09:04, 25/04/2016

Cần tăng cường tập huấn cách sử dụng

Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa mua sắm các thiết bị test nhanh môi trường để cung cấp cho các địa phương thực hiện giám sát môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng gói thiết bị này còn nhiều bất cập.

Năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đề xuất UBND tỉnh Khánh Hòa mua sắm các thiết bị test nhanh môi trường để cung cấp cho các địa phương thực hiện giám sát môi trường. Tuy nhiên, việc sử dụng gói thiết bị này còn nhiều bất cập.


Chưa phát huy hiệu quả


Bà Nguyễn Bích Loan - chuyên viên môi trường, Phòng TN-MT huyện Diên Khánh cho biết, cuối năm 2015, huyện Diên Khánh được trang bị bộ thiết bị gồm: máy đo tiếng ồn, máy đo đa chỉ tiêu nước và một số mẫu thử. Tuy nhiên, đơn vị vẫn chưa sử dụng lần nào, bởi huyện chưa có kế hoạch kiểm tra. Mặt khác, từ khi nhận thiết bị đến nay, người dân không có phản ánh hay khiếu nại gì liên quan đến môi trường, nước thải nên chưa đem ra dùng. Ngoài ra, bộ thiết bị có nhiều thông số, chỉ tiêu rất phức tạp, ghi bằng tiếng Anh, trong khi công tác tập huấn còn sơ sài nên việc sử dụng thành thạo công cụ không hề đơn giản.

 

Bộ dụng cụ test nhanh môi trường được cấp cho huyện Diên Khánh
Bộ dụng cụ test nhanh môi trường được cấp cho huyện Diên Khánh


Phòng TN-MT TP. Nha Trang cũng được trang bị 2 bộ thiết bị là máy đo tiếng ồn và máy đo đa chỉ tiêu nước (đo pH, DO, nhiệt độ, chloride, ammonia, nitrate...). Theo ông Vũ Ngọc Huân - Phó Trưởng phòng TN-MT TP. Nha Trang, phòng đã phối hợp với các đơn vị liên quan sử dụng thiết bị đo tiếng ồn để kiểm tra tiếng ồn từ các hoạt động của nhà hàng, quán bar, quán cà phê… trên địa bàn thành phố, còn máy đo chỉ tiêu nước hầu như chưa sử dụng tới.


Ông Võ Thành Nhân - Trưởng phòng TN-MT huyện Diên Khánh cho rằng, bộ thiết bị là công cụ cần thiết, giúp cho các địa phương thuận lợi hơn trong việc giám sát nhanh môi trường. “Tuy nhiên, kết quả test dù có vượt chuẩn thì cấp huyện cũng không thể xử phạt, phải kiến nghị sở giám định lại mới có hướng xử lý tiếp theo…”, ông Nhân nói. Còn theo ông Huân, kết quả test hiện nay chưa thể vận dụng để tham mưu lãnh đạo thành phố ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.


Cần tăng cường tập huấn


Theo lãnh đạo các phòng TN-MT, thời gian qua, việc tập huấn sử dụng bộ thiết bị test nhanh môi trường chưa hiệu quả; Sở TN-MT phải tập huấn 2 lần. Lần tập huấn đầu tiên không thành công vì nhà cung cấp chưa có kinh nghiệm trong truyền đạt, hơn nữa tài liệu bằng tiếng Anh nên học viên rất khó nắm bắt. Lần tập huấn thứ 2, Sở TN-MT phải nhờ cán bộ của Trung tâm Quan trắc TN-MT. Tuy nhiên, việc vận hành và sử dụng các thiết bị trên đối với các phòng TN-MT vẫn còn khó khăn, đặc biệt là thiết bị đo đa chỉ tiêu nước và thiết bị đo khí độc cầm tay.

 

Gói thiết bị test nhanh môi trường gồm: 2 máy đo khí độc (cấp cho Thanh tra Sở TN-MT và Chi cục Bảo vệ môi trường); 9 máy đo tiếng ồn và 9 máy đo đa chỉ tiêu nước (cấp cho các phòng TN-MT). Tổng trị giá gói thiết bị gần 1,2 tỷ đồng.

Ông Hoàng Trọng Vinh - Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN-MT cho biết, kết quả đo của các phòng TN-MT dựa vào những thiết bị nêu trên nhằm kiểm tra hoặc công bố, kết luận số liệu thu được là có ô nhiễm hay không. Vai trò chính của các thiết bị này chỉ mang tính tham khảo, giúp các phòng TN-MT có kế hoạch ứng phó kịp thời với sự cố môi trường. Tuy nhiên, nếu thiết bị được hiệu chuẩn, kiểm định thường xuyên thì vẫn được công nhận là căn cứ để xử lý vi phạm hành chính.


Theo ông Vinh, để phát huy hiệu quả thiết bị trên, cần có một đội ngũ cán bộ chuyên môn về thu mẫu - phân tích mẫu, am hiểu kiến thức về lĩnh vực phân tích mẫu và cách sử dụng các trang thiết bị phân tích môi trường. Người sử dụng thiết bị cần được tập huấn thường xuyên về kỹ thuật hiệu chuẩn nội bộ trước khi đo; thiết bị đến kỳ hạn phải được kiểm định, hiệu chuẩn… Có như vậy, bộ trang thiết bị này mới thực sự phát huy hiệu quả.


V.L