11:06, 13/06/2016

Nâng cao chất lượng nguồn lao động

Hiện nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang tập trung tìm hướng nâng cao chất lượng nguồn lao động, phát triển thị trường lao động theo hướng hiện đại nhằm tạo việc làm bền vững.

Hiện nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đang tập trung tìm hướng nâng cao chất lượng nguồn lao động (LĐ), phát triển thị trường LĐ theo hướng hiện đại nhằm tạo việc làm bền vững. Qua đó, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020.


Chưa đáp ứng được nhu cầu


Theo khảo sát của ngành LĐ-TB-XH, hiện nay, toàn tỉnh Khánh Hòa có hơn 900.800 người trong độ tuổi LĐ. Trung bình mỗi năm, tỉnh có hơn 10.000 người bước vào độ tuổi LĐ, đáp ứng tốt nhu cầu sử dụng nhân lực của các doanh nghiệp (DN). Bên cạnh đó, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được đầu tư phát triển đa dạng về loại hình đào tạo. Toàn tỉnh có hơn 50 cơ sở dạy nghề, được phân bổ đồng đều ở các huyện, thị xã, thành phố, đáp ứng được nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ nguồn LĐ.

 


Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại đó là cơ cấu LĐ qua đào tạo nghề chưa hợp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của DN; thiếu LĐ chất lượng cao ở các ngành mũi nhọn như: dịch vụ - du lịch, chế biến thực phẩm, xây dựng, cơ khí, công nghệ thông tin… Chất lượng LĐ ở thành thị và nông thôn, miền núi, hải đảo có sự chênh lệch cao. Một bộ phận LĐ kỹ thuật có kỹ năng nghề kém, thiếu thích nghi, thể lực yếu, kỷ luật LĐ, tác phong công nghiệp chưa tốt dẫn đến năng suất LĐ thấp.   


Cùng với đó, nhu cầu sử dụng LĐ của các DN cũng tăng mạnh qua các năm. Toàn tỉnh có 5.644 DN, với nhu cầu sử dụng khoảng 10.700 LĐ/năm. Tuy nhiên, phần lớn các DN đang có nhu cầu sử dụng LĐ có trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề giỏi. Trong khi đó, hiện nay trong tỉnh còn thiếu LĐ có tay nghề, thừa LĐ giản đơn. Theo ông Võ Đình Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dệt may Nha Trang, qua các đợt tuyển dụng của công ty, đa số người LĐ đều rất yếu về chuyên môn, kiến thức thực hành nên đơn vị phải tổ chức đào tạo lại. Qua đó cho thấy, chất lượng nguồn LĐ vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của DN.

 

Doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh
Doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh


 Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thừa nhận, chất lượng LĐ, trình độ tay nghề, tác phong công nghiệp của người LĐ trên địa bàn tỉnh còn rất yếu. Từ năm 2011 đến nay, trung bình mỗi năm có khoảng 7.000 LĐ đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó có 60% trong độ tuổi từ 18 đến 40. Đa số LĐ này do trình độ tay nghề yếu nên DN phải cho nghỉ việc. Bên cạnh đó, qua khảo sát tại 348 DN đang sử dụng hơn 61.300 LĐ, các DN có nhu cầu đào tạo lại tay nghề cho tổng số gần 7.000 LĐ.


Tập trung nâng cao chất lượng lao động, giải quyết việc làm


Trước thực trạng đó, ngành LĐ-TB-XH đang tập trung nâng cao chất lượng đào tạo nghề ở các cơ sở dạy nghề; xây dựng Đề án “Hỗ trợ phát triển thị trường LĐ và giải quyết việc làm giai đoạn 2016 - 2020” trình UBND tỉnh xem xét phê duyệt. Trước mắt, ngành tiến hành rà soát, bổ sung đào tạo thêm những ngành, nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; điều chỉnh, cải tiến nội dung đào tạo, gắn với tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ và thực tế sản xuất trong các DN; thay đổi hình thức học bằng cách tăng thời lượng học thực hành để tạo thuận lợi cho người học nắm những kiến thức trọng tâm mà DN đang yêu cầu và có thể vừa đi học, vừa đi làm. Đặc biệt, các cơ sở dạy nghề gắn kết chặt chẽ với DN để đào tạo nguồn nhân lực cho DN, từ đó tạo việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp. Tất cả hướng đến mục tiêu đến năm 2020, trên 60% LĐ được đào tạo nghề có chất lượng, nâng cao giá trị sức LĐ, có việc làm bền vững, tham gia cạnh tranh tốt trên thị trường LĐ.

 

Ông Hồ Viết Tiến Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm cho người LĐ đang rất bức thiết, đòi hỏi các ngành chức năng phải có những giải pháp căn cơ, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng nguồn LĐ để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN, từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển bền vững. Ngoài ra, người LĐ phải tham gia đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, kỹ thuật, từ đó mới mở rộng cơ hội tìm được việc làm phù hợp, thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, ngành tập trung xây dựng và hoàn thiện mạng lưới dịch vụ việc làm; đảm bảo 100% người LĐ đến các trung tâm dịch vụ việc làm được tư vấn việc làm, học nghề, trong đó có 70% người LĐ được giới thiệu việc làm thành công và đáp ứng 70% DN tuyển dụng được LĐ; nâng cao chất lượng thu thập, phân tích, dự báo và phổ biến thị trường LĐ…


Theo ông Mai Xuân Trí, để làm được điều này, tỉnh cần có những chương trình vay vốn cho LĐ sau học nghề; tiếp tục phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương, cơ sở đào tạo và các DN theo phương thức đào tạo theo địa chỉ việc làm. Mặt khác, tỉnh tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cho các trường nghề; thực hiện quyết liệt công tác phân luồng học sinh. Ngoài ra, nguồn ngân sách nhà nước cần đầu tư khoảng 16 tỷ đồng cho giai đoạn 2016 - 2020 để nâng cấp cơ sở hạ tầng, vật chất và trang thiết bị cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và 2 chi nhánh tại TP. Cam Ranh và thị xã Ninh Hòa; đầu tư nâng cao chất lượng hoạt động của sàn giao dịch việc làm nhằm tăng khả năng giải quyết việc làm cho người LĐ...


PHÚ VINH