11:08, 29/08/2016

Đường vào khu sản xuất Ko Róa: Sẽ sớm được đầu tư

Lâu nay, đường vào khu sản xuất Ko Róa (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) vẫn là con đường đất gập ghềnh, khiến việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản của người dân gặp không ít khó khăn.

Lâu nay, đường vào khu sản xuất Ko Róa (xã Sơn Lâm, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) vẫn là con đường đất gập ghềnh, khiến việc vận chuyển, tiêu thụ nông sản của người dân gặp không ít khó khăn. Mới đây, tại buổi làm việc với địa phương, đồng chí Lê Thanh Quang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo các ngành, huyện Khánh Sơn sớm thi công tuyến đường này để tạo điều kiện cho người dân.


Ông Cao Hiền, người dân địa phương cho hay: “Gia đình tôi có 1ha chuối tại khu sản xuất tập trung của thôn. Hiện nay, chuối có giá bán khá cao, lên đến 7.000 đồng/kg nhưng phải vận chuyển ra, còn nếu bán tại rẫy chỉ được 5.000 đồng/kg, do việc vận chuyển gặp khó khăn”.

 

Đường vào khu sản xuất Ko Róa gập ghềnh khó đi
Đường vào khu sản xuất Ko Róa gập ghềnh khó đi


Gia đình ông Cao Mỹ ở cùng thôn cũng có 1ha chuối và 1ha keo ở khu vực này. Gặp chúng tôi, ông cho hay: “Mới đây, gia đình tôi đã bán 1ha keo nhưng chỉ được 30 triệu đồng (nếu giao thông thuận lợi thì sẽ bán được với giá hơn 50 triệu đồng). Sở dĩ giá bán không cao là do phải chịu chi phí tăng bo, phần do thương lái lợi dụng đường vận chuyển khó khăn nên ép giá xuống thấp”.


Được biết, những năm trước đây, một phần con đường từ trung tâm thôn Ko Róa đến khu sản xuất tập trung của thôn đã được bê tông hóa, nhưng hiện nay vẫn còn mấy cây số đường đất chưa được làm. Người dân địa phương mong chờ con đường bê tông vào khu sản xuất Ko Róa đã lâu.


Trao đổi với chúng tôi về sự cần thiết đầu tư con đường này, ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND xã Sơn Lâm bày tỏ: “Khu vực sản xuất Ko Róa rộng khoảng 200ha, có khoảng 200 hộ đang trồng chuối, bắp, keo… Do việc đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa nên giá trị các loại nông sản, keo mà người dân trồng ở khu vực này thấp hơn ở những khu vực thuận lợi khoảng 20 - 30%. Người dân thôn Ko Róa đã nhiều lần kiến nghị về việc đầu tư xây dựng đường bê tông vào khu sản xuất này nhưng xã, huyện đều không có kinh phí để làm. Do hiện trạng con đường là đường đất cũ, nên chỉ tốn kinh phí vật tư, nhân công chứ không phải tốn kinh phí đền bù giải tỏa”. Ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cũng khẳng định: “Nhu cầu đầu tư đường vào khu sản xuất Ko Róa đã có từ lâu, xã nhiều lần kiến nghị, nhưng huyện không có vốn nên đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, bố trí vốn để đầu tư”.   


Tại buổi làm việc với Đảng ủy, chính quyền xã Sơn Lâm mới đây, đồng chí Lê Thanh Quang đã chỉ đạo các ngành, huyện Khánh Sơn sớm thi công đường vào khu sản xuất Ko Róa để người dân địa phương được hưởng lợi. Trao đổi về kế hoạch thi công con đường này, ông Lê Quang Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho hay: “Đường vào khu sản xuất Ko Róa đã nằm trong danh mục các công trình đầu tư từ nguồn vốn Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh, dự kiến sẽ đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2020. Tuy nhiên, trước sự bức thiết của công trình này, chúng tôi sẽ xem xét, nghiên cứu bố trí vốn để đầu tư trong năm 2017”.


HẢI LĂNG