07:06, 09/06/2016

Tăng cường công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với những mục tiêu cụ thể. Bà Trịnh Thị Hợp - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã trao đổi với Báo Khánh Hòa về vấn đề này. 
 

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành Kế hoạch Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 với những mục tiêu cụ thể. Bà Trịnh Thị Hợp - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã trao đổi với Báo Khánh Hòa về vấn đề này. 
 
- Xin bà cho biết tình hình tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
 
- Qua 3 năm thực hiện Kế hoạch phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013 - 2015, số trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích trên địa bàn tỉnh giảm; các cấp, các ngành quan tâm hơn trong công tác triển khai và phối hợp thực hiện; kiến thức người dân về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em được nâng lên. Công tác xây dựng môi trường sống an toàn tại gia đình, trường học và cộng đồng nhằm giảm nguy cơ gây tai nạn, thương tích, đuối nước cho trẻ em trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện và đem lại những hiệu quả tích cực.
 
Năm 2013, có 465 trẻ em bị tai nạn, thương tích; 30 trẻ em tử vong. Đến cuối năm 2015, số trẻ em bị tai nạn, thương tích là 247 em (giảm 46,9%); số trẻ em tử vong do tai nạn thương tích là 24 em. Tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích là 82/100.000 trẻ em; tỷ suất trẻ em tử vong do tai nạn, thương tích là 8/100.000 trẻ em; có 135.730/184.740 ngôi nhà có trẻ em an toàn, đạt tỷ lệ 73,47%. Tuy nhiên, tính trung bình, từ năm 2013 đến năm 2015, mỗi năm vẫn còn 18 trẻ em tử vong do đuối nước, 4 trẻ em tử vong do tai nạn giao thông. Số trẻ em tử vong do đuối nước và tai nạn giao thông chưa giảm.
 
- Trong những mục tiêu của Kế hoạch Phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, mục tiêu nào là khó khăn nhất, thưa bà?
 
- Đó là mục tiêu giảm tỷ suất trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là đuối nước và tai nạn giao thông. Mục tiêu này gặp nhiều khó khăn do ý thức chấp hành luật pháp và kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của người dân chưa cao; chưa thực sự quan tâm đến phòng tránh tai nạn, thương tích cho trẻ em trong gia đình, chưa tạo điều kiện cho trẻ em tham gia học bơi. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em còn hạn chế; thiếu cơ sở vật chất và khu dạy bơi cho trẻ; công tác giáo dục về an toàn giao thông cho trẻ em chưa thường xuyên; các công trình thi công chưa hoàn thiện không có biển báo, rào chắn tiềm ẩn nhiều mối nguy hại gây nguy cơ đuối nước ở trẻ em. 
 
- Xin bà cho biết những giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả kế hoạch này?
 
- Để tiếp tục thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn tỉnh, trong thời gian đến cần thực hiện một số giải pháp sau: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; đẩy mạnh, thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em cho trẻ em, hộ gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội; nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức, cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, các ngành, đoàn thể... Đồng thời, thực hiện tốt công tác xây dựng Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em; triển khai các hoạt động phòng, chống đuối nước trẻ em; đảm bảo thực hiện các quy định an toàn trong môi trường nước, các quy định an toàn khi tham gia giao thông đường thủy theo quy định. Thường xuyên kiểm tra, thanh tra tình hình thực hiện pháp luật, chính sách, tiêu chuẩn về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em để kịp thời xử lý các hành vi vi phạm. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em.
 
- Xin cảm ơn bà!
 
Hương Quỳnh (Thực hiện)