06:03, 10/03/2016

Làm việc với thành viên dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam

Ngày 10-3, ông Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có buổi làm việc với các thành viên của Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam...

Ngày 10-3, ông Nguyễn Đắc Tài – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa có buổi làm việc với các thành viên của Dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam để làm rõ nội dung bài viết “Việt Nam từng chủ động nuôi chủng muỗi Aedes, trung gian truyền vi rút Zika” trên Báo Giáo dục Việt Nam số ra ngày 18-2-2016, trong đó có đề cập đến muỗi Aedes (muỗi vằn) mang vi khuẩn Wolbachia được phóng thả tại đảo Trí Nguyên, TP. Nha Trang.

 

Nguyễn Đắc Tài làm việc với các thành viên của Dự án Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam
Ông Nguyễn Đắc Tài (thứ 2 từ phải sang) làm việc với các thành viên của Dự án Hướng tới loại trừ SXH tại Việt Nam


Tại buổi làm việc Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển – Phó Giám đốc dự án khẳng định tít bài báo trên không chính xác. Muỗi Aedes mang vi khuẩn Wolbachia được phóng thả tại đảo Trí Nguyên, TP. Nha Trang không những ức chế được vi rút Dengue (gây bệnh SXH), mà kết quả nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy nó còn có khả năng ức chế vi-rút Zika giống như vi rút Dengue.


Theo Giáo sư Nguyễn Trần Hiển, năm 2005, các nhà khoa học Australia đã tìm ra phương án phòng, chống bệnh SXH bằng cách cho muỗi vằn (trung gian truyền bệnh SXH) nhiễm vi khuẩn Wolbachia. Vi khuẩn Wolbachia có trong cơ thể muỗi vằn có khả năng ức chế sự lây truyền bệnh SXH của muỗi. Trước thành công của phương án trên, năm 2006 dưới sự tài trợ của Đại học Monash, Australia, dự án Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam được triển khai tại đảo Trí Nguyên. Trong 5 năm (2006-2011) dự án đã tiến hành nhiều hoạt động như: tham vấn ý kiến các nhà khoa học, cộng đồng, xin ý kiến đồng thuận của người dân (trên 96% người dân ở đảo đồng thuận triển khai dự án); lấy muỗi vằn trên đảo Trí Nguyên về nuôi và cho nhiễm vi khuẩn Wolbachia... Năm 2013 đến tháng 11-2014, dự án tiến hành phóng thả muỗi trên tại đảo. Kết quả, sau khi thả muỗi mang vi khuẩn Wolbachia, năm 2014, trên đảo Trí Nguyên không phát hiện ca nhiễm SXH nào, năm 2015 có 1 ca. Kết quả giám sát sức khỏe người dân trước và sau khi dự án triển khai cho thấy các chỉ số sức khỏe của người dân không có gì thay đổi…


Kết luận tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đắc Tài đánh giá cao kết quả dự án đạt được, mong muốn dự án sớm thành công để có thể áp dụng tại TP. Nha Trang. Đồng thời, ông Nguyễn Đắc Tài cũng đề nghị, dự án nên cộng tác chặt chẽ với báo, đài địa phương để thông tin kịp thời cho người dân hiểu về dự án. UBND tỉnh cũng đã chấp thuận cho phép Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp tục kéo dài các hoạt động nghiên cứu bổ sung về thực trạng bệnh SXH và yếu tố liên quan tại TP. Nha Trang đến tháng 2-2017.


* Cùng ngày, Ban Điều phối dự án “Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết ở Việt Nam” phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức hội thảo tham vấn xây dựng quy trình lấy ý kiến chấp thuận của đại diện cộng đồng với lãnh đạo của 5 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Hoạt động này nhằm chuẩn bị cho lộ trình lấy ý kiến đồng thuận của các nhóm đại diện trong cộng đồng đối với việc triển khai dự án “Ứng dụng muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia để hạn chế sự lây truyền của bệnh SXH” trên địa bàn TP. Nha Trang.

 

Thành viên của dự án đang lấy muỗi từ các bẫy đặt ở đảo Trí Nguyên để giám sát và nghiên cứu
Thành viên của dự án đang lấy muỗi từ các bẫy đặt ở đảo Trí Nguyên để giám sát và nghiên cứu


Tại hội thảo, Ban điều phối dự án đã cung cấp thông tin về bệnh SXH của cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng trong 5 năm trở lại đây; qua đó, tóm tắt những thông tin cơ bản cũng như hiệu quả của phương pháp ứng dụng muỗi mang vi khuẩn Wolbachia trong phòng, chống bệnh SXH đang được triển khai tại đảo Trí Nguyên. Các đại biểu cũng đã phản ánh những băn khoăn và lo lắng xoay quanh sự an toàn và tính hiệu quả của dự án. Tuy nhiên, đại diện Dự án cho biết, các nghiên cứu khoa học và thực tiễn thu được tại đảo Trí Nguyên từ 2006 đến nay cho thấy, muỗi mang vi khuẩn Wolbachia an toàn cho con người và cả động vật…


T.L-B.N