Bắt đầu từ ngày 1-7, cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 (gọi tắt là Tổng điều tra) trên địa bàn tỉnh chính thức bắt đầu. Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Đỗ Văn Cống - Cục trưởng Cục Thống kê, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tổng điều tra tỉnh xung quanh vấn đề này.
Bắt đầu từ ngày 1-7, cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 (gọi tắt là Tổng điều tra) trên địa bàn tỉnh chính thức bắt đầu. Báo Khánh Hòa đã trao đổi với ông Đỗ Văn Cống - Cục trưởng Cục Thống kê, Phó trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) Tổng điều tra tỉnh xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết Tổng điều tra nhằm hướng đến mục đích nào?
- Tổng điều tra nhằm thể hiện bức tranh kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn một cách chính xác, đúng thực trạng. Qua đó, nhìn nhận một cách trung thực về thế mạnh và điểm yếu trong quá trình phát triển ở khu vực nông thôn, từ đó làm cơ sở hoạch định phát triển ngành nông nghiệp trong giai đoạn tới. Đây là quá trình thu thập thông tin cơ bản về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, phục vụ việc đánh giá và xây dựng kế hoạch, hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đối tượng điều tra là lao động, điều kiện sống, điều kiện sản xuất của hộ dân cư sống ở nông thôn và hộ có tham gia hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản ở khu vực thành thị; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn.
- Như vậy, nội dung điều tra sẽ bao quát hầu hết các lĩnh vực ở nông thôn, thưa ông?
- Tùy theo từng đối tượng, nội dung điều tra sẽ khác nhau. Ở nhóm thông tin về thực trạng nền sản xuất khu vực nông nghiệp, các điều tra viên sẽ thu thập ở 4 nội dung. Thứ nhất là đơn vị sản xuất, trong đó bao gồm cả về số lượng đơn vị, số lao động, cơ cấu lao động phân theo giới tính, tuổi, ngành, trình độ, hình thức làm việc, thời gian lao động. Thứ hai là thông tin về tư liệu sản xuất, bao gồm đất đai, máy móc thiết bị, gia súc gia cầm, mức độ ứng dụng khoa học công nghệ sẽ được thu thập. Riêng tiêu chí đất đai, các điều tra viên sẽ thu thập về quy mô sử dụng đất, diện tích gieo trồng, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản, diện tích đất làm muối, tình hình thuê, mướn… đất sản xuất nông nghiệp, dồn điền đổi thửa. Thứ ba là các hoạt động trợ giúp cho sản xuất như: khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thông tin về giống, thức ăn chăn nuôi, phòng trừ sâu bệnh, kỹ thuật sản xuất… Thứ tư là những thông tin về liên kết, hợp tác trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tác động của sản xuất nông nghiệp đến môi trường…
Còn ở nhóm thông tin về nông thôn, bức tranh chung về thực trạng và sự chuyển dịch cơ cấu hộ, lao động, nguồn thu nhập chính của hộ, thực trạng về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, vệ sinh môi trường nông thôn sẽ được định hình qua quá trình thu thập thông tin ở nhóm này. Ngoài ra, các nội dung như: thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, trong đó bao gồm diện tích đất bị nhiễm mặn, đất phải bỏ vụ sản xuất do thời tiết không thuận lợi… sẽ được điều tra.
Quá trình Tổng điều tra cũng sẽ đi sâu thu thập thông tin về cư dân nông thôn, đó là điều kiện sống của người dân ở khu vực nông thôn, trong đó nhấn mạnh đến các yếu tố như: đồ dùng chủ yếu, sử dụng nước sạch, môi trường sống, khả năng tích lũy và huy động vốn, tình hình vay vốn, khả năng tiếp cận tín dụng, thông tin về đào tạo nghề và một số kết quả thực hiện các chính sách khác ở nông thôn.
- Đến thời điểm này, quá trình chuẩn bị cho Tổng điều tra đã thực hiện tới đâu, thưa ông?
- BCĐ Tổng điều tra tỉnh, cấp huyện, xã được thành lập; tất cả điều tra viên và tổ trưởng đã được tập huấn nghiệp vụ điều tra; lập danh sách địa bàn điều tra và chọn địa bàn điều tra mẫu đã hoàn tất. Song hành với đó, công tác tuyên truyền giúp cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung của Tổng điều tra để từ đó tự giác cung cấp đầy đủ các thông tin có chất lượng. Hoạt động tuyên truyền bằng các công cụ trực quan như: băng rôn, biểu mẫu, trên sóng phát thanh, truyền hình, báo chí, xe tuyên truyền lưu động… sẽ được tập trung cao điểm trong khoảng thời gian từ ngày 25-6 đến 5-7. Kết quả quá trình rà soát lập bảng kê địa bàn và đơn vị điều tra toàn bộ cho thấy, Khánh Hòa có 1.181 địa bàn điều tra toàn bộ (khu vực nông thôn 1.036 địa bàn, khu vực thành thị 145 địa bàn), trong đó có 864 địa bàn điều tra mẫu; hơn 189.000 hộ điều tra toàn bộ, trong đó có hơn 169.000 hộ nông thôn; 132 trang trại. Để đảm bảo tiến độ tổng điều tra, BCĐ các cấp đã tuyển chọn 1.226 điều tra viên, trong đó có 1.188 điều tra viên chính thức, 213 tổ trưởng, 89 giám sát viên.
- Xin ông cho biết lộ trình của Tổng điều tra sẽ diễn ra như thế nào?
- Theo kế hoạch, từ ngày 1-7, các điều tra viên trên toàn tỉnh sẽ đồng loạt “ra quân” đến các địa bàn đã được phân công để tiến hành thu thập thông tin. Thời gian điều tra trong vòng 30 ngày. Kết quả điều tra từ các địa bàn sẽ được BCĐ cấp xã tổng hợp và gửi về cấp huyện trước ngày 5-8. Cấp huyện kiểm tra kết quả này và nhập thông tin vào phần mềm tổng hợp nhanh trực tuyến, xác nhận kết quả qua phần mềm trước ngày 20-8. Tương tự ở cấp tỉnh xác nhận kết quả trước ngày 15-9 để BCĐ Trung ương tổng hợp chung toàn quốc và công bố số liệu sơ bộ vào tháng 12-2016. Đây là cuộc tổng điều tra có quy mô lớn, hàm lượng nội dung nhiều, đa chiều, thời gian điều tra ngắn, nên đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương và các điều tra viên phải nỗ lực rất lớn nhằm thực hiện thành công cuộc tổng điều tra.
- Xin cảm ơn ông!
Hồng Đăng (Thực hiện)