp thuế. Việc khai thuế qua mạng, nộp thuế điện tử… đã giảm đáng kể thủ tục, thời gian và chi phí cho DN. Ông Nguyễn Tri Nhân - Giám đốc Công ty TNHH Hiếu Trang (chuyên kinh doanh sắt, thép xây dựng ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa) cho biết, trong quá trình kinh doanh, cơ quan thuế đã hỗ trợ rất tốt cho DN trong việc thực hiện các chính sách pháp luật thuế. Việc giải quyết chính sách miễn thuế cho DN cũng kịp thời, đúng trình tự.


Những mối lo


Tuy nhiên, việc quản lý thuế ở khu vực DN vẫn còn nhiều thách thức. Trên thực tế, không ít trường hợp phát sinh số thuế phải nộp lớn nhưng chưa nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Nhiều DN dây dưa, để nợ đọng thuế lớn, kéo dài, tạo áp lực cho cơ quan thuế. Không ít trường hợp không có khả năng thanh toán, không có tiền gửi ngân hàng hay tài sản để cưỡng chế thu hồi nợ thuế theo quy định.


Điều đáng lo, tính đến tháng 7-2016, toàn tỉnh có hơn 1.920 DN tự giải thể, ngừng, nghỉ kinh doanh không khai báo, bỏ địa chỉ kinh doanh… để nợ thuế không có khả năng thu hơn 134 tỷ đồng. Không chỉ vậy, qua thanh tra, kiểm tra, cơ quan thuế đã phát hiện nhiều DN có biểu hiện vi phạm như: gian lận về chứng từ thanh toán; khấu trừ thuế đầu vào các hóa đơn không hợp lệ; xuất hóa đơn sai thuế suất mặt hàng. Bên cạnh đó, hạch toán sai chi phí; hạch toán tiền lương cao hơn quy định tại hợp đồng lao động; thực hiện sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ không đúng quy định; lập hóa đơn bán hàng sai giá trị để khai thuế thấp hơn thực tế... Mặt khác, tuy cơ quan thuế thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở, nhưng vẫn còn một số DN chưa chấp hành việc nộp hồ sơ khai thuế...


Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với DN, theo lãnh đạo Cục Thuế tỉnh, thời gian tới, ngành Thuế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, chú trọng các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Các đơn vị trong toàn ngành chủ động tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể triển khai hiệu quả những biện pháp quản lý các nguồn thu. Các phòng, chi cục thuế cập nhật kịp thời hồ sơ khai thuế; thường xuyên rà soát, đối chiếu hồ sơ khai thuế với danh sách theo dõi người nộp thuế đảm bảo đúng quy trình. Đồng thời, thông báo, đôn đốc các DN không nộp hoặc nộp chậm hồ sơ khai thuế và có biện pháp xử lý kịp thời…


Cùng với đó, ngành Thuế tỉnh tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số đơn vị đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn; tăng cường kiểm tra các trường hợp không đăng ký kinh doanh nhưng thực tế có kinh doanh để đưa vào diện quản lý thuế. Bên cạnh đó, đôn đốc các DN nộp thuế vào ngân sách đúng thời gian quy định; kiên quyết xử lý phạt vi phạm hành chính và ấn định số thuế phải nộp đối với các trường hợp vi phạm quy định kê khai, nộp thuế. Ngoài ra, cơ quan thuế còn tập trung kiểm tra các đơn vị có dấu hiệu rủi ro cao, các lĩnh vực còn thất thu; đôn đốc kịp thời các khoản truy thu, phạt...


KIM THAO