Trăn trở làm sao cho cuộc sống vơi bớt khó khăn, cùng với sự nỗ lực và tinh thần lao động hăng say trong một thời gian dài, nhiều nông dân từng bước vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để.
Trăn trở làm sao cho cuộc sống vơi bớt khó khăn, cùng với sự nỗ lực và tinh thần lao động hăng say trong một thời gian dài, nhiều nông dân từng bước vươn lên thoát nghèo, có của ăn của để.
Nỗ lực vượt khó
Hầu hết những gương điển hình tiên tiến trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi 5 năm (2011 - 2016) đều có xuất phát điểm rất thấp, thậm chí một số người còn xuất phát chỉ với 2 bàn tay trắng. Nhưng bằng sự nỗ lực, cần cù, chịu khó học hỏi, mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ, họ dần dần thoát nghèo, vươn lên làm giàu và phát triển vững chắc. Điều đáng quý là khi đã thành công, những người nông dân điển hình này đều quay trở lại giúp đỡ cho các hộ khác cùng vươn lên thoát nghèo, xứng đáng là vai trò hạt nhân.
|
Lãnh đạo tỉnh khen thưởng những tập thể, cá nhân nông dân tiêu biểu. |
Ông Nguyễn Dăng ở thị trấn Vạn Giã (huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) bắt đầu lập nghiệp từ năm 1990 khi vừa mới lập gia đình. Xuất thân từ thuần nông, vốn liếng chẳng có là bao, ruộng đất cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày, kinh nghiệm sản xuất còn hạn chế. Đêm đêm, ông suy tính phải làm sao thoát nghèo cho vợ con đỡ khổ. Vì thế, mỗi lần Hội Nông dân thị trấn Vạn Giã tổ chức cho các hội viên đi tham quan học hỏi các mô hình sản xuất, ông lập tức xin đi để trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng thực hành mới trong nông nghiệp. Cũng thông qua Hội Nông dân Vạn Giã, ông được tiếp cận nguồn vốn vay và bắt đầu đi theo con đường cung ứng các dịch vụ nông nghiệp. Đầu tiên là một chiếc máy cày ruộng loại nhỏ, nhờ chăm chỉ làm ăn, tiết kiệm trong chi tiêu, ông không chỉ trả hết nợ nần mà còn tích góp để dần dần mua sắm thêm nhiều máy móc khác. Đến năm 2011, ông đã sở hữu 5 chiếc máy cày tiểu, 1 máy gặt đập liên hợp. Đến nay, gia đình ông mua thêm 6 chiếc máy cày tiểu, 1 máy cày đại, 3 máy gặt đập liên hợp. Tổng trị giá của những chiếc máy này đã ngót nghét 3 tỷ đồng. Dịch vụ làm ruộng - thu hoạch của gia đình ông đã mang về mỗi năm khoảng 800 triệu đồng lãi ròng, giải quyết việc làm cho 10 - 15 lao động ở địa phương. Đặc biệt, ông không ngần ngại giúp đỡ, tạo điều kiện cũng như hỗ trợ vốn vay không lấy lãi cho nhiều nông dân khác cùng vươn lên làm giàu.
Ngược vào vùng đất bán sơn địa Cam Tân (huyện Cam Lâm), ở đó có nông dân Trần Xuân Hoàng cũng đã đạt được những thành công nhờ vào nghị lực và sự mạnh dạn, không ngừng học hỏi của mình. Từ chỗ không có đất sản xuất, ông đã mạnh dạn thuê đất đầu tư trồng mía. Tiền lãi từ các vụ mía giúp gia đình ông tích cóp mua đất, mở rộng sản xuất và trồng thêm cây mì và tăng thêm thu nhập từ dịch vụ thu mua mía cho nông dân trong vùng. Lấy ngắn nuôi dài, không quản ngại gian khó, tiết kiệm, đến nay, gia đình ông đã sở hữu tới 22ha đất canh tác, trong đó có 7ha mía, 13ha mì và 2ha điều. Bên cạnh đó, ông luôn trăn trở, tìm tòi để đạt hiệu quả cao. “Các loại giống cũ kém hiệu quả bị loại bỏ. Trên rẫy tôi cứ luân canh 3 vụ mía xen 1 vụ mì. Mía được trồng theo kiểu kéo hàng theo từng dòng, mì được trồng bằng máy cày, cắt bằng máy cưa, vì vậy đã giảm thiểu được công lao động. Không những vậy, nhờ ứng dụng giống mới và phương pháp canh tác tiên tiến, cây mía từ 35 tạ/ha năm 2009 đến nay đã đạt 75 tạ/ha, cây mì đạt 26 tấn/ha. Mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập 800 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, ông Hoàng chia sẻ.
Ngoài ra, ông Hoàng còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 30 lao động, trợ giúp các hộ nghèo trong xã bằng cách cho mượn giống mía, phân bón. Trong các năm từ 2012 đến 2015, khi kinh tế gia đình đã ổn định, ông còn hỗ trợ vốn sản xuất không tính lãi cho 8 hộ khác với số tiền 80 triệu đồng để đầu tư sản xuất, hàng năm mua quà tặng cho các hội viên nông dân nghèo trong xã với số tiền 30 - 40 triệu đồng. Người đạt danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2015 này còn thường xuyên rộng cửa đón các nông dân khác đến học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trồng mía, mì.
Phát huy vai trò hạt nhân
Trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều nông dân điển hình tiên tiến, đang có thu nhập ổn định trong khoảng từ 100 triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Chẳng hạn như hộ ông Trần Anh Kiệt ở phường Phước Long, TP. Nha Trang có thu nhập trên 1 tỷ đồng từ hoạt động nuôi cá nước ngọt. Hộ ông Vũ Văn Bút ở xã Ba Cụm Bắc, huyện Khánh Sơn tiêu biểu trong phong trào SXKD giỏi từ hoạt động trồng cà phê, sầu riêng, chăn nuôi gia cầm cho thu nhập 850 triệu đồng/năm. Ông Bút thường xuyên vận động các hộ dân tộc Raglai tham gia các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật và bản thân luôn trợ giúp, cầm tay chỉ việc các kỹ thuật chăm sóc, nuôi trồng, đã giúp 4 hộ đồng bào Raglai thoát nghèo.
Toàn tỉnh có 150 hộ nông dân được vinh danh xuất sắc trong phong trào nông dân SXKD giỏi giai đoạn 2011 - 2016. Mỗi người một vẻ, một ngành nghề SXKD khác nhau, nhưng tựu trung đều vươn lên từ gian khó, vượt qua được đói nghèo và làm giàu từ chính đôi bàn tay cần cù lao động. Họ biết ứng dụng các khoa học kỹ thuật tiến bộ vào quy trình sản xuất, chăn nuôi, từ đó nâng cao tính hiệu quả, nâng chất lượng sản phẩm để tăng tối đa thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, họ còn là hạt nhân cho phong trào, không ngừng trợ giúp cho các hộ khác cả về kinh nghiệm, vốn, cây con giống với mong muốn mọi người cùng nhau vươn lên làm giàu.
Trong buổi lễ vinh danh các tập thể, cá nhân xuất sắc của phong trào nông dân SXKD giỏi 5 năm 2011 - 2016, ông Nguyễn Tấn Tuân, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh nhấn mạnh: “Phong trào nông dân SXKD giỏi đã tạo sức lan tỏa lớn. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, hăng say lao động sản xuất, năng động chuyển dịch cơ cấu, đầu tư mở rộng SXKD, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào quá trình SXKD. Đồng thời, các hộ nông dân đã đoàn kết tương trợ lẫn nhau, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Trong giai đoạn tới, tôi đề nghị các hộ SXKD giỏi tiếp tục phát huy tính năng động sáng tạo, thật sự là hạt nhân của phong trào nông dân tại địa phương mình, tích cực giúp đỡ, nhân rộng các mô hình SXKD hiệu quả cho các hộ nông dân còn khó khăn, giúp nhau thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình”.
H.Đ